Thứ năm, 18/04/2024 10:55 (GMT+7)

Đà Nẵng: Đề nghị khởi kiện ra toà nếu Mường Thanh vẫn bất hợp tác

Hà Nam - Bình Dương -  Chủ nhật, 17/06/2018 17:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tại buổi đối thoại, 104 hộ dân mua căn hộ xây sai phép của Mường Thanh ở Đà Nẵng khẳng định, nếu chưa được chủ đầu tư giải quyết các quyền lợi thỏa đáng thì họ sẽ không di dời để chính quyền cưỡng chế

Liên quan đến vụ việc dự án Tổ hợp Khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà (đường Võ Nguyên Giáp, P. Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư đã tự ý xây dựng thêm một số hạng mục sai phép; ngày 16/6, UBND phường Mỹ An tổ chức buổi đối thoại với các hộ dân sinh sống tại 104 căn hộ được xây trái phép, không đúng theo hồ sơ thiết kế.

Người dân phản đối cưỡng chế khi doanh nghiệp chưa giải quyết thỏa đáng quyền lợi

Tại buổi đối thoại, trước thông tin về phương án cưỡng chế tháo gỡ tại tầng 2 đến tầng 5 Khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà, nhiều người dân đã lên tiếng phản đối.

Bởi theo họ, do sự bất hợp tác từ phía Mường Thanh nên vẫn chưa có sự đối thoại với chủ dự án và chưa được giải quyết các quyền lợi thỏa đáng, nên việc cơ quan chức năng tiến hành cưỡng chế như vậy sẽ ảnh hưởng đến tài sản đã hợp thức của họ.

Nhiều người dân sinh sống tại Tổ hợp Khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà bức xúc vì phía Mường Thanh không cử đại diện tham dự buổi đối thoại. Ảnh: Hà Nam

Ông Lê Toàn (chủ hộ 252) cho biết, ông hoàn toàn nhất trí và ủng hộ trước việc chính quyền ra quyết định cưỡng chế đối với sai phạm của Mường Thanh.

Tuy nhiên, ông cũng như các hộ dân từ tầng 2 đến tầng 5 mong muốn chính quyền địa phương sẽ tác động, yêu cầu chủ đầu tư gặp mặt trực tiếp 104 hộ dân đã mua các căn hộ xây trái phép của họ để bàn bạc với nhau, tìm ra cách giải quyết hợp lý nhất.

"Tôi đã bỏ cả tài sản của mình ra để mua căn hộ này với gia 1,1 tỷ; đó là chưa tính tiền tu sửa, trang trí nội thất. Nên mong chính quyền địa phương và chủ đầu tư phải có thống nhất với nhau như thế nào để đền bù thỏa đáng cho chúng tôi, chứ không thể để người dân “lỗ” do doanh nghiệp sai phạm được…”, ông Toàn nói.

Ông Lê Toàn (chủ hộ 252) ủng hộ việc cưỡng chế đối với sai phạm của Mường Thanh nhưng sẽ chỉ di dời đi khi đã nhận được đền bù thỏa đáng từ phía chủ đầu tư. Ảnh: Hà Nam

Còn ông Lê Văn Quý (căn hộ 204) cho rằng, tất cả 104 căn hộ đều đã được ký hợp đồng mua bán căn hộ và thanh toán tiền đầy đủ cho chủ đầu tư. Phía Mường Thanh cũng cam kết thực hiện các nội dung về pháp lý, PCCC và các điều khoản được ghi trong hợp đồng.

Thời điểm người dân mua các căn hộ không nhận được văn bản cảnh báo nào (trước tháng 5/2017) từ chính quyền địa phương, chủ đầu tư rao bán căn hộ tràn lan trên các sàn giao dịch, internet… Việc sửa chữa vào ở căn hộ, người dân đều làm đơn và được sự đồng ý của Ban quản lý, nộp lệ phí sữa chữa theo đúng quy định…

Ông Lê Văn Quý (căn hộ 204) cho rằng, thời điểm mình mua các căn hộ không nhận được văn bản cảnh báo nào (trước tháng 5/2017) từ chính quyền địa phương. Ảnh: Hà Nam

“Chúng tôi ở đây có người tích góp cả đời mới mua được chung cư để ở. Tất nhiên việc đền bù về kinh tế là thuộc về Mường Thanh, nhưng sau khi đền bù xong thì dân chúng tôi sẽ đi đâu và về đâu? Yêu cầu chính quyền các cấp giải quyết vấn đề đó rõ ràng và can thiệp để làm thế nào mà đồng tiền chúng tôi đã bỏ ra phải được đền bù cho hợp tình, lợp lý…”, ông Quý nêu ý kiến.

“Nói thật là tôi có mỗi căn nhà thôi, nhưng tôi đã bán để đổ vào mua căn hộ của Mường Thanh rồi, giờ cưỡng chế thì gia đình tôi không biết đi đâu ở cả. Vì vậy tôi yêu cầu chính quyền địa phương phải tác động phía chủ đầu tư gặp chúng tôi để giải quyết rõ ràng chứ không thể họ đã sai nhưng lại còn bất hợp tác như vậy được…”, anh Nguyễn Quốc Văn (Chủ căn hộ 428) chia sẻ.

Người dân bức xúc vì chủ đầu tư Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên vô trách nhiệm, chây ì trong việc đền bù cho họ sau khi đã bán những căn hộ xây sai phép. Ảnh: Hà Nam

Đồng quan điểm với ông Quý và anh Văn, chị Đào thị Mỹ Hạnh (chủ nhân căn hộ 210) còn nhấn mạnh thêm:Nếu chủ đầu tư không đền bù thỏa đáng thì chúng tôi sẽ không đi đâu hết, cụ thể theo giá thị trường mà tôi tìm hiểu được biết thì bây giờ chủ đầu tư phải đền bù từ 2 đến 2,6 tỷ đồng tùy theo từng căn hộ của chúng tôi. Ngoài ra cộng thêm chi phí xây dựng từ 200.000.000 triệu trở lên theo giá sửa thực tế của từng căn, chi phí vận chuyển đồ và cả đền bù tổn thất về tinh thần thời gian nữa, bởi chúng tôi phải nghỉ làm để đi họp (có giấy xác nhận xin nghỉ của công ty đang công tác) và chi phí cho những người ở xa phải đi lại để giải quyết vấn đề này”.

Chị Đào thị Mỹ Hạnh (chủ nhân căn hộ 210) cho rằng, theo giá thị trường hiện giờ thì phía Mường Thanh phải đền bù cho họ mỗi căn hộ ít nhất từ 2 đến 2,6 tỷ, cộng thêm chi phí xây dựng và một số khoảng khác. Ảnh: Hà Nam

“Khi người Mường Thanh chưa có phương án đền bù hợp lý hoặc những phương án sẽ xây dựng theo đúng pháp luật và chính quyền đưa ra thì tất cả chúng tôi sẽ không chấp nhận di dời dù là có bị cưỡng chế...”.Chị Lê Minh Thi (chủ căn hộ 334) khẳng định.

Đề nghị khởi kiện ra toà dân sự nếu Mường Thanh vẫn bất hợp tác 

Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, ông Trần Văn Thành - Chủ tịch UBND phường Mỹ An cho biết: Sẽ ghi nhận ý kiến của các hộ dân tại Mường Thanh và báo cáo lên TP.

Ông Thành cũng phê bình thái độ bất hợp tác từ phía BQL Tổ hợp Khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà vì chính quyền đã gửi giấy mời đại diện chủ đầu tư là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đến tham dự buổi đối thoại nhưng không ai có mặt.

Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà có thái độ bất hợp tác, chây ì trong việc đền bù, giải quyết quyền lợi cho người dân sau khi bán các căn hộ xây sai phép. Ảnh: Hà Nam

Kết thúc buổi đối thoại, ông Huỳnh Cự - Phó chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cũng khẳng định, quan điểm của TP cũng như của quận là bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân.

Về vấn đề bà con thuộc diện khó khăn, vay mượn để mua căn hộ để sinh sống, bây giờ cưỡng chế sẽ ở nơi đâu? Ông Cự cũng bày tỏ việc quận nhận khuyết điểm trước TP và người dân.

Theo ông Cự, nếu chưa có người dân vào ở thì việc cưỡng chế rất đơn giản, nhưng giờ bà con vào nên chính quyền phải tính toán lại sao cho hợp lý, để người dân không bị thiệt thòi.

Về nguyên tắc chúng chủ đầu tư phải bố trí chỗ ở cho bà con nhân dân, nhưng nếu chủ đầu tư không hợp tác thì chính quyền phải tìm nơi bố trí ở cho bà con người dân. Chứ không hề có chuyện khi chưa bố trí chỗ ở tạm mà đã cưỡng chế. Chúng tôi sẽ có văn bản gửi doanh nghiệp phải có trách nhiệm tổ chức đối thoại với người dân và có thỏa thuận đền bù xứng đáng cho người dân. Nếu không thực hiện những điều này, thì theo Luật dân sự việc tranh chấp về tài sản và lợi ích kinh tế thì đề nghị bà con khởi kiện doanh nghiệp ra tòa dân sự…”. Ông Cự khẳng định.

Đơn kêu cứu của hơn 100 hộ dân "lỡ" mua 104 căn hộ xây sai phép của Dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà. Ảnh: Hà Nam

Chủ tịch TP Đà Nẵng yêu cầu việc tháo dỡ các hạng mục xây dựng trái phép tại dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật... Ảnh: Hà Nam

Như Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đưa tin, dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà, được Sở Xây dựng cấp phép năm 2016 với quy mô 42 tầng và 2 tầng hầm.

Trong đó, từ tầng 2 đến tầng 5, công trình được cấp phép xây dựng làm bãi đỗ xe, nhà trẻ, hồ bơi… Tuy nhiên, trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã tự ý thay đổi công năng, tầng 2 đến tầng 5 được ngăn thành 104 căn hộ để bán.

Ngày 26/9/2016, Thanh tra Sở Xây dựng Đà Nẵng đã xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng đối với chủ đầu tư vì hành vi trên, đồng thời yêu cầu ngừng thi công phần công trình vi phạm.

Ông Huỳnh Cự - Phó chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn khẳng định, quan điểm của TP cũng như của quận là bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân. Ảnh: Hà Nam

Tháng 4/2017, UBND quận Ngũ Hành Sơn được giao giám sát việc ngừng thi công công trình sai phép. Đồng thời, Sở Xây dựng cũng ra văn bản quy định ngày 30/5 là thời hạn cuối cùng chủ đầu tư dự án này tự tháo dỡ phần công trình vi phạm. Tuy nhiên, quá hạn nhưng chủ đầu tư vẫn không thực hiện tháo dỡ phần công trình vi phạm đúng như yêu cầu.

Ngày 7/6/2018, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu cơ quan chức năng phải khẩn trương tổ chức phương án cưỡng chế tháo dỡ toàn bộ hạng mục xây dựng sai phép đối với dự án này theo đúng pháp luật.

Ngày 11/6, theo đơn "cầu cứu" của chủ đầu tư dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà, Thanh tra Bộ Xây dựng đã tổ chức kiểm tra thực tế công trình trái phép này và làm việc với một số cơ quan có liên quan. Tuy nhiên, đây là buổi họp kín và nội dung không được tiết lộ.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Bạn đang đọc bài viết Đà Nẵng: Đề nghị khởi kiện ra toà nếu Mường Thanh vẫn bất hợp tác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.