Thứ năm, 28/03/2024 19:16 (GMT+7)

Dân than trời vì bị ‘ngộ độc ánh sáng’ từ DA số 5 Lê Duẩn của DOJI

MTĐT -  Thứ ba, 13/08/2019 10:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự án Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp số 5 Lê Duẩn của Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI lấy ý tưởng là một viên Ruby đặt trên một chiếc nhẫn kim cương đang khiến người dân “kêu trời”.

Dự án Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp số 5 Lê Duẩn của Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI lấy ý tưởng là một viên Ruby đặt trên một chiếc nhẫn kim cương đang khiến người dân “kêu trời” vì bị tra tấn bởi hiện tượng “ngộ độc ánh sáng” do kính phản quang của tòa cao ốc.

“Ngộ độc ánh sáng” đến hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn

Tọa lạc tại ngã tư phố Lê Duẩn với Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình, Hà Nội), dự án Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp số 5 Lê Duẩn của Tập đoàn DOJI được giới đầu tư coi là “đất vàng" tại Hà Nội.

Được khởi công xây dựng vào ngày 30/7/2010, Dự án "đất vàng" Lê Duẩn này từng được Tập đoàn DOJI giới thiệu là công trình có phong cách kiến trúc rất đặc biệt và mang nét đặc trưng của Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI. Công trình lấy ý tưởng là một viên Ruby đặt trên một chiếc nhẫn kim cương, biểu tượng cho sức mạnh, bền vững và sự vĩnh cửu.

Tuy nhiên, phần mặt tiền của dự án này được sử dụng kính phản quang bọc toàn bộ mặt ngoài của khối công trình. Những tổ hợp kính này trông khá đẹp mắt và có thể tiết kiệm năng lượng nhưng lại rất có hại cho người bên ngoài.

Ông Trường (Tổ trưởng dân phố số 7 kiêm Trưởng ban Mặt trận tổ quốc cụm dân cư số 4, phường Điện Biên, Ba Đình) bức xúc: "Tòa cao ốc được bọc kính như tấm gương khổng lồ dựng ngay đối diện với nhà tôi. Nhìn bên ngoài thì nhà được xây dựng bằng kính cũng đẹp thật, tuy nhiên tác hại nó mang lại thì chúng tôi, những người sinh sống gần đây phải gánh chịu. Cứ đến tầm 4h chiều, ánh nắng phản chiếu từ tòa nhà khiến cho nhà tôi nóng, chói chang như chảo lửa. Gia đình tôi cứ đến giờ này là phải đóng cửa. Nhiều khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng tôi cảm thấy đau mắt, buồn nôn như kiểu bị say nắng".

Được biết, vợ chồng người con cùng 2 cháu của ông Trường ở trên tầng 2, hiện nay phải "di tản" về quê ngoại do căn phòng bị ánh nắng phản quang trực tiếp từ tòa dự án số 5 Lê Duẩn chiếu thẳng vào. Gia đình ông đã phải làm rèm và trồng cây để chống nóng nhưng vẫn không thể chịu nổi. Ông Trường bảo: "Đến người lớn tiếp xúc lâu còn ốm, mất ăn mất ngủ nữa là trẻ con".

Ông Mai Văn Báu (Tổ trưởng dân phố số 7, phường Điện Biên, Ba Đình) cũng bức xúc không kém: “Tôi cho rằng, những toà nhà được bọc bằng kính sẽ có tác hại nhất định đến môi trường và sức khoẻ con người. Vào những thời điểm nắng, nóng gay gắt sự ảnh hưởng này càng bộc lộ rõ hơn”.

Những tấm kính trở thành những tấm gương khổng lồ hắt nắng sang các nhà đối diện, xuống nền bê tông và người đi đường, gây cảm giác chói mắt, khó điều khiển phương tiện giao thông, tăng nhiệt độ ngoài trời… Đã từng có nhiều trường hợp do chói mắt mà va chạm giao thông tại đây rồi, ông Báu khẳng định.

Anh Nguyễn Thanh Hồng (kiến trúc sư một công ty xây dựng) cho biết: “Trên thế giới đã có các khuyến cáo không nên dùng nhiều kính đối với các tòa cao tầng. Tại Singapore, vào những năm 1985-1995, một số tòa nhà sử dụng kính phản quang đã bị cấm sử dụng. Bởi theo chính phủ nước này, nó có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc ánh sáng rất nguy hiểm cho con người”.

Hiện nay một số toà nhà mới đã cho lắp đặt loại kính chống phản quang nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay và chỉ rơi vào những toà nhà mới được xây dựng. Trong khi đó, đối với nhà ở dân dụng hiện nay, các loại kính sử dụng thường là kính một lớp, kính trong, chưa bảo đảm yêu cầu hệ số truyền nhiệt và độ an toàn. Do vậy, khó có thể hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu một lúc nào đó hàng trăm toà nhà cao tầng bọc kính mọc lên, anh Hồng chia sẻ.

Được biết, mắt người chịu đựng được ánh sáng từ 400 - 600 lux. Tuy nhiên, với cái nắng như đổ lửa ở Việt Nam vào mùa hè, ánh sáng phản quang từ các tòa nhà bọc kính có thể lên đến hàng nghìn lux. Với mức ánh sáng vượt quá mức cho phép gấp nhiều lần như vậy mắt sẽ bị tổn thương một cách nghiêm trọng. Thậm chí, nếu tiếp xúc lâu có thể còn xảy ra tình trạng buồn nôn, mất ngủ, ngất xỉu... Nguy hại nhất là đối với trẻ em và người già.

Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới. Mùa hè, nhiệt độ của mây và ánh sáng mặt trời thường rất cao. Điểm bất hợp lý là rất nhiều tòa cao ốc, văn phòng ở Việt Nam sử dụng kính phản quang đều xây dựng theo hướng Đông và Tây. Vào mùa hè nhìn từ đằng xa đã tức mắt, buồn nôn nói gì đến những hộ dân sinh sống cạnh đó, chẳng khác nào bị tra tấn, suốt ngày phải nhìn thẳng lên mặt trời.

Cấp phép 3 lần, xây mãi chưa xong

Dự án Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp, số 5 Lê Duẩn được khởi công xây dựng vào ngày 30/7/2010, do Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) và Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI hợp tác đầu tư. Khi được khởi công xây dựng, công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 8/2012 nhưng đến thời điểm hiện tại, công trình vẫn ngổn ngang như một đại công trường giữa lòng Thủ đô.

Dự án được thiết kế 9 tầng (cao 33m) và 3 tầng hầm được xây dựng trên khu đất rộng 1.624 m2, diện tích xây dựng công trình là 891 m2, mật độ xây dựng 55%. Đơn vị thi công là Tổng công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị (UDIC). Tổng diện tích sàn xây dựng là 11.901 m2, bao gồm diện tích 3 tầng hầm là 4.500 m2, 5 tầng Trung tâm thương mại với tổng diện tích là 5.064 m2, 5 tầng văn phòng với tổng diện tích là 3.837 m2.

Đặc biệt, toàn bộ hệ thống phào chỉ, hoa văn chi tiết trên bề mặt ngoài công trình và hệ thống mái tiền sảnh được dát vàng 9999, riêng chi phí cho việc dát vàng đã lên tới 3 triệu USD.

Được biết, dự án này có đến 3 lần được cấp và điều chỉnh giấy phép xây dựng: Lần đầu, giấy phép xây dựng được cấp vào năm 2010; lần 2, giấy phép xây dựng điều chỉnh được cấp năm 2014 và lần 3 là phụ lục bổ sung được cấp năm 2017. Tổng số tầng của dự án sau 3 lần điều chỉnh là 16 tầng nổi, 3 tầng hầm trong khi lần cấp phép đầu tiên chỉ có 9 tầng nổi và 3 tầng hầm.

Khi được khởi công xây dựng, công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 8/2012. Tuy nhiên, khi xây thô đến tầng thứ 9 thì dự án đột ngột dừng thi công và chậm tiến độ nhiều năm khiến giới đầu tư vô cùng bất ngờ. Đến năm 2017, dự án được tiếp tục triển khai và tăng quy mô chiều cao công trình lên 19 tầng.

Với việc dự án được điều chỉnh gấp đôi chiều cao so với ban đầu, xây gần 10 năm không xong khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Chất lượng và chiều cao công trình liệu có đúng quy hoạch của thành phố?

Một số hình ảnh PV Kinh tế Môi trường ghi nhận tại dự án chiều 12/8:

Dự án số 5 Lê Duẩn của Tập đoàn DOJI xây gần 1 thập kỷ chưa xong.

Sắt thép lơ lửng trên không trung và hệ thống ròng rọc chở công nhân làm vệ sinh mặt ngoài.

Sau 3 lần được cấp và điều chỉnh giấy phép xây dựng, dự án đã tăng quy mô chiều cao công trình lên 19 tầng.

Sau gần 1 thập kỷ, đến nay dự án vẫn như là một đại công trường, lấn chiếm toàn bộ vỉa hè để thi công, "đẩy" người đi bộ xuống lòng đường.

Theo Kinh tế môi trường

Bạn đang đọc bài viết Dân than trời vì bị ‘ngộ độc ánh sáng’ từ DA số 5 Lê Duẩn của DOJI. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.