Thứ tư, 24/04/2024 11:59 (GMT+7)

Dịch bệnh kéo dài, giá thuê mặt bằng 'đất vàng' Hà Nội giảm đến 40%

MTĐT -  Thứ bảy, 29/08/2020 11:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nằm ở trung tâm Hà Nội, mặt bằng cho thuê phố cổ luôn được săn đón. Thế nhưng dịch Covid-19 kéo dài, tình hình kinh doanh thua lỗ đã khiến giá mặt bằng tại đây giảm mạnh.

Vốn được mệnh danh là những khu đất “vàng” giữa lòng Hà Nội, mặt bằng khu phố cổ luôn được giới đầu tư săn đón. Thế nhưng trong thời gần đây, hàng loạt mặt bằng tại phố cổ đang bị bỏ trống, cửa hàng lần lượt đóng cửa.

Chia sẻ với báo TN-MT, anh Nguyễn Ngọc Huy, chủ nhà cho thuê trên phố Hàng Đào chia sẻ: Trước dịch bệnh, cửa hàng nhà mình cho thuê mỗi tháng là 60 triệu đồng. Tuy nhiên, mấy tháng nay do không có khách du lịch, cửa hàng làm ăn thua lỗ nên khách đã bỏ hợp đồng, chịu mất tiền cọc. Mình treo biển 2 tháng nay rồi nhưng vẫn chưa tìm được người thuê.

Cũng giống như anh Huy, nhiều chủ nhà trên phố cổ cũng đang trong tình trạng “ngồi trên đống lửa” vì không tìm được người thuê. Một số chủ nhà đã làm mọi biện pháp như giảm giá thuê từ 20% - 40%, đồng ý cho khách thuê ngắn hạn từ 6 tháng - 1 năm thay vì hợp đồng vài năm như trước kia, thậm chí chia nhỏ mặt bằng để 2,3 người thuê cùng lúc nhưng khách thuê nhà vẫn vắng bóng.

Theo dữ liệu mới đây của Savills, khoảng 50% doanh nghiệp bán lẻ có mức doanh thu sụt giảm trên 50% trong và sau giai đoạn COVID-19 vừa qua. Theo đó, nguồn cầu bị ảnh hưởng lớn, các công ty và đơn vị bán lẻ không thể tiếp tục mở rộng kế hoạch kinh doanh.

Theo đánh giá của đơn vị này, áp lực về giá thuê đã lắng dịu trong vài tháng gần đây, đặc biệt có sự điều chỉnh hợp lí hơn để có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp và các đơn vị bán lẻ.

Điển hình, giá mặt bằng bán lẻ tại các khu vực phố cổ trung tâm đã giảm sâu so với trước COVID-19, giá của các vị trí vàng có thể giảm tương đương 30-40% để thu hút khách hàng tiếp tục thuê mặt bằng.

Theo ông Lê Tuấn Bình, Trưởng Bộ phận Cho thuê thương mại Savills Hà Nội, các chủ nhà sẽ phải nhìn nhận mặt bằng cho thuê của mình đúng theo mặt bằng chung của thị trường theo hai điểm.

Thứ nhất là giá thuê, hầu hết các chủ nhà tại phố cổ chưa từng gặp trường hợp phải đi đàm phán giá thuê với khách thuê, họ sẽ là bên lựa chọn khách thuê trả giá cao nhất. Song, hiện các chủ nhà ở phố cổ đang tích cực đưa ra các phương án giá phù hợp hơn với thị trường.

Thứ hai là cần có sự linh hoạt hơn về phương án cho thuê, có thể là về mặt bằng cho thuê. Trước đây các chủ nhà cho thuê có rất ít các phương án cho thuê mặt bằng nhưng hiện nay đã có sự linh hoạt hơn khi chia diện tích mặt bằng thành các diện tích nhỏ, để khách thuê có thể lựa chọn.

“Các điều kiện như thời hạn cho thuê, các điều khoản về điều chỉnh giá thuê đã linh hoạt hơn rất nhiều, tuy bị giảm về doanh thu nhưng sẽ được phục hồi nhanh sau giai đoạn dịch”, ông Bình nói.

Nhiều mặt bằng cho thuê phải đóng cửa vì kinh doanh ế ẩm.

Về phía các trung tâm thương mại, ngay từ đầu đại dịch đã có nhiều "chủ nhà" đưa ra các gói hỗ trợ lớn cho khách thuê, tuy nhiên lượng gian hàng trống vẫn tăng lên từng ngày. Nguyên do được Savills lý giải đó là nhiều đơn vị bán lẻ nhận thấy tiềm năng của lĩnh vực thương mại điện tử và bắt đầu chuyển dần hoạt động sang thương mại điện tử.

"Các mặt bằng kinh doanh vật lý đã không còn là ưu tiên số một nên các trung tâm thương mại cần phải điều chỉnh về đối tượng khách thuê, điều kiện thuê, diện tích thuê … để thu hút được khách thuê phù hợp" - ông Bình chia sẻ.

Ngoài ra, dữ liệu từ báo cáo 6 tháng đầu năm 2020 của Savills Việt Nam cho biết đại dịch đã định hình lại thị trường cho thuê thương mại với các xu hướng mới tại Hà Nội.

Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, tình trạng nhà mặt phố Hà Nội, nhất là khu vực phố cổ xuống giá cho thuê trong thời gian gần đây là một điều dễ hiểu, do ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19.

Vị chuyên gia này lý giải, phố cổ Hà Nội vốn là nơi có đặc thù văn hóa, là nơi tập trung nhiều địa điểm tham quan du lịch và phần lớn việc kinh doanh phụ thuộc nhiều vào lượng khách quốc tế, vì vậy khi không có khách du lịch, tình hình kinh doanh sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, giá cho thuê mặt bằng tại phố cổ luôn ở mức cao nên những người kinh doanh khó có thể trụ nổi nếu tiềm lực tài chính không mạnh.

Ngoài ra, sự lên ngôi của kinh doanh online, thương mại điện tử trong mùa dịch cũng khiến nhiều người từ bỏ mặt bằng truyền thống để cắt giảm chi phí. Rõ ràng xu hướng số hóa sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nên việc các doanh nghiệp tái cấu trúc lại hoạt động để đem lại hiệu quả cao nhất là điều bắt buộc.

"Xu hướng thuê nhà mặt phố và trung tâm thương mại sẽ giảm trong tương lai", ông Thịnh dự báo.

Một chuyên gia bất động sản cũng cho rằng, sẽ cần một thời gian dài, có thể là 1 năm để hồi phục lại thị trường mặt bằng cho thuê tại phố cổ, tuy nhiên giá thuê cũng sẽ giảm từ 10% - 20% so với thời kỳ “hoàng kim”.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Dịch bệnh kéo dài, giá thuê mặt bằng 'đất vàng' Hà Nội giảm đến 40%. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.