Thứ sáu, 19/04/2024 19:14 (GMT+7)

Dịch virus corona tác động như thế nào đến thị trường bất động sản?

MTĐT -  Thứ sáu, 07/02/2020 11:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trải qua năm 2019 đầy ảm đạm, sang năm 2020 thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc. Nhưng dịch virus corona đã khiến thị trường bất động sản đầu năm trầm lắng hơn bao giờ hết.

Chia sẻ với báo Thanh niên, bà Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ bất động sản (BĐS) Eximrs, năm 2019 và cả năm trước đó đầy khó khăn với thị trường BĐS do thủ tục hành chính kéo dài, nguồn cung khan hiếm, giao dịch sụt giảm... Bước qua năm 2020, các doanh nghiệp (DN) đều kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc hơn nhờ tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách... Thế nhưng, chưa kịp ăn tết xong thì dịch virus Corona bùng phát đã gây khó khăn cho nhiều lĩnh vực, trong đó có BĐS.

“Công ty đã khai trương từ mùng 6 tết nhưng hiện vẫn chưa dám cho nhân viên đi làm vì sợ lây lan dịch bệnh. Nhiều công ty khác theo tôi biết cũng chỉ cúng khai trương lấy ngày chứ chưa hoạt động gì vì không dám tập trung đông nhân viên. Dịch không biết đến bao giờ, chúng tôi hiện cũng không dám triển khai gì cả, chỉ có thể môi giới để duy trì, chờ thị trường tốt hơn mới dám hoạt động mạnh trở lại”, bà Tú cho hay.

Bất động sản nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng nặng nề

Theo số liệu thống kê năm 2019, thị trường du lịch Việt Nam đón nhận khoảng 5,8 nghìn lượt khách Trung Quốc với mức chi tiêu lớn. Đầu năm 2020, dịch bệnh corona đã khiến cho hoạt động du lịch của ngành dịch vụ lưu trú và bất động sản nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng nặng nề.

Bất động sản du lịch sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng bởi dịch virus corona. 

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng văn phòng Hội môi giới BĐS Việt Nam, khu vực miền Nam cho rằng, Corona ở Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến BĐS Việt Nam chỉ trong ngắn hạn.

“Theo tôi, trong ngắn hạn, năm 2020 sẽ là năm khó khăn cho ngành du lịch nói chung và BĐS nghỉ dưỡng nói riêng, chưa kể pháp lý condotel còn chưa giải quyết xong”, ông Hùng khẳng định.

Khó khăn bởi các lý do, Trung Quốc là quốc gia chiếm phần lớn khách du lịch qua Việt Nam. Trong giai đoạn dịch virus này, không chỉ Trung Quốc mà các nước châu Âu, châu Mỹ trong thời gian tới sẽ ngại qua các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, rất nhiều căn hộ condotel đang hoàn thiện và đưa vào thị trường, con số có thể lên đến hàng chục ngàn căn. Với đại dịch này thì áp lực cạnh tranh sẽ rất lớn đối với những dự án đã và đang hoạt động.

Trước đó, những thống kê sơ bộ của các công ty nghiên cứu thị trường, cho thấy dự án condotel chủ yếu được phát triển giai đoạn 2015-2017, hiện đang là giai đoạn phần lớn các dự án đi vào hoạt động. Chỉ tính riêng tại Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc và Hạ Long thì số căn hộ condotel đã tung ra thị trường tính đến quý 3/2018 vào khoảng 30.000 căn (theo thống kê của CBRE Việt Nam), trong đó phần lớn là từ 2015-2017. Nếu tính cả phòng khách sạn, căn hộ condotel và biệt thự nghỉ dưỡng (4-5 sao) thì tại 4 thị trường này nguồn cung đã lên tới trên 66.000 căn.

Ngoài ra, sau biến cố đại dịch, khách du lịch có thể sẽ tiếp tục giảm một thời gian nữa vì phải qua giai đoạn hồi phục.

Theo thông tin từ ngành du lịch TP.Đà Nẵng, hầu hết các khu du lịch, khách sạn đã và đang nhận được một lượng lớn yêu cầu hủy phòng từ các nhóm khách đoàn, khách công tác và cả các đối tượng khách lẻ.

Tại Nha Trang, tình cảnh cũng diễn biến tương tự khi lượng khách du lịch sụt giảm thê thảm bởi 3 năm trở lại đây, khách đến Khánh Hòa chủ yếu là Trung Quốc và khi dịch vi rút Corona bùng phát lượng khách đến Khánh Hòa giảm hẳn, đặc biệt là khách Trung Quốc. Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia BĐS, phần lớn DN phải vay vốn từ ngân hàng để xây dựng khách sạn, các khu nghỉ dưỡng, nên việc lượng khách sụt giảm mạnh sẽ khiến các DN mất nguồn thu để chi trả cho hoạt động, trả lợi nhuận cam kết với khách hàng và trả lãi vay ngân hàng. Từ đó, nhà đầu tư nản lòng, không dám bỏ tiền vào loại hình BĐS nghỉ dưỡng. Nếu dịch bệnh kéo dài khoảng 6 tháng chắc chắn nhiều DN sẽ phá sản.

BĐS nhà ở, đất nền sẽ là phân khúc chủ đạo?

Trao đổi với báo Pháp luật TP.HCM, Giám đốc của một công ty môi giới BĐS tại TP.HCM cho biết, công ty này đã thay đổi chiến lược kinh doanh ngay từ đầu năm vì dịch Corona. Từ BĐS du lịch, dịch vụ công ty đã chuyển sang tập trung BĐS nhà ở, đất nền là chính. Vị giám đốc này giải thích: Với tình hình dịch bệnh này, nhà đầu tư sẽ rất e ngại khi xuống tiền cho các dự án BĐS nghỉ dưỡng. Ngoài ra, BĐS cho thuê sẽ rất khó khăn vì nhu cầu sụt giảm, đặc biệt là phân khúc căn hộ cho người nước ngoài thuê.

Dự báo tình hình trước mắt, ông Trần Khánh Quang cho rằng giao dịch quý I sẽ chậm lại. Ngay cả căn hộ cao cấp sẽ bị ảnh hưởng khi lượng khách nước ngoài giảm. Tuy nhiên, các BĐS sổ hồng trao tay vẫn có thể sống khỏe. Cụ thể, phân khúc nhà phố, đất nền vẫn tiếp tục là kênh đầu tư thu hút trong năm nay.

Dịch Corona sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cả nền kinh tế toàn cầu, tác động mạnh lên nền kinh tế có nhiều mối quan hệ với Trung Quốc. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu phân tích thêm: “BĐS nhà ở, kể cả căn hộ và nhà phố sẽ là phân khúc chủ đạo của thị trường trong năm 2020. Đặc biệt là phân khúc bình dân, vì nhu cầu cao mà nguồn cung lại khan hiếm”.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Dịch virus corona tác động như thế nào đến thị trường bất động sản?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...