Thứ tư, 24/04/2024 18:51 (GMT+7)

Đô thị du lịch biển cần “chính danh”

MTĐT -  Thứ sáu, 23/10/2020 18:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khái niệm về đô thị du lịch biển đang được sử dụng phổ biến là khái niệm tích hợp các khái niệm về đô thị theo Luật ĐT và khái niệm về ĐT du lịch tại Luật Du lịch với việc bổ sung vị trí của đô thị

Theo đó: “Đô thị du lịch biển là đô thị có biển, nơi có tiềm năng tài nguyên du lịch nổi trội, có hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đô thị”.

Cho dù cho đến nay “đô thị du lịch biển” chưa được “chính danh” trong hệ thống đô thị Việt Nam, song vai trò của đô thị du lịch biển là không thể phủ nhận đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và hải đảo cũng như với phát triển du lịch Việt Nam.

PGS-TS. Phạm Trung Lương.

Để đẩy mạnh phát triển đô thị du lịch biển theo hướng bền vững và đảm bảo có đóng góp ngày càng tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, một số giải pháp pháp cần được chú trọng xem xét trong thực tiễn bao gồm:

Thứ nhất, cần sớm nghiên cứu điều chỉnh Luật Quy hoạch đô thị theo hướng công nhận tính chuyên ngành (đô thị công nghiệp, đô thị du lịch,..), tính chuyên biệt (đô thị xanh, đô thị thông minh,…) của đô thị và các danh hiệu đô thị (đô thị đáng sống, đô thị hạnh phúc, đô thị hòa bình,…) trong hệ thống đô thị với các tiêu chí hoặc tiêu chuẩn cụ thể.

Việc điều chỉnh lại Luật Quy hoạch đô thị theo hướng này sẽ phát huy được những lợi thế so sánh của từng đô thị, khuyến khích phát triển đô thị theo hướng đem lại tiện ích, môi trường sống tốt hơn cho cư dân đô thị và qua đó tạo sự đa dạng trong phát triển hệ thống đô thị Việt Nam.

Cùng với việc điều chỉnh lại Luật Quy hoạch đô thị là việc xem xét ban hành các chính sách phù hợp khuyến khích đầu tư khai thác các lợi thế tương đối và tạo các điều kiện thuận lợi để phát triển các đô thị chuyên ngành, trong đó có đô thị du lịch biển. 

Thành phố Hội An hình thành từ đô thị cổ Hội An, với không gian đô thị đã mở rộng nhanh chóng về bãi biển Cửa Đại và đảo Cù Lao Chàm. Ảnh: Anh Tân

Thứ hai, để đảm bảo sự phát triển bền vững của các đô thị du lịch biển, cần vượt qua tư duy quy hoạch đô thị hiện nay để tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch các đô thị du lịch biển hiện có, đặc biệt đối với không gian dải ven biển phù hợp với các nguyên tắc quy hoạch du lịch đối với các địa bàn/không gian các công trình dịch vụ ven biển và trên các hải đảo.

Việc điều chỉnh quy hoạch đô thị du lịch nói chung và đô thị du lịch biển nói riêng cũng cần được thực hiện với khu trung tâm đô thị, theo đó khu trung tâm đô thị hiện có cần ưu tiên gắn với hệ thống tiện ích và các công trình dịch vụ du lịch. Trong điều kiện cho phép, cần quy hoạch khu vực dịch vụ, mua sắm, vui chơi giai trí riêng biệt, ít ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân để đảm bảo hoạt động du lịch có thể diễn ra 24/24, qua đó đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm đô thị mà ở đó du lịch sẽ là nòng cốt.

Đối với những đô thị mới, việc quy hoạch cần có sự tham gia của các chuyên gia du lịch có kinh nghiệm và trình độ.

Thứ ba, cần có phương án lồng ghép kế hoạch ứng dụng công nghệ 4.0 trong kế hoạch phát triển của các đô thị du lịch biển để đảm bảo trong tương lai gần các đô thị du lịch nói chung và đô thị du lịch biển nói riêng ở Việt Nam phải đạt tiêu chuẩn đô thị thông minh. Đây là yếu tố tạo nên tiện ích và tính hấp dẫn đối với khách du lịch, phù hợp với xu thế phát triển các điểm đến du lịch trên thế giới và khu vực.

Hàng vạn du khách, người dân đổ về Sầm Sơn dịp lễ 30.4.2019 khiến bãi biển ngập trong biển người. Ảnh tư liệu: Báo Giao thông

Bên cạnh đó cần chú trọng ứng dụng công nghệ khuyến khích sử dụng năng lượng thay thế, tiết kiệm điện nước, tái sử dụng chất thải trong dịch vụ du lịch. Đặc biệt cần hoàn thiện hệ thống thu gom và xử lý chất thải từ du lịch để đảm bảo giảm thiểu tác động tiêu cực của du lịch đến môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng. Đây sẽ là những giải pháp cụ thể đóng góp cho bảo vệ môi trường và ứng phó với biển đổi khí hậu ở các đô thị du lịch biển.

Thứ tư, để đảm bảo sự phát triển bền vững của một đô thị có tính chất chuyên ngành cao và có vị trí địa lý quan trọng đối với hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, cần chú trọng thường xuyên nâng cao năng lực quản lý đô thị của các cấp chính quyền. Ngoài kiến thức về quản lý nhà nước, quản lý đô thị, cần thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ, hiểu biết về du lịch, về quy hoạch và quản lý quy hoạch du lịch và về ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như biến đổi khí hậu trong phát triển đô thị du lịch biển.  

Việc chú trọng thực hiện một số giải pháp chính trên đây sẽ góp phần hoàn thiện, đổi mới và phát triển hệ thống đô thị du lịch biển ở Việt Nam theo hướng bền vững, qua đó góp phần tích cực hơn cho phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và phát triển du lịch biển Việt Nam.

PGS-TS. Phạm Trung Lương - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch; Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Tài nguyên và môi trường biển Việt Nam

Để đô thị du lịch biển phát triển bền vững
Quản lý phát triển các đô thị du lịch ven biển Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình phát triển, đô thị hóa. Sức ép tăng trưởng về du lịch nghỉ dưỡng những năm gần đây gia tăng nhanh chóng do sự phát triển ồ ạt hệ thống khách sạn, resort, condotel, officetel, các trung tâm thương mại, sân golf kèm bất động sản, các cơ sở dịch vụ và nhà ở.

Việc quản lý phát triển không hiệu quả sẽ dẫn tới tình trạng hỗn độn, không có bản sắc, không cân đối các chức năng đô thị, tạo ra ít giá trị gia tăng. Những vấn đề các đô thị đang phải đương đầu là:

Kiểm soát đất đai đô thị: Đất xây dựng đô thị du lịch biển đang có xu thể phát triển lan rộng khó kiểm soát, thôn tính hầu hết các vùng cảnh quan có giá trị vùng ven biển. Khu vực trung tâm có giá trị đất cao nên ngày càng tập trung nhiều công trình cao tầng, trong khi chính quyền chưa kịp chuẩn bị các hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như giao thông, cấp thoát nước.

Diện mạo không gian đô thị biển: Diện mạo kiến trúc chưa tạo được hình ảnh riêng cho từng đô thị. Quy hoạch và quản lý phát triển đô thị du lịch ven biển còn nhiều lúng túng, nhất là việc cấp phép xây dưng các tổ hợp công trình cao tầng quy mô lớn. Ví dụ, trung tâm đô thị biển Nha Trang đang có nhiều công trình cao tầng xây dựng tạo nên bức tường bê tông che chắn toàn bộ không gian đô thị hướng ra cảnh quan biển – đảo ven bờ.

Về các không gian công cộng: Do tác động của đô thị hóa, các không gian mở trong đô thị đặc biệt các không gian xanh và không gian công cộng đô thị du lịch biển càng ngày càng bị thu hẹp và bị chia cắt, gây ảnh hưởng tới môi trường đô thị cũng như cuộc sống của người dân địa phương.

Các đô thị du lịch biển Việt Nam cơ bản đã được định hình trong gần 35 năm phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN. Để các đô thị du lịch biển bảo tồn và phát huy các tài nguyên thiên nhiên môi trường cảnh quan và văn hoá bản địa bền vững trước sức ép đô thị hoá và nhu cầu du lịch, không chỉ yêu cầu nỗ lực của Chính quyền đô thị mà cần sự tham gia của các nhà khoa học, cụ thể là:

- Về khái niệm, định nghĩa: cần có một nhận thức đầy đủ và khái niệm rõ ràng về đô thị du lịch biển. Xây dựng cơ sở khoa học về mô hình đô thị du lịch biển Việt Nam bền vững.

- Phát triển nền kinh tế du lịch hiệu quả: Quy hoạch phát triển vùng lồng ghép kế hoạch phát triển du lịch và các lĩnh vực khác, để khai thác du lịch biển đảo không mâu thuẫn với các ngành kinh tế khác, như cảng, thuỷ sản, công nghiệp, khai thác tài nguyên.v.v..

- Tạo dựng hình ảnh không gian đô thị du lịch biển: Trước cơn lốc phát triển bất động sản cùng những công trình kiến trúc nhà ở, thương mại đã phát triển ồ ạt tại dải ven biển. Cần thiết tái cấu trúc không gian vùng ven biển hướng tới nền kinh tế du lịch xanh, thích ứng với BĐKH và kế thừa cấu trúc cũ để bảo tồn di sản văn hoá và thiết chế xã hội.

ThS-KTS. Nguyễn Thị Hồng Diệp - Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia.

Theo Người đô thị

Bạn đang đọc bài viết Đô thị du lịch biển cần “chính danh”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.