Thứ bảy, 20/04/2024 04:48 (GMT+7)

Dự án Kim Khí chuyển nhượng cho Đất Xanh đứng top đầu tồn kho

MTĐT -  Chủ nhật, 29/07/2018 12:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự án Lux Garden, vốn do Công ty Kim Khí TP HCM chuyển nhượng đất, hiện giữ 492 tỷ đồng giá trị tồn kho, chiếm 15% tổng giá trị tồn kho của các dự án BĐS dở dang của Đất Xanh tính đến hết quý II/2018.

Phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng đột biến

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2018 mà CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG) công bố, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt gần 764 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, chiếm tỷ trọng nhiều nhất là doanh thu từ dịch vụ môi giới bất động sản (BĐS) với gần 507 tỷ đồng – tương ứng hơn 66%, đây cũng là phần doanh thu tăng mạnh nhất so với cùng kỳ năm trước khi tăng gấp 2,5 lần. Ngoài ra, doanh thu còn đến từ việc bán căn hộ và đất nền (144 tỷ đồng), từ hợp đồng xây dựng (107 tỷ đồng), từ dịch vụ quản lý, cho thuê (hơn 2 tỷ đồng) và từ bán BĐS đầu tư (4 tỷ đồng). Lợi nhuận gộp đạt gần 534 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2017.

Quý II/2018, chi phí lãi vay so với cùng kỳ năm trước tăng gấp gần 4 lần khi đạt 36,4 tỷ đồng; còn chi phí bán hàng tăng gấp rưỡi lên 93 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, quý này ghi nhận có hơn 6 tỷ đồng khoản lợi nhuận khác, trong khi cùng kỳ năm trước mục này thậm chí lỗ gần 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần thuyết minh báo cáo tài chính không nói rõ thêm về khoản mục này.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 113,6 tỷ đồng, tăng gấp hơn hai lần so với cùng kỳ năm 2017.

Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận sau thuế hơn 650 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch cả năm; còn lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt hơn 432 tỷ đồng, cao gấp đôi cùng kỳ năm trước.

Tính đến 30/6, tiền và các khoản tương đương tiền của Đất Xanh có 722 tỷ đồng, giảm đến 57% so với cuối 2017. Nguyên do là các khoản tương đương tiền (thể hiện các khoản tiền gửi ngắn hạn có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng tại ngân hàng và hướng lãi suất từ 4,3 – 5,5%/năm) giảm mạnh, từ gần 1.264 tỷ đồng còn hơn 321 tỷ đồng.

Cơ cấu nguồn vốn cho thấy, nợ phải trả là gần 7.201 tỷ đồng, chiếm đến 58% tổng nguồn vốn.

Trong khi đó, phải thu ngắn hạn của khách hàng dù tăng đến 56% thì vẫn chỉ đạt 1.156 tỷ đồng. Phải thu ngắn hạn của khách hàng là phần tiền DXG phải thu từ các doanh nghiệp đối tác còn nợ chưa trả hoặc chưa trả hết từ 6 tháng trước.

Số tiền phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng mạnh chủ yếu do có thêm một số khách hàng mới nợ tiền DXG, phần nhiều trong số này là các công ty BĐS. Hiện tại, doanh nghiệp nợ số tiền lớn nhất là gần 359 tỷ đồng, đó là CTCP BĐS Hiệp Phú Land, sau đó là Công ty TNHH Đồng Nai Long Châu nợ hơn 137 tỷ đồng…

Công ty Kim Khí khẳng định, quyền sử dụng đất của dự án Phú Thuận, quận 7, TP HCM không phải là đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, cũng không phải là tài sản công.

Tồn kho gần 3.700 tỷ đồng

Tính đến hết quý II, giá trị thuần hàng tồn kho của Đất Xanh gần 3.698 tỷ đồng. Danh sách BĐS thành phẩm có dự án Luxcity, Golden Hill, An Viên, Phú Mỹ An, NGT PDC Ngô Quyền, Sunview 1, 2, Opal Riverside.

Ngoài ra, Đất Xanh còn có 40 tỷ đồng BĐS đầu tư cho thuê.

Chi phí xây dựng cơ bản dở dang của doanh nghiệp tại các dự án 360 Giải Phóng, Opal Tower, tòa nhà văn phòng Vicco, sân golf và khu biệt thự sinh thái… với tổng giá trị hơn 427 tỷ đồng.

Về BĐS dở dang, tổng giá trị những dự án này gần 3.369 tỷ đồng, rải rác ở các dự án Tuyên Sơn, Lux Garden, Hiệp Bình Phước – Thủ Đức, Opal Skyview, Opal Garden, Khu dân cư Gold Hill, Luxcity, One River – Phú Mỹ An, chung cư Luxstar, Opal City, Gem Riverside, Opal Premium, Phố Mơ, Sài Đồng, Sunshine Resident và các dự án khác. Dự án Gem Riverside dẫn đầu trong danh sách này khi có giá trị tồn kho lên đến 1.190 tỷ đồng, chiếm 35% tổng giá trị tồn kho của các dự án BĐS dở dang hiện tại…

Được biết, quy mô đầu tư Gem Riverside là hơn 5.000 tỷ đồng. Dự án nằm ở khu Nam Rạch Chiếc, phường An Phú, quận 2, TP HCM. Đây là khu căn hộ resort cao cấp, tổng diện tích đất 6,7 ha, diện tích sàn xây dựng 379.467 m2, gồm 12 block, mỗi block cao 33 – 34 tầng, gồm 3.175 căn hộ…

Đứng thứ hai về tồn kho là Lux Garden tại số 370 Nguyễn Văn Quỳ, phường Phú Thuận, quận 7, TP HCM, chiếm 492 tỷ đồng giá trị tồn kho, tương đương 15% tổng giá trị tồn kho của các dự án BĐS dở dang.

Khu đất dự án vốn do CTCP Kim Khí TP HCM chuyển nhượng cho Đất Xanh, sau đó doanh nghiệp phát triển dự án chung cư kết hợp thương mại dịch vụ (hiện tại đây đã mọc lên hai tòa nhà của dự án).

Trước đó, Văn phòng UBND TP HCM đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan đề nghị thanh tra làm rõ thông tin Công ty Kim Khí TP HCM chuyển nhượng khu đất rộng 9.125 m2 cho Tập đoàn Đất Xanh. Văn bản này cho rằng, Công ty Kim Khí TP HCM là công ty nhà nước nắm 51% vốn, việc chuyển nhượng khu đất nói trên không thông qua đấu giá là có dấu hiệu bán đất công với giá rẻ.

Đáp lại, Tập đoàn Đất Xanh khẳng định, Công ty Kim Khí TP HCM chuyển nhượng dự án cho doanh nghiệp thực hiện đúng quy trình, nội dung chuyển nhượng đã được UBND TP chấp thuận từ tháng 10/2016.

Còn phía Kim Khí khẳng định, quyền sử dụng đất của dự án Lux Garden không phải là đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, cũng không phải tài sản công, vì vậy việc chuyển nhượng dự án này cũng không phải đấu giá, đấu thầu theo quy định…

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Bạn đang đọc bài viết Dự án Kim Khí chuyển nhượng cho Đất Xanh đứng top đầu tồn kho. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...