Thứ sáu, 19/04/2024 22:28 (GMT+7)

Dự thảo luật PPP: Có nên 'xóa sổ' hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng?

MTĐT -  Thứ tư, 27/05/2020 17:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng loạt vi phạm tại các dự án đổi đất lấy hạ tầng (BT) được cơ quan chức năng công bố thời gian qua làm “nóng" dư luận. Một số chuyên gia đặt ra câu hỏi, có nên “xóa bỏ” hình thức BT?

Vì sao không đấu thầu công khai?

Mới đây nhất là việc Hải Phòng đổi 99ha đất vàng lấy 2 chung cư, gây bức xúc dư luận. Theo đó, để triển khai kế hoạch cải tạo chung cư cũ, từ năm 2017 đến nay TP. Hải Phòng đã thực hiện 4 dự án theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).

Đáng nói 4 dự án này đều được đầu tư theo hình thức BT, đổi đất lấy hạ tầng. UBND TP.Hải Phòng đứng ra gọi thầu, dùng quỹ đất công thanh toán cho các doanh nghiệp trúng thầu để lấy nguồn kinh phí triển khai dự án.

Tuy nhiên, khi đấu thầu, một điểm rất khó hiểu là chỉ có duy nhất Công ty Hoàng Huy đề xuất dự án, sơ tuyển, đấu thầu và được chỉ định thầu cả 3 dự án trên với tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng.

Đặc biệt, Hải Phòng dùng 99 ha đất tại các vị trí đắc địa để thanh toán với giá khá thấp, với khoản chênh lệch lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Chung cư HH3, HH4 phường Đồng Quốc Bình, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng. Ảnh: Pháp luật tuổi trẻ Thủ đô.

Mới đây, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra tình trạng nhiều dự án BT đều chỉ định nhà đầu tư, trong đó có dự án chỉ định nhà đầu tư sau khi triển khai thi công dự án.

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy nhiều dự án xác định tổng mức đầu tư ban đầu không chính xác. Nhiều dự án lập và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công – dự toán còn nhiều sai sót, qua kiểm toán giảm hàng trăm tỷ đồng.

Việc xác định đơn giá đất cũng được Kiểm toán Nhà nước chỉ là là “chưa phù hợp”, rẻ hơn rất nhiều so với giá trị thực. Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết có tình trạng giao đất khi đã có ý kiến chỉ đạo tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án.

Mới đây, chia sẻ câu chuyện này với Reatimes, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận, việc định giá bèo cho các khu đất đối ứng trả cho dự án BT đã gần như trở thành “chuyện thường”.

Nhiều vụ việc cho thấy, rõ ràng có sự móc nối giữa doanh nghiệp và cơ quan có thẩm quyền, chính quyền địa phương nhằm hưởng chênh lệch địa tô thông qua việc định giá đất thấp so với giá thị trường.

“Vấn đề cải tạo chung cư cũ là rất quan trọng. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao không đấu thầu công khai để người dân được biết và có nhiều doanh nghiệp có năng lực có thể tham gia.

Việc định giá chi phí xây dựng lại các tòa chung cư cũ đó là bao nhiêu cũng cần phải xem lại. Bởi rõ ràng, việc định giá trị của chung cư đó sẽ quyết định đến giá trị của mảnh đất đối ứng mà nhà đầu tư được hưởng theo nguyên tắc ‘ngang giá”. Để tránh thất thoát đất đai và ngân sách Nhà nước, cần phải xác định đúng giá trị của miếng đất được dùng để đối ứng, thanh toán cho doanh nghiệp khi thực hiện dự án BT, bao gồm cả lợi thế về vị trí theo giá thị trường", chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nói.

Ông Thịnh cũng cho hay, việc xây dựng lại chung cư cũ trên nền đất có sẵn và thường các chung cư này chỉ có 5 - 7 tầng, trong khi chủ đầu tư được xây dựng lên hơn 20 tầng đã rất “hời”, nên nếu được trả thêm một diện tích đất lên tới 99ha đất sạch nằm ở vị trí đắc địa nhất của Hải Phòng là quá chênh lệch. Điều này rất phi lý và rất bất bình thường mà bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy.

Đề xuất bỏ dự án BT

Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, nên bỏ dự án BT (xây dựng - chuyển giao), bởi nó không phù hợp với chính sách đối tác công tư (PPP), vì không có yếu tố cạnh tranh…

Theo báo Pháp luật TP.HCM, trước đó, tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức PPP, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, về bản chất BT là hình thức mua sắm công thông thường mà Nhà nước không thanh toán bằng tiền mặt (đổi đất). Tuy nhiên, Nhà nước vẫn phải thanh toán, tức chi tiêu công thông qua đầu tư, do đó suy cho cùng chỉ là một cách “lách” Luật Ngân sách và Luật Đầu tư công.

“Cạnh đó, việc không thanh toán bằng tiền mặt, rất khó công khai và minh bạch hóa trong khâu thẩm định, phê duyệt và chi trả cho chủ đầu tư tư nhân, tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh…” - ông Lập nói.

Theo luật sư, vừa qua nhiều dự án BT được triển khai, chủ yếu xây dựng đường giao thông liên tỉnh, trụ sở, công trình văn hóa, giáo dục theo kiểu “đổi đất lấy hạ tầng”.

"Các dự án gắn với nhiều hệ lụy tiêu cực như móc ngoặc, tham nhũng, trục lợi chính sách… khiến dư luận bức xúc. Họ gọi dự án BT là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng…” - ông Lập nói.

Nhiều ý kiến đề xuất "xóa sổ" hình thức BT. Ảnh minh họa: Internet.

Theo dự kiến, phiên thảo luận Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sẽ được thảo luận tại nghị trường Quốc hội sáng thứ Năm tới (ngày 28/5).

Theo báo Dân trí, chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, dự án BT là vấn đề cần được quan tâm xem xét trong dự thảo luật này. Theo đó, “Dự án Xây dựng-Chuyển giao” (Dự án BT) có thể không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật PPP, mà chịu sự điều chỉnh của Luật Quản lý sử dụng tài sản công.

Lãnh đạo HoREA cho rằng, trong dự án BT chỉ có yếu tố “thanh toán”, mà không có yếu tố “hợp tác” như trong dự án PPP. Nhà nước thanh toán giá trị Hợp đồng BT cho nhà đầu tư theo nguyên tắc “ngang giá”, theo kiểu “mua đứt bán đoạn”. Nhà đầu tư dự án BT bán công trình BT cho Nhà nước; Nhà nước mua công trình BT và thanh toán cho nhà đầu tư bằng tài sản công, theo phương thức trao đổi hàng hóa thô sơ “vật đổi vật, hàng đổi hàng”.

Trong khi đó ông Châu cho biết, tại dự án PPP, Nhà nước và nhà đầu tư là hai đối tác bình đẳng, hợp tác có thời hạn để thực hiện dự án PPP, theo nguyên tắc “bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng”, cùng chia lợi nhuận, cùng chia sẻ rủi ro, nhất là trong trường hợp dự án bị giảm doanh thu trong quá trình khai thác, quản lý vận hành. Nhà nước và nhà đầu tư cùng thống nhất thành lập công ty dự án để thực hiện và quản lý vận hành dự án PPP, hoàn toàn khác với cơ chế thực hiện và quản lý vận hành dự án BT.

Do vậy, lãnh đạo Hiệp hội HoREA đã đề nghị Quốc hội xem xét bỏ Khoản 3 Điều 45 quy định về loại “Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT)” trong Dự thảo Luật PPP. Việc điều chỉnh “Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT)” thực hiện theo quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai…

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Dự thảo luật PPP: Có nên 'xóa sổ' hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...