Thứ năm, 28/03/2024 17:54 (GMT+7)

GELEXIMCO từng ôm giấc mơ “ông lớn” địa ốc giờ ra sao?

MTĐT -  Thứ ba, 22/10/2019 09:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong quá khứ, GELEXIMCO từng ôm giấc mơ “ông lớn” địa ốc, khi thâu tóm hàng loạt quỹ đất qua việc đầu tư các dự án đổi đất lấy hạ tầng (dự án BT).

Ăn nên làm ra nhờ vận may?

Tập đoàn GELEXIMCO, tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội – GELEXIMCO ra đời năm 1993 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng.

Hiện nay, với sự lãnh đạo của Chủ tịch HĐQT – ông Vũ Văn Tiền, GELEXIMCO được biết đến như một tập đoàn lớn, có vốn chủ ở hữu lên đến 14.500 tỷ đồng, đầu tư trong 4 ngành chính là sản xuất công nghiệp, bất động sản, tài chính ngân hàng và giáo dục.

Tên tuổi của Geleximco gắn liền với các dự án bất động sản với mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng như dự án Khu đô thị mới Dầu khí - Geleximco, dự án Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn…

Phối cảnh dự án Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn. 

Trong quá khứ, GELEXIMCO từng ôm giấc mơ “ông lớn” địa ốc, khi thâu tóm hàng loạt quỹ đất qua việc đầu tư các dự án đổi đất lấy hạ tầng (dự án BT).

Cụ thể, thông tin trên tờ Bizlive cho biết, GELEXIMCO đã tương đối thành công tại dự án Gemek Tower (tên gọi cũ là dự án MeKong Plaza) thuộc Khu đô thị Lê Trọng Tấn huyện Hoài Đức – một dự án đối ứng của dự án đường Lê Trọng Tấn. Sau dự án này, GELEXIMCO tiếp tục đầu tư dự án đường cao tốc Hà Nội – Hòa Bình theo hình thức BT để đổi lấy 3 dự án đô thị, có tổng quỹ đất lên đến 700ha.

Việc quyết tâm thực hiện dự án BT để được đối ứng ba dự án đô thị lớn, biến GELEXIMCO trở thành một trong số doanh nghiệp nằm trong Top đầu sở hữu quỹ đất lớn nhất.

Thế nhưng, khi thị trường địa ốc rơi vào khó khăn, GELEXIMCO không tiếp tục triển khai dự án này theo hình thức BT, mà tiến hành trả dự án BT và chuyển sang hình thức BOT (Xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Tuy nhiên, việc triển khai dự án BOT sau đó cũng bị “vỡ trận”.

Mặc dù năm 2014, Tập đoàn GELEXIMCO trở lại ấn tượng với thị trường bất động sản bằng việc tái khởi động 2 dự án lớn bao gồm, Gemek Tower và dự án Green Star. Tuy nhiên, thành công này được cho là nhờ “ăn may”.

Hình ảnh thực tế của Gemek Tower và KĐT Geleximco. Ảnh Dân trí ngày 31/1/2018. 

Cụ thể, dự án Gemek Tower mở bán đúng thời điểm gói tín dụng 30.000 tỷ có hiệu lực và giải ngân, nên doanh nghiệp đã nhanh chóng bán hết sản phẩm. Trong khi dự án Green Star mở bán đúng thời điểm thị trường đang hồi phục mạnh mẽ, giá căn hộ bị giới đầu tư bơm thổi tăng nhanh, nên cũng nhanh chóng bán hết hàng.

Đến cuối năm 2015, đầu năm 2016, khi triển khai đồng loạt các dự án, GELEXIMCO gặp không ít khó khăn trong vấn đề bán hàng.

Cụ thể, tại Hà Nội, GELEXIMCO triển khai dự án Gemek Premium thuộc phân khúc nhà thương mại giá rẻ với gần 1.000 căn hộ, mở bán đúng thời điểm gói tín dụng 30.000 tỷ sắp hết hạn giải ngân khiến thanh khoản chững lại. Để bán được căn hộ, doanh nghiệp phải “cắt lãi” để hỗ trợ toàn bộ lãi suất vay vốn mua nhà cho khách hàng đến khi nhận bàn giao nhà.

Tại dự án An Bình City với khoảng 2.000 căn hộ, chủ đầu tư định hướng phát triển căn hộ cao cấp và kỳ vọng mức giá quá cao (khoảng 30 triệu đồng/m2), trong bối cảnh phân khúc căn hộ cao cấp đang “dư cung” và nhiều cạnh tranh, khiến việc bán căn hộ gặp nhiều khó khăn.

GELEXIMCO được nhắc đến trong những phản ánh

Báo Khoa học Đời sống từng thông tin, hơn 15 năm trôi qua, hai dự án khu đô thị liên quan đến GELEXIMCO là Khu đô thị mới Hà Phong và Khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn vẫn vắng bóng người.

Cụ thể, CTCP Hà Phong (có cổ đông chính là Pacific Corporation và GELEXIMCO) làm chủ đầu tư dự án Khu đô thị Hà Phong (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh). Dự án này có tổng vốn đầu tư là 900 tỷ đồng, quy mô rộng hơn 41,8ha, được khởi công từ năm 2004.

Chủ đầu tư đã xây dựng nhiều dãy biệt thự, nhà liền kề, làm hạ tầng giao thông nhưng chỉ ở dạng nhà thô, chưa hoàn thiện. Lác đác mới có một vài người sửa nhà, hoàn thiện gần đây. Sau 15 năm triển khai, đến nay nhiều khu nhà biệt thự, liền kề trong Khu đô thị Hà Phong đã xuống cấp, hoang tàn, khuôn viên trở thành nơi chăn thả bò, dê. Công ty Hà Phong cũng chưa có động thái khởi động lại, dự án vẫn trong trạng thái “đóng băng” vì không có giao dịch, giá giảm sâu…

Khu đô thị Lê Trọng Tấn - Geleximco cứ mưa là ngập. 

Mới đây thông tin được đăng tải trên tờ Gia đình và Pháp luật, dự án Tòa nhà hỗn hợp văn phòng, dịch vụ, thương mại khách sạn và nhà ở (An Bình Plaza) do Công ty CP H2H Hà Nội (thuộc tập đoàn Geleximco) làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công từ Quý IV/2017 và dự kiến Quý IV/2020 sẽ đưa vào sử dụng.

Trước đó, ngày 30/10/2018 UBND TP Hà Nội có Quyết định số 5898/QĐ-UBND TP Hà Nội về việc thu hồi 4.121,9 m2 đất tại phố Trần Bình (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) giao cho Công ty CP H2H Hà Nội (thuộc tập đoàn Geleximco) để thực hiện dự án An Bình Plaza

Cụ thể, giao cho Công ty cổ phần H2H Hà Nội thực hiện dự án Tòa nhà hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại, khách sạn và nhà ở được UBND TP Hà Nội chứng nhận đầu tư tại giấy chứng nhận đầu tư số 01121000062 ngày 24/7/2007 và quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư tại quyết định số 7584/QĐ- UBND ngày 31/10/2017, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần H2H Hà Nội phê duyệt dự án tại quyết định số 65/QĐ-HĐQT ngày 26/11/2017.

Theo đó, tại quyết định số 7584/QĐ-UBND của UBND TP, Hà Nội ngày 31/10/2017, Dự án An Bình Palaza có diện tích xây dựng là 1.754 m2, mật độ xây dựng 42,5% (diện tích đất xây dựng công trình và quản lý bảo vệ ), chiều cao 31 tầng + tum thang kỹ thuật + 3 tầng hầm.

Trong đó, tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 738,388 tỷ đồng. Vốn nhà đầu tư 147, 678 tỷ đồng (chiếm 20%), vốn vay tín dụng và huy động vốn hợp pháp khác là 590,71 tỷ đồng (chiếm 80% ). Nguồn vốn đầu tư được thực hiện trên nguyên tắc chủ đầu tư tự kê khai, chịu trách nhiệm. Nhà đầu tư phải đảm bảo bố trí vốn thực hiện dự án theo quy định của pháp luật hiện hành. Nghiêm cấm việc huy động vốn trái pháp luật nếu vi phạm sẽ áp dụng các chế tài xử lý theo quy định hiện hành của nhà nước.

Doanh nghiệp phát triển thần tốc

Mặc dù có nhiều tai tiếng trong quá khứ, tuy nhiên những năm gần đây, Tập đoàn này không ngừng lớn mạnh, mở rộng thị trường đầu tư, nắm trong tay nhiều dự án khủng.

Gần đây nhất, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Đại An - công ty con của Tập đoàn GELEXIMCO đã trở thành chủ đầu tư của dự án Khu đô thị Đại An (thị trấn Như Quỳnh, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm và xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), quy mô dân cư khoảng 42.000 người, diện tích gần 300ha. 

Hưng Yên sắp có thêm khu đô thị rộng gần 300ha. 

Trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tỉnh Lào Cai 2019, Tập đoàn Geleximco đã tiến hành ký kết biên bản hợp tác với UBND tỉnh Lào Cai, trở thành một đối tác lớn, nhà đầu tư chiến lược, lên kế hoạch phát triển hàng chục dự án có vốn đầu tư hàng trăm triệu USD tại Lào Cai.

Đơn cử có thể kể đến dự án sân gold 27 lỗ tại phường Bắc Cường, TP Lào Cai có tổng vốn đầu tư khoảng 650 tỷ đồng, dự kiến do Công ty CP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Tập đoàn GELEXIMCO) đầu tư, thời gian thực hiện từ năm 2019 - 2021.

Bên cạnh đó, GELEXIMCO hiện cũng đang làm chủ đầu tư các dự án lớn tại nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Quảng Ninh…

Bạn đang đọc bài viết GELEXIMCO từng ôm giấc mơ “ông lớn” địa ốc giờ ra sao?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.