Thứ năm, 28/03/2024 19:56 (GMT+7)

H. Trảng Bom (Đồng Nai): Ngăn chặn việc phân lô bán nền trái phép

Phùng Hiệu - Chu Trung -  Chủ nhật, 11/08/2019 15:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiện nay, do nhu cầu sử dụng nhà ở tăng cao, nhiều người dân đổ xô đi mua đất. Không chỉ ở TPHCM mà ở các tỉnh lân cận giá đất cũng nóng dần lên.

Nắm bắt được nhu cầu cấp thiết này, nhiều công ty, doanh nghiệp, cá nhân đã đổ về các tỉnh vùng ven như Long An, Bình Dương, Đồng Nai…mua đất nông nghiệp phân lô bán nền trái phép.

Trước thực trạng trên, và để ngăn chặn việc “xẻ thịt” đất nông nghiệp bừa bãi, phá vỡ quy hoạch nông thôn, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn. Nhưng đến nay, tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra ở huyện như Long Thành, Hố Nai 3, Trảng Bom, Nhơn Trạch… khiến cho chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý.

Để thực hiện quyết định 03 của UBND tỉnh, đồng thời cũng để quản lý chặt chẽ hơn về việc sử dụng đất đúng mục đích, UBND huyện Trảng Bom đã có công văn số 3973/UBND - VP gửi Phòng Tài nguyên Môi trường, Phòng Quản lý Đô thị và Chủ tịch UBND các xã yêu cầu rà soát, yêu cầu tăng cường kiểm tra giám sát chặt chẽ việc sử dụng, mua bán đất trái phép trên địa bàn. Tổ chức tuyên truyền cho nhân dân biết khu vực cấm phân lô bán nền, cắm biển thông báo ở các thửa đất có dấu hiệu phân lô. Đồng thời yêu cầu các chủ sử dụng đất phải cam kết sử dụng đúng theo mục đích trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu phát hiện vi phạm, kịp thời lập biên bản xử lý và báo cáo về UBND huyện xử lý theo quy định.

Để hiểu rõ hơn về tình hình quản lý đất đai trên địa bàn huyện Trảng Bom, ngày 6/8/2019, nhóm phóng viên chúng tôi đã đến tận các xã trong huyện để ghi nhận thực tế về các biện pháp quản lý, ngăn chặn của chính quyền địa phương nơi đây.

Sau khi đi một vòng quanh các xã, Giang Điền, Hố Nai, Quảng Tiến, chúng tôi nhận thấy có nhiều “dự án ma” được các đầu nậu lập bản vẽ, phân lô rao bán mỗi nền từ 300.000.000đ đến 400.000.000đ. Trong vai người đi mua đất, chúng tôi được một người của công ty dịch vụ môi giới Bất động sản đưa đến một khu đất trống (chưa làm đường) lật bản vẽ ra chỉ vào lô đất được được phân ranh trên bản vẽ rao giá 350.000.000đ/ 1 nền cho 100 m2. Mặc dù trước những khu đất này, chính quyền địa phương đã cắm nhiều biển thông báo nghiêm cấm mua bán nhưng các “cò” vẫn thản nhiên rao bán.

Tiếp tục lộ trình, chúng tôi vòng qua xã An Viễn đi vào các ấp 2,3,4. Tại đây, chúng tôi cũng nhận thấy có nhiều khu đất nông nghiệp được các đầu nậu đổ đá làm đường, trong đó có vài khu đã đổ bê tông nhựa nhưng đã đào lên phá bỏ để trả lại hiện trạng ban đầu. Theo ghi nhận của chúng tôi, sau khi có quyết định 03 của UBND tỉnh và công văn 3973 của UBND huyện chỉ đạo cho các xã tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn thì tình hình có phần lắng xuống, tuy nhiên vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn việc mua bán trái phép trên địa bàn các xã. Tại xã An Viễn vẫn có nhiều công ty dịch vụ mua bán nhà đất còn đang hoạt động.

Để ngăn chặn tình trạng này, chính quyền xã An Viễn đã cắm biển Thông báo nghiêm cấm việc làm đường phân lô trái phép, ngăn chặn việc giao dịch mua bán bằng giấy tay, vi bằng nhưng nhiều khu đất vẫn ngầm mua bán theo bản vẽ phân lô.

Biển cảnh báo nghiêm cấm làm đường, phân lô trái phép, mua bán đất nông nghiệp của UBND xã An Viễn


Ông Lê Văn Lộc, cán bộ địa chính xã An Viễn cho biết: “Lợi dụng việc pháp luật cho phép người dân được giao dịch mua bán và tách thửa đất nông nghiệp để canh tác, trồng trọt… nhiều đầu nậu đã mua cả chục hec ta rồi ngấm ngầm lập bản vẽ phân lô rao bán trái phép. Chúng tôi đã cắm hàng chục biển báo trong khu vực để cảnh báo nhưng người dân vẫn lén lút giao dịch bất chấp biển cấm. Trong thời gian qua, chúng tôi tăng cường kiểm tra và đã phát hiện ra vài trường hợp chủ đất làm đường, phân lô. Chúng tôi đã lập biên bản và đưa phương tiện về Uỷ ban xã xử lý, đồng thời yêu cầu các chủ đất tự phá bỏ những con đường trên đất nông nghiệp để trả lại hiện trạng ban đầu. Bên cạnh đó, chúng tôi còn mời một số chủ đất khác đến xã cam kết không được mở đường phân lô bừa bãi”.
“Việc quản lý một địa bàn rộng hơn 2.219,7ha với chỉ 2 cán bộ địa chính nhưng một người phụ trách công tác xây dựng nông thôn mới, còn một người phụ trách công tác quản lý đất đai. Với số lượng cán bộ quản lý ít ỏi như thế nên chúng khó kiểm soát hết được, vì thế nên còn ít nhiều thiếu sót trong việc quản lý đất đai trên địa bàn, để xảy ra một số sai phạm. Cái khó của chúng tôi là họ chỉ mua bán đất trên bản vẽ bằng giấy tờ tay thì dù có phát hiện nhưng vẫn không quy định nào để xử lý”, ông Lộc chia sẻ.

Những con đường xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp được móc lên, phá bỏ để trả lại hiện trạng ban đầu

Trước việc chính quyền địa phương tăng cường việc kiểm tra giám sát, các đầu nậu không thể tự do mở đường phân lô theo ý muốn, họ quay sang đối phó bằng cách giữ nguyên hiện trạng khu đất nhưng tự lập bản vẽ phân nền và mua bán trên giấy và giấy tay. Việc này gây khó khăn không ít trong công tác quản lý đất đai của chính quyền địa phương các xã.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Viết Phương - Chủ tịch UBND xã An Viễn cho biết: “Thực tế hiện nay trên địa bàn xã có nhiều khu đất nông nghiệp đã được các đầu nậu đầu cơ, thu gom và tự lập bản vẽ phân nền, phân ranh rao bán. Một số khu đất chủ đất lợi dụng ngày nghỉ của Uỷ ban xã, tranh thủ vào ban đêm đổ đất làm đường. Qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện và đã lập biên bản yêu cầu chủ đất móc đường lên trả lại hiện trạng ban đầu”.

“Hiện nay, để ngăn chặn kịp thời chúng tôi đã phối hợp với các trưởng ấp yêu cầu thường xuyên kiểm tra, giám sát, nếu thấy thửa đất nào có dấu hiệu phân lô bán nền lập tức báo cáo về UBND xã để phối hợp ngăn chặn, xử lý theo quy định. Song song với việc làm đó, chúng tôi còn gửi thư mời đến các cơ sở, công ty, doanh nghiệp, các dịch vụ mua bán, kinh doanh bất động sản trên địa bàn xã đề nghị cung cấp Giấy phép kinh doanh, Chứng chỉ hành nghề… Đơn vị nào có đầy đủ giấy phép thì cho hoạt động, còn đơn vị nào không có thì yêu cầu tháo biển, đóng cửa giao dịch”- Ông Phương cho biết thêm.

Giấy mời của UBND xã An Viễn

Mới đây nhất, ngày 31/7/2019, UBND huyện Trảng Bom tiếp tục có công văn 8412/UBND-TNMT yêu cầu UBND các xã tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra việc quản lý sử dụng đất đai, giám sát các khu vực đã xảy ra vi phạm và khu vực có dấu hiệu vi phạm để xử lý kịp thời, không để phát sinh thêm vi phạm.

Công văn chỉ đạo của UBND huyện Trảng Bom

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về tình hình quản lý đất đai và xử lý vi phạm trong những số báo tiếp theo.

Bạn đang đọc bài viết H. Trảng Bom (Đồng Nai): Ngăn chặn việc phân lô bán nền trái phép. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.