Thứ năm, 28/03/2024 20:14 (GMT+7)

Hà Nội: Sốt đất ở 4 huyện sắp lên quận, giá đất đâu tăng mạnh nhất?

MTĐT -  Thứ ba, 16/04/2019 17:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thông tin Hà Nội xin cơ chế đặc thù đưa 4 huyện lên quận vào năm 2020 đang khiến đất vùng ven đô được thổi lên cao bất thường.

Được biết, UBND TP. Hà Nội đã nghiên cứu, hoàn thiện Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, báo cáo Thành ủy để tổng hợp, trình Bộ Chính trị, đồng thời, hoàn thiện các đề án xây dựng các huyện: Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì thành quận vào năm 2020.

Mặc dù mới chỉ đang là đề án, song thông tin này đã khiến thị trường bất động sản tại 4 huyện nói trên trở nên sốt nóng hơn bao giờ hết. Đây cũng là cái cớ để giới đầu nậu, cò đất dựa vào thổi giá kiếm lời.

Ngày 26/3 vừa qua, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội, chủ trì hội nghị trực tuyến giao ban công tác UBND TP tháng 3 và quý I/2019. Thông tin bên lề hội nghị cho biết: “UBND TP Hà Nội đã hoàn thiện đề án xây dựng các huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì thành quận vào năm 2020”.

Trước thông tin 4 huyện này sắp lên quận, nhiều khu đất tại các khu vực có thông tin lên quận đã chứng kiến tình trạng giá đất tăng chóng mặt. Từ cuối 2018 đến nay, tại huyện Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, giá đất đã tăng "nóng" 30-50%.

Thận trọng với cơn "sốt" đất tại Hà Nội. Ảnh: Internet.

Theo Infonet, nói về vấn đề này, bà Đỗ Thu Hằng – Giám đốc Bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội cho biết, nếu thông tin các huyện được xem xét lên quận là đến năm 2020, nhưng khu vực chưa có nhiều động thái thay đổi thì các nhà đầu tư sẽ còn phải chờ. Bởi thông tin này đã không còn mới nữa và qua thời gian giá bất động sản có sự thay đổi, không phải ở khu vực nào cũng giống nhau. Do đó, những thông tin lên quận của các huyện đó sẽ có những tác động và có những thu hút giới đầu tư khác nhau.

“Chúng tôi nhận thấy những khu vực như Hoài Đức, Gia Lâm là những khu vực đang có sự phát tiển hạ tầng rất tốt. Các khu đô thị đang có từng bước triển khai mạnh mẽ thì sẽ thu hút đầu tư nhiều hơn đối với các khu vực huyện khác. Giữa huyện Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức và Thanh Trì; theo nghiên cứu của Savills, Gia Lâm là khu vực đang nổi lên, có sự tăng trưởng tốt hơn so với các khu vực còn lại. Sở dĩ Savills có đánh giá như vậy, có thể do bản thân khu vực đang có những dự án có quy mô lớn đã và đang được triển khai và cận kề khu vực Gia Lâm có những tiện ích hạ tầng đã sẵn sàng, giao thông đi lại trên các tuyến đường ở Gia Lâm rất thuận lợi”, bà Hằng nhận định.

Cũng theo bà Hằng, tại huyện Hoài Đức – nơi đã gần như đón nhận thông tin quy hoạch từ rất lâu, bản thân Hoài Đức cũng đã trải qua những thời kỳ phát triển và có những cơn sốt đất. Tại đây đã có những dự án phát triển nhưng vấn đề để lại gần như là hậu quả của giai đoạn phát triển “nóng” bất động sản trước đó. Chính vì thế, Hoài Đức không phải là khu vực mới để thu hút đầu tư. Hoài Đức là một câu chuyện đã cũ, đã có quy hoạch cho các dự án tồn tại từ trước đây nên việc không thay đổi nhiều trong thời gian gần đây là điều có thể giải thích được.

“Mặc dù Hoài Đức hiện nay đã có những điều kiện phát triển sẵn có vì nền tảng tốt rồi như về cơ sở hạ tầng đã có các tuyến đường lớn, đường sắt đô thị trên cao… Bản thân khu vực này còn thiếu các dự án tầm cỡ, hoặc những sự phát triển mạnh tay đồng bộ để có thể cải thiện được các dự án trước đây đã tồn tại. Đối với khu vực này, đã có nhiều dự án ở thời kỳ trước nên khi các dự án tái khởi động thì cũng cần phải xem lại xem các dòng sản phẩm tại Hoài Đức có thật sự phù hợp với xu hướng thị trường hay không. Nếu để ở thì theo nghĩa khác, còn theo hướng đầu tư thì cũng cần xem xét kỹ”, bà Hằng đánh giá thêm.

Đối với khu vực huyện Thanh Trì, theo đánh giá của Giám đốc Bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội, có thể đây là một khu vực cũng được đánh giá là điểm đến của các nhà đầu tư, nhưng để tương quan so sánh với các khu vực khác thì Thanh Trì vẫn đứng sau các huyện như Gia Lâm hay khu vực mới khác.

Ông Vũ Hiếu – Công ty Cổ Phần Bất động sản Gia An cho biết: “Từ đầu năm 2019, thông tin Hà Nội sẽ đưa 4 huyện ngoại thành lên quận vào năm 2020 khiến vùng đất ven nội đô này sốt nóng, xuất hiện tình trạng giá đất tăng cao đột biến chỉ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của công ty tại các khu vực xảy ra sốt đất ở huyện Thanh trì, Đông Anh… thì giao dịch chủ yếu diễn ra giữa các nhà đầu cơ mua bán lại với nhau làm “thổi” giá bất động sản lên cao, còn thực tế thì các giao dịch đến từ người mua đất, mua nhà để ở không có nhiều”.

Trong khi đó, trao đổi với báo Pháp luật TP. HCM, ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam nhận định: “Nhiều nhà môi giới, đầu cơ đang lợi dụng tâm lý của người dân khi từ huyện lên quận thì giá trị đất sẽ được tăng lên để thổi giá đất lên cao.

Nhưng không phải cứ lên quận thì giá đất sẽ tăng, người dân nên nhớ yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới giá đất đó là phải căn cứ vào nhu cầu thực của người mua nhà để ở hay để đầu tư, dựa vào quy hoạch phát triển của vùng và căn cứ vào điều kiện cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông khu vực mới có thể tác động làm thay đổi giá trị thực của đất.

Gốc của vấn đề đó là chỉ khi nào có các dự án cụ thể, làm thay đổi các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tốt lên thì mới có thể đẩy giá đất lên, còn không đó chỉ là tăng giá ảo".

Chính vì vậy, các chuyên gia bất động sản cho rằng, giới đầu tư cần thận trọng, cân nhắc, không nên chạy theo tin đồn, chạy theo những giá trị ảo, đầu tư phải dựa vào tiềm năng phát triển thực tế.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Sốt đất ở 4 huyện sắp lên quận, giá đất đâu tăng mạnh nhất?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.