Thứ sáu, 19/04/2024 22:18 (GMT+7)

Hà Nội: Tồn tại gần 100 chung cư có tranh chấp

MTĐT -  Thứ năm, 29/11/2018 11:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đến hết tháng 10/2018, trên địa bàn TP. Hà Nội còn tồn tại 891 công trình vi phạm trật tự xây dựng và có 98 công trình chung cư có tranh chấp, khiếu kiện.

Theo báo Tiền Phong đưa tin, phát biểu tại Hội nghị lần thứ 16 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội diễn ra ngày 28/11, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, đến hết tháng 10/2018, trên địa bàn TP. Hà Nội còn tồn tại 891 công trình vi phạm trật tự xây dựng, chiếm 5,33%.

Đáng chú ý, trong năm qua, thành phố không để xảy ra các công trình vi phạm mang tính chất bức xúc, vi phạm nghiêm trọng.

Ông Lê Văn Dục cũng cho biết, thành phố đã bàn giao toàn diện đội Thanh tra xây dựng theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, cho đến thời điểm này đã có đủ các cơ chế, chính sách. Mới đây, tập thể UBND thành phố cũng đã thông qua cơ chế phối hợp để UBND các quận, huyện rõ trách nhiệm, quyền hạn,… cũng nêu rõ trách nhiệm người đứng đầu, chủ đầu tư, người giám sát, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp…

Ông Dục khẳng định, năm 2018 so với năm 2016 và 2017, vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố đã giảm rõ rệt. Cụ thể, năm 2016 còn tồn tại 13,9% vi phạm trật tự xây dựng với với con số 2469 công trình/19138 công trình vi phạm. Đến hết năm 2017, trên địa bàn có 1916 công trình/17422 công trình vi phạm, giảm 2% so với năm 2016.

Đến hết tháng 10/2018, trên địa bàn TP. Hà Nội còn tồn tại 891 công trình vi phạm trật tự xây dựng. Ảnh minh họa: Internet. 

“Tuy nhiên, đến năm 2018, với sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy và trực tiếp là đồng chí Chủ tịch UBND thành phố, cho đến hết tháng 10/2018, chúng tôi rà soát có 891/16805 công trình vi phạm, chỉ còn 5,33%. Các công trình vi phạm mang tính chất bức xúc, vi phạm nghiêm trọng, vi phạm sâu không để xảy ra. Còn một số tồn đọng theo chỉ đạo của Thủ tướng và Thường trực Thành ủy cơ bản đã có giải pháp”, ông Dục cho biết.

Về quản lý vận hành nhà chung cư, ông Lê Văn Dục cho hay, sau phiên họp chất vấn tháng 7/2018, đến nay đã có 16 quận, huyện vào cuộc và đã có báo cáo. Thống kê đến nay có 98 công trình chung cư có tranh chấp, khiếu kiện, trong đó Sở Xây dựng đã tổ chức kiểm tra 83 công trình, trong tháng 12/2018 sẽ kiểm tra nốt.

Về vấn đề vệ sinh môi trường, Giám đốc Sở Xây dựng đánh giá, sau khi thực hiện theo quy định phân cấp, đồng thời thay đổi quy trình định mức và đơn giá về công tác vệ sinh môi trường, bảo đảm văn minh đô thị, bước đầu đã đạt được hiệu quả nhất định. Chỉ tiêu thu gom rác thải khu vực đô thị đạt hơn 98%, nhưng thực tế vẫn còn nhiều rác tồn đọng. “Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra để cùng với các quận, huyện tìm ra các nhà đầu tư không đáp ứng được tiêu chí của hồ sơ đấu thầu để thay thế”, ông Dục nhấn mạnh.

Thời gian qua, những vụ tranh chấp, khiếu kiện ngày càng gia tăng tại các chung cư Hà Nội. Có thể kể đến một số dự án đã làm tốn không ít giấy mực của báo chí là dự án Hồ Gươm Plaza, Parkview Residences, 165 Thái Hà, Discovery Complex, Mon City… kéo dài và đến nay vẫn âm ỉ một phần vì chủ đầu tư chưa đưa ra được cách giải quyết hợp lý.

Trong đó, các nội dung tranh chấp đa số liên quan đến phần diện tích sở hữu chung, riêng; kinh phí bảo trì phần sở hữu chung; kinh phí quản lý, vận hành; chất lượng công trình; tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu; hợp đồng mua bán căn hộ; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hay một số tranh chấp khác trong quá trình quản lý sử dụng, vận hành…

Tình trạng tranh chấp chung cư gia tăng trong năm 2018. 

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã có Công văn số 2744/UBND-ĐT về việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư thương mại và chung cư tái định cư trên địa bàn Thành phố. Theo đó, một loạt các biện pháp đưa ra nhằm xử lý tình trạng gây bức xúc ở nhiều chung cư.

Bàn về vấn đề này, theo Infonet, KTS. Nguyễn Hồng Thục, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư, sự khác biệt về phong cách sống, sự khác biệt tư duy nhận thức về cùng một vấn đề giữa các chủ thể là chủ đầu tư, đơn vị quản lý và người dân sinh sống đã dẫn đến những va vấp không thể tìm được tiếng nói chung và thành các mâu thuẫn lớn hơn.

Còn chuyên gia phân tích BĐS Nguyễn Thế Điệp khẳng định, khi để xảy ra tranh chấp là điều đáng tiếc, vì ảnh hưởng đến uy tín của chủ đầu tư và tác động xấu lên giá nhà của dự án. Kinh nghiệm cho thấy, khi dự án có tranh chấp, kiện cáo thì giá bán có thể giảm 5-10%, hoặc nhiều hơn nữa nếu tranh chấp là nghiêm trọng. Bởi vậy, vị này đưa ra lời khuyên, các vướng mắc từ những dự án BĐS cần được các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc để cùng doanh nghiệp tháo gỡ, đáp ứng mong muốn của người dân và cũng là giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.

Bàn về cách giải quyết mâu thuẫn trong tranh chấp chung cư hiện nay, nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc xảy ra mâu thuẫn quyền lợi giữa một số khách hàng với chủ đầu tư hoặc đội ngũ vận hành là rất dễ xảy ra. Để giải hòa được các trường hợp này, cách tốt nhất là chủ đầu tư phải trực tiếp tìm khách hàng để đối thoại, giải quyết những khúc mắc của người dân về những vấn đề mà chung cư đang gặp phải, từ đó tìm ra hướng đi cho vấn đề.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Tồn tại gần 100 chung cư có tranh chấp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...