Thứ sáu, 29/03/2024 03:13 (GMT+7)

Hàng loạt dự án BĐS tỷ đô đang đổ dồn về Vân Đồn

MTĐT -  Thứ ba, 01/05/2018 10:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mới đây, 3 nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đã trình bày ý tưởng nghiên cứu đầu tư các dự án lớn với quy mô vốn khoảng 10 - 15 tỷ USD tại Vân Đồn, Quảng Ninh.

Ngày 25/4, liên danh các nhà đầu tư đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhằm giới thiệu về ý tưởng với mong muốn được đầu tư hàng loạt dự án cao cấp về hạ tầng, du lịch và nghỉ dưỡng tại huyện Vân Đồn - đặc khu hành chính - kinh tế đang hình thành trong tương lai.

3 nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đã trình bày ý tưởng nghiên cứu đầu tư các dự án, gồm: Dự án đầu tư đường sắt cao tốc kết nối Móng Cái – Vân Đồn; khu đô thị công nghiệp, cảng nước sâu Hòn Nét – Con Ong; khu đô thị phức hợp phía bắc đảo Cái Bầu tại Khu hành chính - kinh tế Vân Đồn. Theo dự tính, nếu được triển khai như trên, tổng mức đầu tư 3 dự án sẽ là từ 10 - 15 tỷ USD.

Vân Đồn đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh: Internet.

Cụ thể, theo ý tưởng của các nhà đầu tư, dự án đầu tư đường sắt cao tốc kết nối Móng Cái – Vân Đồn có chiều dài khoảng 100 km.

Dự án kết nối khu vực cửa khẩu Móng Cái đến Vân Đồn với ga trung tâm tại khu đô thị phức hợp phía Bắc đảo Cái Bầu; kết nối với hệ thống đường sắt quốc gia, vận chuyển hàng hóa và hành khách.

Theo Quyết định số 418/QĐ-UBND ngày 9/2/2018, dự án đã được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, tổng mức đầu tư 11.195 tỷ đồng, tốc độ thiết kế là 100km/h với 4 làn xe, thời gian thu phí 20 năm theo hình thức thu kín trên cao tốc. Tỉnh Quảng Ninh muốn khởi công dự án này trong quý III/2018, dự kiến hoàn thành vào năm 2020.

Dự án khu đô thị công nghiệp và cảng nước sâu Hòn Nét – Con Ong(Vân Đồn) có diện tích quy hoạch 500ha, tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD gồm: 12 bến với công suất 800.000 TEU mỗi bến, khi nhu cầu đạt 70% công suất thiết kế của một bến sẽ phát triển thêm một bến; Nhà ga có thể xử lý container và hàng hóa.

Hệ thống cảng được xây dựng theo từng giai đoạn, giai đoạn đầu sẽ xây dựng một bến cảng đa năng dài 350 - 400m có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 150.000 DWT.

Dự án khu đô thị phức hợp phía Bắc đảo Cái Bầu (Vân Đồn), theo quy hoạch đề xuất, tổng diện tích khoảng 5.000ha, trọng tâm phát triển khu dân cư mới lấy cảm hứng từ thành phố Monte Carlo (Công quốc Monaco) kết hợp chức năng thương mại dịch vụ.

Mục tiêu dự án mở rộng đô thị trung tâm về phía Bắc kết nối với sân bay Vân Đồn, biên giới Móng Cái và Con đường di sản ở bờ Nam Vân Đồn bằng hệ thống giao thông hiện đại: đường bộ, nhà ga xe lửa... Đồng thời, kết nối chặt chẽ với các tiện ích đô thị khác dọc bờ biển, cảng nước sâu tại bờ Nam cùng với hệ thống khu công nghiệp và kho bãi.

Tại đây, các nhà đầu tư cam kết xây dựng các dự án theo quy hoạch tổng thể và nhấn mạnh sự phát triển độc đáo và giá trị thương mại của đặc khu.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc khẳng định, sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư nghiên cứu và sớm thực hiện dự án. Lãnh đạo Quảng Ninh cũng thống nhất quan điểm cho liên danh nhà đầu tư nghiên cứu chính thức 3 dự án nêu trên và chỉ đạo cơ quan chức năng của tỉnh sớm có lộ trình thực hiện các bước tiếp theo để thực hiện dự án, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, tư vấn với liên danh nhà đầu tư về phương thức đầu tư có tính khả thi, đảm bảo theo quy định luật pháp của Việt Nam.

Dự kiến tại kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 5 tới sẽ thông qua Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt với hướng phát triển các đặc khu kinh tế chiến lược gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Đầu tháng 4 vừa qua, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn đã đề nghị UBND huyện Vân Đồn tạm dừng việc triển khai công tác lập mới, điều chỉnh quy hoạch dự án, xin chấp thuận chủ trương đầu tư cho đến khi Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội và Quy hoạch chung xây dựng của Vân Đồn theo hướng phát triển là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được phê duyệt.

Một góc trong bản vẽ phối cảnh đặc khu kinh tế Vân Đồn. Ảnh: Internet.

Đứng trước thềm chuyển mình mạnh mẽ, Vân Đồn đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Kể từ khi tập đoàn Sungroup là nhà đầu tư chiến lược triển khai nhiều dự án hạ tầng lớn với hàng chục tỷ đồng như cảng hàng không quốc tế Quảng Ninh, trục đường chính Vân Đồn,…đặc biệt khi các dự án sắp hoàn thành và đi vào hoạt động, cùng với đó nhiều nhà đầu tư BĐS đang đánh thức Vân Đồn với hàng loạt dự án tiềm năng như KĐT Vương Long, Thống Nhất, Ao Tiên,…ở khu trung tâm TT Cái Rồng thì thị trường nhà đất nơi đây trở nên sôi động, giá tăng lên từng ngày.

Trước đó, hàng loạt nhà đầu tư khác cũng đã nhắm tới Vân Đồn với nhiều dự án lớn, mang tầm quốc tế như Dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn tổng vốn đầu tư gần 7.500 tỷ đồng và dự án khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp có casino tổng vốn đầu tư trên 46.500 tỷ đồng của tập đoàn Sungroup;

Tập đoàn CEO với dự án tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City với quy hoạch trên tổng diện tích 94ha, mức đầu tư dự kiến khoảng 5.000 tỷ đồng, được thiết kế với 5 phân khu chức năng như tổ hợp khách sạn 5.000 phòng, công viên nước, trung tâm mua sắm, bến tàu, bãi biển công cộng.

Dự án Con đường di sản Vân Đồn có diện tích quy hoạch trên 3.300ha gồm 7 phân khu trên núi và phân khu các đảo, chia làm 9 phân khu chức năng.

Cùng với đó là các dự án du lịch lớn như Furama Hạ Long Việt Nam Resort & Vilas với tổng vốn đầu tư trên 1.120 tỷ đồng, dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tại đảo Ngọc Vừng do Tập đoàn FLC nghiên cứu với tổng vốn đầu tư khoảng 46.000 tỷ đồng.

P.V (t/h theo TheLeader, Lao động, Trí thức trẻ)

Bạn đang đọc bài viết Hàng loạt dự án BĐS tỷ đô đang đổ dồn về Vân Đồn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.