Thứ năm, 25/04/2024 22:35 (GMT+7)

Hàng loạt “ông lớn” bất động sản muốn cải tạo chung cư cũ Hà Nội

MTĐT -  Thứ tư, 20/11/2019 14:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

UBND TP. Hà Nội đã giao 19 nhà đầu tư tự bỏ kinh phí, triển khai lập nghiên cứu, lập ý tưởng quy hoạch cải tạo, xây dựng lại 28 khu chung cư cũ trên địa bàn thành phố.

Chiều 19/11, tại buổi họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội thường kỳ, đề cập đến vấn đề quy hoạch chung cư cũ, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, hiện nay, UBND TP. Hà Nội đã giao 19 nhà đầu tư tự bỏ kinh phí, triển khai lập nghiên cứu, lập ý tưởng quy hoạch cải tạo, xây dựng lại 28 khu chung cư cũ trên địa bàn thành phố, đồng thời có giao bổ sung 2 khu chung cư cũ, nâng tổng số lên 30 khu.

Để triển khai thực hiện, các nhà đầu tư đã mời, thuê các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước nghiên cứu lập quy hoạch.

Quá trình triển khai nghiên cứu đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý của các cá nhân, tổ chức, sở, ngành liên quan.

Tập thể lãnh đạo UBND thành phố cũng đã nghe Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, các nhà đầu tư báo cáo về việc lập quy hoạch chi tiết, kế hoạch thực hiện trên cơ sở đó UBND thành phố đã chỉ đạo các bước, lộ trình thực hiện công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội cũng đã yêu cầu các nhà đầu tư chủ động phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, phường có liên quan tổ chức khảo sát, điều tra xã hội học bổ sung làm cơ sở đề xuất ý tưởng quy hoạch theo 2 phương án: phương án 1, theo đúng tầng cao và chỉ tiêu dân số theo quy hoạch, quy chế cao tầng được phê duyệt và phương án 2 điều chỉnh chiều cao, chỉ tiêu để đảm bảo cân đối tài chính dự án.

Trả lời báo chí liên quan đến băn khoăn nếu thành phố đồng ý điều chỉnh chiều cao để đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch của thành phố, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho  biết, Hà Nội đang thực hiện bài toán ngược để giải quyết vấn đề chung cư cũ mà đáp số của nó lại không nằm trong tay cơ quan quy hoạch kiến trúc.

“Nếu chỉ thuần túy dựa vào quy hoạch, chúng tôi cũng chỉ biết hướng các nhà đầu tư thực hiện theo đúng quy hoạch. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã có báo cáo, nếu thực hiện theo đúng quy hoạch thì không đảm bảo được lợi ích nên đề xuất điều chỉnh tăng chiều cao, chỉ tiêu”, ông Kỳ Anh nói.

Nêu phương án để giải quyết thực trạng trên, ông Kỳ Anh cho rằng, thực tế quy hoạch không phải bất biến, nếu điều chỉnh nằm trong khung của luật cho phép thì hoàn toàn có thể thực hiện được. Tất nhiên, việc điều chỉnh quy hoạch phải thực hiện theo hướng có lợi nhất cho cộng đồng, cho thành phố.

"Thời gian tới, Hà Nội sẽ có báo cáo chi tiết về những khó khăn vướng mắc để xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh một số nội dung liên quan đến quy hoạch. Chung cư cũ là một nội dung chính trong đó.

Nếu chúng ta cứ cố giữ lại những cái lõi còn chất chứa nhiều tồn tại không tháo gỡ nổi mà chúng ta không tìm ra biện pháp thì 5 năm, 10 năm nữa sẽ không thể tháo gỡ", lãnh đạo Sở QH&KT Hà Nội cho biết.

Được biết, trong mấy năm trở lại đây, hàng loạt "ông lớn" trong ngành bất động sản đều bày tỏ nguyện vọng được tham gia với tư cách là nhà đầu tư trong việc cải tạo chung cư cũ của Hà Nội.

Điển hình như Tập đoàn Sungroup tham gia 3 dự án là Khu tập thể Kim Liên với 42 nhà cao từ 2-6 tầng; khu tập thể Thanh Xuân Bắc với 61 nhà cao 5 tầng; khu tập thể Thanh Xuân Nam với 8 nhà cao từ 3-5 tầng.

Tập đoàn FLC tham gia cải tạo khu tập thể Kim Giang, với số lượng 68 nhà cao 2-5 tầng; Tập đoàn T&T với hai khu thuộc tập thể Bách Khoa với 29 nhà cao 2-5 tầng và tập thể Đại học Thủy lợi với 12 nhà cao từ 2-5 tầng; Tập đoàn Geleximco "ôm" khu tập thể Khương Thượng với diện tích 14,8ha, 30 nhà chung cư cao từ 2-5 tầng.

Trước đó,  Tập đoàn Vingroup cũng "ôm" 5 khu tập thể: Khu tập thể Ngọc Khánh có 58 nhà cao tầng từ 2-5 tầng; khu tập thể Giảng Võ có 22 nhà cao từ 3-5 tầng; khu tập thể Đường Sắt với 9 nhà cao từ 2-5 tầng; khu tập thể 60 Thổ Quan với 6 nhà cao từ 2-5 tầng; khu tập thể xí nghiệp xây lắp H24 với 10 nhà cao từ 2-5 tầng…

Trong khi Tập đoàn Hòa Phát cũng ghi tên cải tạo khu tập thể Tân Mai với diện tích 20ha, 88 nhà cao từ 2-5 tầng; Công ty Cổ phần Địa ốc Sông Hồng cũng từng cải tạo chung cư 165 Thái Hà…

Theo một số chuyên gia, sở dĩ các doanh nghiệp lớn bất động sản đều muốn tham gia cải tạo chung cư cũ của Hà Nội bởi hầu hết các tòa nhà này này đều có vị trí đắc địa, nằm tập trung ở các quận nội thành, trung tâm của thành phố.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Hàng loạt “ông lớn” bất động sản muốn cải tạo chung cư cũ Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.