Thứ năm, 25/04/2024 05:02 (GMT+7)

Hòa Bình: Dự án 900 tỷ động thổ 4 năm mới phê duyệt ĐTM

XUÂN LĨNH -  Thứ hai, 26/08/2019 10:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khu sinh thái nghỉ dưỡng Bảo Thọ Quốc Tế Hòa Bình sau 4 năm động thổ mới được phê duyệt ĐTM, đến nay vẫn giậm chân tại chỗ, UBND tỉnh Hòa Bình nên nhìn nhận lại toàn bộ dự án?

“Lạ đời” động thổ từ khi chưa được cấp quyết định chủ trương đầu tư?

Dự án Khu sinh thái nghỉ dưỡng Bảo Thọ Quốc Tế Hòa Bình do Công ty Cổ phần đầu tư Quốc tế HTV làm chủ đầu tư nằm tại xóm Nút, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. Dự án với mục tiêu xây dựng một khu du lịch giải trí với các công trình hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ đạt tiêu chuẩn, nhằm đáp ứng nhu cầu về thể thao, giải trí của nhân dân trong và ngoài khu vực; làm cơ sở để lập các dự án đầu tư và quản lý xây dựng theo quy hoạch; xác lập mô hình, chính sách biện pháp quản lý khai thác quỹ đất đầu tư dự án, đảm bảo các quy định của pháp luật; tạo nguồn vốn cho nhà ngân sách nhà nước. Mục tiêu là vậy, thế nhưng đến nay dự án có lẽ chưa hoàn thành được bất cứ một mục tiêu nào, thậm chí đang là nỗi thất vọng lớn.

Một góc dự án.

Dự án được Công ty Cổ phần đầu tư Quốc tế HTV cùng với Công ty TNHH Gia Phú Quốc tế Singapore tổ chức lễ động thổ khởi công xây dựng vào ngày 31/7/2015. Lễ động thổ được xem là rất hoành tráng và rầm rộ, thu hút được một lượng lớn khách tham quan. Tất cả đều kỳ vọng vào một dự án đem lại thay đổi cho kinh tế của địa phương.

Thế nhưng, hy vọng càng lớn thì thất vọng cũng càng nhiều. Theo quy định trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì dự án chỉ còn đúng 1 năm nữa (quý 2/2020) là chính thức đi vào hoạt động. Nhưng đến nay, 4 năm sau lễ động thổ, dự án gần như vẫn chỉ là con số không tròn trĩnh.

Lễ động thổ Dự án Khu sinh thái nghỉ dưỡng Bảo Thọ Quốc Tế Hòa Bình. (ảnh Internet).

Chưa dừng lại ở đó, sự thất vọng còn thể hiện ở chỗ, ngay ở thời điểm làm Lễ khởi công ngày 31/7/2015, dự án Khu sinh thái nghỉ dưỡng Bảo Thọ Quốc Tế Hòa Bình vẫn chưa có bất kỳ một thủ tục pháp lý gì để làm cơ sở.

Tiếp cận hồ sơ dự án được biết, ngày 8/9/2016 dự án trên mới được UBND tỉnh Hòa Bình cấp quyết định chủ trương đầu tư. Đến ngày 12/9/2016 liên danh 2 công ty: Công ty Cổ phần đầu tư Quốc tế HTV với Công ty TNHH Gia Phú Quốc tế Singapore được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án. Tiếp đó đến ngày 1/9/2017, UBND tỉnh Hòa Bình có Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 cho dự án này. Và cho đến ngày 5/4/2019 dự án mới được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, dẫu đã được khởi công rầm rộ từ ngày 31/7/2015. Quy trình “ngược đời” và trái pháp luật này đang diễn ra tại tỉnh Hòa Bình nhưng vẫn không một đơn vị chức năng nào lên tiếng?

"Án binh bất động"

Ghi nhận thực tế cho thấy, ở thời điểm hiện tại dự án vẫn chỉ đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng và chưa có dấu hiệu hình thành như trong Quyết định chủ trương đầu tư hay Quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500.

Trao đổi vấn đề trên với PV, ông Trịnh Văn Yên, hiện đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư Quốc tế HTV thẳng thắn thừa nhận dự án đang bị chậm tiến độ: “Hiện tại dự án đang bị chậm tiến độ, tuy nhiên do rất nhiều khó khăn vướng mắc trong các thủ tục pháp lý, đến tháng 4/2019 dự án mới được phê duyệt ĐTM nên doanh nghiệp không thể làm gì trước thời điểm này”.

Đến ngày 5/4/2019 dự án mới được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Giải đáp thắc mắc về việc tại sao lại làm lễ động thổ trước khi có quyết định chủ trương đầu tư, ông Yên vẫn thừa nhận: “Đúng là ở thời điểm động thổ dự án chưa có cơ sở pháp lý gì”.

Tự thừa nhận rằng dự án không hề có cơ sở pháp lý gì nhưng vẫn bất chấp động thổ, tức là chủ đầu tư thừa nhận những vi phạm đang tồn tại của dự án. Vậy tại sao đơn vị này biết sai mà vẫn bất chấp pháp luật?

Bên cạnh đó, tiến độ của dự án chậm chạp và không đáp ứng đúng chủ trương, nhưng UBND tỉnh Hòa Bình và các sở, ban, ngành liên quan không hề có động thái nào để kiểm tra, xử lý. Từ đây, dư luận có quyền đặt ra câu hỏi về trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình đối với dự án trên. Thiết nghĩ UBND tỉnh Hòa Bình cùng các sở, ban ngành nên nhìn nhận lại toàn bộ dự án! Bởi phần lớn diện tích đất để phục vụ dự án (91ha) đa phần là đất rừng. Điều đó có nghĩa là nếu như dự án không đạt được kỳ vọng, đồng thời người dân bản địa mất cả tư liệu sản xuất. Đất rừng chính là nguồn sống của người dân nơi đây, khi ấy kinh tế và cuộc sống của người dân có được đảm bảo. 

Trước đó, Môi trường và Đô thị Việt Nam đã đăng tải bài viết: "Khai thác đất trái phép ở Hòa Bình đang đổ về dự án nào?" thông tin về việc xuất hiện tình trạng khai thác đất trái phép tại xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình.

Mục sở thị tại Xóm Nút, xã Dân Hạ ngày 29/7/2019, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam ghi nhận hình ảnh nhiều xe tải cỡ lớn đang rầm rập chở đất từ khu vực quanh dự án Khu sinh thái nghỉ dưỡng Bảo thọ Quốc tế Hòa Bình ra phía tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình. Từ đây, chiếc xe tải mang BKS 29C -59784 chở đất tới xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Nội và đổ vào một dự án.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Bài tiếp:Sau 4 năm động thổ Dự án Khu sinh thái nghỉ dưỡng Bảo Thọ Quốc Tế Hòa Bình giờ ra sao và liệu có khả thi?

Bạn đang đọc bài viết Hòa Bình: Dự án 900 tỷ động thổ 4 năm mới phê duyệt ĐTM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành