Thứ năm, 28/03/2024 21:06 (GMT+7)

Khó cải tạo chung cư cũ, do đâu?

MTĐT -  Thứ hai, 17/12/2018 16:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, vấn đề vướng mắc hiện nay trong cải tạo nhà chung cư cũ tại Hà Nội là khó bố trí nhà tạm cư.

Theo VTCNews, lý giải về điều này, ông Khởi cho biết, qua các ý kiến chuyên gia, có thể thấy vấn đề cải tạo chung cư có 3 chữ: Lớn (phạm vi toàn xã hội) – khó (liên quan đến việc đan xen lợi ích) – phức tạp (đụng chạm nhiều ngành, nhiều đối tượng).

Theo ông Khởi, khi cải tạo chung cư cũ cần tính ở góc độ tổng thể. Khi nghiên cứu thực tiễn, có nhiều ý kiến đã được đưa tham khảo và phân rõ, cụ thể hóa như câu chuyện đồng thuận. Vậy, vấn đề được nêu ra là Hà Nội và các tỉnh đã thực hiện hay chưa?

“Theo quy định mới, các nhà chung cư khi thực hiện cải tạo cần có kế hoạch, nhà nào làm trước nhà nào làm sau. Với tiêu chí để thực hiện phân loại, nhà nước đã ủy quyền cho Hà Nội. Tuy nhiên, Hà Nội và TP.HCM vẫn chưa làm được bước này”, ông Khởi cho biết.

Ông Khởi nhận định, cần chú trọng vào một số vấn đề đặt ra như sau: Thứ nhất là về vấn đề quy hoạch, có hai loại quy hoạch, lựa chọn quy hoạch tổng thể hay quy hoạch đơn lẻ. Thứ hai là câu chuyện vốn. Thứ ba, cần đặt ra kế hoạch cụ thể, cải tạo nhà chung cư nào trước, chung cư nào làm sau.

Cải tạo chung cư cũ gặp nhiều vướng mắc. Ảnh minh họa: Internet. 

Thứ tư, một yếu tố quan trọng khác cần thực hiện là chính sách bồi thường. Trong Nghị định 101 đã nói rõ cho phép các bên thỏa thuận lựa chọn phương án bồi thường trình thành phố phê duyệt. Hiện nay Hải Phòng đang làm rất tốt câu chuyện này khi họ có quỹ đất và không vướng chỉ tiêu dân số, mật độ quy hoạch.

Dưới góc độ chính sách pháp luật, ông Khởi cũng cho biết, Bộ vẫn đang lắng nghe tiếp thu ý kiến để tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa những vấn đề chưa hoàn thiện, còn thiếu sót để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho nhà đầu tư khi tham gia vào các dự án cải tạo chung cư cũ và người dân được đảm bảo an sinh.

Mới đây, phát biểu tại Chương trình cafe Doanh nhân với chủ đề:  “Giải pháp thúc đẩy tiến độ cải tạo chung cư cũ”, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Nghị định 101 có đưa ra cơ chế cư dân đồng thuận lựa chọn chủ đầu tư. Thế nhưng, thực tế Nghị định 101 không đụng chạm vào “điểm huyệt” của câu chuyện, mà chỉ đưa ra những cơ chế mang tính duy ý chí, theo kiểu Nhà nước cho quyền.

Nếu ở nước ngoài, quyền sử dụng đất đai là có thời hạn, hết niên hạn chủ đầu tư có quyền đến cải tạo lại và bán chung cư mới. Đây là điều kiện tốt khi giá chung cư giảm đi nhiều, khả năng tiếp cận nhà chung cư giá rẻ do chi phí về đất rẻ. Nhà đến niên hạn, nhà đầu tư hoàn toàn có thể đánh sập nhà và xây nhà mới.

Doanh nghiệp chưa mặn mà với việc cải tạo chung cư cũ. Ảnh: Internet. 

Cải tạo chung cư cũ đang là vấn đề nan giải ở các thành phố lớn hiện nay, nhất là tại Hà Nội và TP. HCM. Theo báo cáo của Hà Nội, hiện thành phố có 1.579 nhà chung cư cũ được xây dựng từ năm 1960 đến 1992. Trong đó có gần 1.000 chung cư thuộc khu vực hạn chế phát triển như: quận Ba Đình có 211 nhà, quận Hoàn Kiếm 99, quận Đống Đa 415 và quận Hai Bà Trưng có 244.

Qua đánh giá, xếp loại, thành phố đã lên kế hoạch cải tại, xây mới nhiều chung cư cũ nhưng tiến độ rất chậm do nhiều vướng mắc. Đến nay mới có 14 chung cư cũ được xây mới, đưa vào sử dụng; 11 chung cư đang đang được cải tạo.

Còn tại TP. HCM, theo thống kê của Sở Xây dựng TP HCM, trên địa bàn thành phố hiện có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, tập trung ở các quận: 1, 10, 3, 5, 4. Hầu hết các chung cư này đều bị xuống cấp, trong đó có nhiều chung cư nguy cơ sụp đổ cao. Các chung cư trên được kiểm định là hư hỏng nặng, nguy hiểm, với tỷ lệ chất lượng còn lại nhỏ hơn 55% và xếp loại nguy hiểm cấp D – cấp độ nguy hiểm cao nhất.

Mặc dù 2 thành phố Hà Nội và TP. HCM đã lên kế hoạch cải tạo chung cư, nhưng các doanh nghiệp bất động sản lại có vẻ không mặn mà với việc này.

Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp không mặn mà với cải tạo chung cư cũ là do khó khăn trong việc di dời cải tạo chung cư cũ là khâu thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tại nhiều chung cư cũ, mặc dù phần lớn hộ dân đã đồng ý và di dời nhưng vẫn còn có một số người không đồng tình, họ thường đưa ra mức giá bồi thường quá cao. Điều này tạo ra sự không công bằng với phần lớn hộ dân đã đồng ý di dời trước đó. Thái độ thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương cũng khiến cho công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, hiện cũng có nhiều điểm bất hợp lý trong cách tính toán bồi thường, tái định cư giữa chủ đầu tư và các hộ dân.

Còn theo một số doanh nghiệp địa ốc, việc cải tạo chung cư cũ rơi vào bế tắc là do giữa doanh nghiệp, người dân và chính quyền chưa có niềm tin vào nhau. Người dân thì luôn trong trạng thái phòng thủ, đề phòng vì sợ doanh nghiệp lấy mất lợi ích của mình nên khi thương thảo giá cả bồi thường họ luôn đưa ra những yêu cầu và mức giá rất cao so với thực tế. Nhiều dự án, chỉ một vài hộ dân không đồng ý, chính quyền cũng thiếu chế tài hỗ trợ khiến dự án bị kéo dài nhiều năm, nhà đầu tư mất đi cơ hội, một lượng vốn bị chôn chân.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Khó cải tạo chung cư cũ, do đâu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.