Thứ tư, 24/04/2024 12:34 (GMT+7)

Kiểm soát chặt chẽ quỹ đất đô thị dành cho phát triển nhà ở xã hội

MTĐT -  Thứ bảy, 11/07/2020 09:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo Quy định hiện hành, dự án nhà ở thương mại phải dành 20% tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, một số địa phương lớn đang làm không đúng quy định của luật.

 Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Quy định dự án nhà ở thương mại phải dành 20% tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội có thể coi là một bước đột phá trong cơ chế chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, quỹ đất “bốc hơi” khiến nguồn cung nhà ở xã hội khan hiếm, hy vọng của người dân về nhà ở thu nhập thấp cực kỳ khó khăn.

Hiện nay, một số địa phương lớn đang làm không đúng quy định của luật, Nghị định của Chính phủ.

Cụ thể: Một là không phê duyệt quy hoạch dành 20% diện tích để xây nhà ở xã hội tại các dự án; Hai là có phê duyệt nhưng phê duyệt ở các góc khuất, khó đền bù giải phóng mặt bằng, bãi tha ma… tại đó các doanh nghiệp làm nhà ở thương mại trước, còn phần làm nhà ở xã hội thì lờ đi không làm; Ba là có quy hoạch, có giải phóng, có đất nhưng thành phố có biểu hiện “ngâm tôm”, dấu, không phân cho chủ đầu tư nào rồi để lâu cho quên đi, sau đó thành phố chuyển đổi và cấp cho chủ đầu tư khác làm nhà ở thương mại.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc sử dụng 20% quỹ đất từ các dự án bàn giao lại cũng có nhiều sai phạm, nhiều diện tích đất được giao lại cho chủ đầu tư xây nhà ở kinh doanh là không đúng pháp luật. Quỹ đất sạch các dự án bàn giao lại được thành phố giao lại cho doanh nghiệp xây nhà để bán là vi phạm luật đất đai.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét một số giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp. 

Trong 6 tháng đầu năm 2020, nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội cho thuê cũng được đẩy mạnh phát triển. Cùng với đó là kiểm soát chặt chẽ việc quy hoạch và khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị dành cho phát triển nhà ở xã hội; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ nghiên cứu các giải pháp để phát triển nhà ở xã hội tại các địa phương trọng điểm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/4/2019.

Bên cạnh đó, Dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030” đã phê duyệt Kế hoạch công tác năm 2020 của Dự án.

Trong Diễn đàn bất động sản mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, giải pháp về thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội: Cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 04 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định, từ đó có thể huy động được hơn 60.000 tỷ để thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp vay xây nhà ở xã hội và người dân vay để mua, thuê nhà ở xã hội.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung theo quy trình rút gọn một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội như cơ chế dành quỹ đất 20%, về xác định lợi nhuận định mức, về hoàn trả nghĩa vụ tài chính, về tăng cường sự quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở xã hội...

Cùng với đó, ông Sinh cho biết, Dự thảo Nghị quyết về khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp đang được Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện và dự kiến trình Chính phủ thông qua trong quý III/2020.

Theo đó, nhà ở thương mại giá thấp để bán có tiêu chuẩn thiết kế căn hộ khép kín, diện tích sử dụng dưới 70m2, giá bán không quá 20 triệu đồng/m2; tối đa một căn hộ được bán với giá không vượt quá 1,5 tỷ đồng (bao gồm cả VAT). Nghị quyết này sẽ đưa ra nhiều nhóm cơ chế chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, về thuế, về thủ tục đầu tư xây dựng, về cơ chế huy động vốn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào loại hình nhà ở này./.

PV (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Kiểm soát chặt chẽ quỹ đất đô thị dành cho phát triển nhà ở xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.