Thứ sáu, 29/03/2024 11:44 (GMT+7)

Loạn trao giải: 'Chỉ cần 5 tỷ cho giải thưởng tốt nhất' (Bài 3)

Cẩm Anh -  Thứ hai, 22/04/2019 10:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước thực trạng hoạt động tôn vinh bị lạm dụng hết sức tùy tiện, GS. TS Đặng Đình Đào cho rằng đây là biểu hiện của bệnh thành tích, chạy theo những giá trị không thiết thực.

Vì đâu người tiêu dùng nghi ngờ giải? 

Đầu năm 2017, dự án The EverRich 1 (968 đường 3/2, phường 15, quận 11, TP. Hồ Chí Minh) do Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt làm chủ đầu tư bị hàng trăm người dân đồng loạt ký tên vào đơn kiến nghị lên Thành ủy, UBND TP. Hồ Chí Minh về các vấn đề như hồ bơi, spa, phòng sinh hoạt cộng đồng... bị biến thành các địa điểm cho thuê.

Cư dân tại đây cho rằng, chủ đầu tư đã không giữ lời hứa như đã cam kết khi bán nhà, làm ảnh hưởng đến môi trường sống, cũng như quyền lợi chính đáng của cư dân. Dù tồn tại những "vấn đề không thể giải quyết" cùng chủ đầu tư, thế nhưng dự án trên vẫn được vinh danh là "Khu nhà ở đáng sống nhất" tại giải thưởng Bất động sản Quốc gia Việt Nam năm 2018. 

Cũng "ẵm'' giải "Khu nhà ở đáng sống nhất", nhưng dự án khu hỗn hợp nhà ở, dịch vụ thương mại văn phòng trường học Tràng An Complex (số 1 Phùng Chí Kiên, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) do Công ty TNHH Đầu tư toàn cầu Tràng An lại công trình được bạn đọc xếp hạng vào mục công trình “nhờn luật PCCC” nhất.

Chung cư Tràng An Complex treo đầy băng rôn phản đối của người dân. 

Nơi đây, cư dân đã từng lo lắng và bức xúc về sự an toàn nên đã gửi văn bản yêu cầu chủ đầu tư đối thoại nhằm làm rõ những vấn đề như tiêu chuẩn, nguồn lực, cơ sở, phương án cũng như khả năng PCCC tại chung cư. Thậm chí nhiều lần cảnh sát PCCC đã vào cuộc song dường như vẫn chưa có hồi kết. Vậy khu nhà ở đáng sống nhất lấy gì làm căn cứ?

Không chỉ có 2 trường hợp trên, tại 2 bài viết trước Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử cũng đã chỉ ra nhiều trường hợp dù tồn tại nhiều bất cập được người dân phản ánh, thậm chí có dự án vừa được tôn vinh nhưng sau đó có kết luận sai phạm của Thanh tra Chính phủ. Chính những sự việc trên khiến dư luận băn khoăn về độ tin cậy các giải thưởng. 

Có sự móc nối tinh vi giữa các ban!?

Trao đổi về tình trạng tôn vinh không đúng đối tượng, tôn vinh hôm trước, hôm sau sai phạm, GS. TS. Đặng Đình Đào (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, hiện đang giảng dạy tại Đại học Kinh tế quốc dân) cho biết, câu chuyện này xảy ra nhiều năm nay, không chỉ riêng lĩnh vực bất động sản mà các giải thưởng tôn vinh hàng hóa Việt Nam cũng tràn lan.

Thậm chí chỉ cần 5 tỷ cho một sản phẩm tốt nhất, giải SVĐ... đủ thứ… Bản thân giải thưởng không xấu, mà rất tích cực, nhưng khi làm không đúng, làm gượng ép, có động cơ méo mó thì tất cả sẽ là vô nghĩa và có tác dụng ngược”, GS. TS. Đặng Đình Đào trao đổi.

Đối với một sản phẩm bất động sản được đem ra xét duyệt nhận giải, theo chuyên gia, dự án phải đáp ứng nhiều yêu cầu như hồ sơ pháp lý, cơ sở hạ tầng, các hệ thống tiện ích, không gian, môi trường, vị trí kết nối… Tất cả phải là làm đúng, tuân thủ pháp luật, không xảy ra tranh chấp.

Phía sau hoạt động vinh danh quảng bá doanh nghiệp, TS. Đặng Đình Đào cho rằng, có nhiều câu chuyện phía sau theo cả hướng tích cực và tiêu cực. Nếu vinh danh đúng sẽ nhân rộng tính tích cực, nếu vinh danh sai là cái sai của cả hệ thống. Trong đó, có sự móc nối tinh vi giữa ban tổ chức và nhà tài trợ.  

“Chủ nghĩa thành tích quá nặng”

Không chỉ những giải thưởng thành lập hội đồng ban giám khảo uy tín xét duyệt để xảy ra vấn đề, mà cả những hình thức bình chọn áp dụng công nghệ cũng tồn tại sai phạm, mấu chốt vấn đề dù là hội đồng chấm giải hay hệ thông công nghệ vẫn có sự tác động của bàn tay con người.

GS. TS Đặng Đình Đào. 

Hội đồng thông qua mạng online vẫn đều có cách tác động, sai phạm vẫn xảy ra sờ sờ như vậy. Chủ nghĩa thành tích quá nặng, các cơ quan làm động tác quảng cáo, khoa trương cho người ta, truyền thông quảng bá nâng cao… Tôn vinh thương hiệu phải là do khách hàng tự bình chọn, tự cho ý kiến thì mới khách quan, chứ không phải áp đặt đưa ra sự lựa chọn, rồi để khách hàng bấm bừa”, TS. Đặng Đình Đào khẳng định. 

“Thị trường sẽ tự sàng lọc”

Theo GS. TS Đặng Đình Đào, đã đến lúc cần phải thắt chặt hơn nữa công tác kiểm soát, tổ chức các giải thưởng tôn vinh. Để làm được điều này, trước hết các cơ quan chức năng tổ chức giải phải đưa ra các tiêu chí rõ ràng, công khai, minh bạch.

Với trình độ dân trí như hiện nay, người tiêu dùng sẽ tự nhìn nhận ra vấn đề, tự có cách đánh giá khách quan về các sản phẩm, dự án, từ đó, thị trường sẽ tự loại bỏ những sản phẩm không xứng tầm, giữa lại những sản phẩm thật sự chất lượng.

Đồng thời, quá trình này cũng là con dao hai lưỡi với ban tổ chức và cả những doanh nghiệp tài trợ hoặc tham dự giải thưởng. Nếu làm sai, các đơn vị sẽ tự đánh mất niềm tin của người dân, từ cơ quan tổ chức, các đơn vị truyền thông đến doanh nghiệp.

Bài 4: “Yếu tố khách quan làm quá trình xét giải có thể có mặt chưa hoàn thiện”

Bạn đang đọc bài viết Loạn trao giải: 'Chỉ cần 5 tỷ cho giải thưởng tốt nhất' (Bài 3). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.

Tin mới

Bài thơ: Khúc giao mùa tháng Ba
Mộc miên thắp lửa đỏ trời///Lúa chiêm trong nắng xanh ngời chân mây///Giấc mơ lả cánh cò bay///Cố hương ơi! Những mê say cuối chiều.