Thứ sáu, 29/03/2024 19:11 (GMT+7)

Lùm xùm ở The Vesta: Khách hàng đủ cơ sở khởi kiện Hải Phát Invest?

Cẩm Anh -  Thứ sáu, 21/06/2019 10:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Luật sư cho rằng, chị Huyền hoàn toàn có đủ cơ sở để khởi kiện Hải Phát Invest ra tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền, yêu cầu tòa tuyên bố hợp đồng vô hiệu và yêu cầu tính lãi suất chậm trả.

Hải Phát phải có trách nhiệm thực hiện đúng thỏa thuận trong hợp đồng

Trước đó, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đăng tải 2 bài viết Hải Phát Invest: Bao giờ cho hết tai tiếng?  và Hải Phát Invest bị phản ánh giao nhà không đúng thiết kế thông tin việc chị Lê Khánh Huyền (trú tại xóm 1 Vân Đình, thị trấn Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội) mua căn hộ V7-0210 tại dự án nhà ở xã hội Phú Lãm – The Vesta do Công ty Cổ phần đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest) làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, đến thời điểm bàn giao, chị Huyền từ chối nhận nhà vì cho rằng căn hộ không giống như thiết kế (hồ sơ bàn giao căn hộ, hình ảnh phụ lục trong hợp đồng mua bán), phía Hải Phát phủ nhận trách nhiệm và cho rằng lỗi do bộ phận bán hàng tư vấn không đúng, các hình ảnh tại hợp đồng mua bán chỉ mang tính minh họa. Khách hàng sẽ phải tự bỏ chi phí nếu thiết kế lại căn hộ có đủ 4 cửa sổ...

Liên quan sự việc này, phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Hãng Luật TGS thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Hãng Luật TGS thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng, đây một giao dịch dân sự có điều kiện khi chị Huyền đã hoàn thành nghĩa thanh toán mua căn hộ cho Hải Phát. Hải Phát phải có trách nhiệm thực hiện theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng và phụ lục đã ký kết giữa các bên.

Trường hợp điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự không thể xảy ra được do hành vi cố ý cản trở trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên thì coi như điều kiện đó đã xảy ra; trường hợp có sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên cố ý thúc đẩy cho điều kiện xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra. Chính vì điều kiện không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên, do đó giao dịch dân sự này có thể dẫn đến vô hiệu.

Theo Điều 131 Bộ Luật Dân sự năm 2015 (hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017) quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau: Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập; Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả; Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường …”.

Ngoài ra, trong trường hợp này Công ty Cổ phần đầu tư Hải Phát cũng đã vi phạm quy định tại Khoản 4 điều 22 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2015) về Nghĩa vụ của bên bán nhà, công trình xây dựng: “4. Giao nhà, công trình xây dựng cho bên mua theo đúng thời hạn, chất lượng và các điều kiện khác đã thỏa thuận trong hợp đồng; giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và hồ sơ có liên quan theo thỏa thuận trong hợp đồng”.

Theo Điều 79 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định về việc xử lý vi phạm thì: “Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh bất động sản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Chủ đầu tư vi phạm Luật Xây dựng nếu xây sai thiết kế

Theo quan điểm của Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, nếu như chủ đầu tư xây sai thiết kế (cụ thể là xây trung tâm thương mại cao và rộng hơn diện tích cấp phép) dẫn đến thay đổi thiết kế và căn hộ bị bịt mất cửa sổ thì chủ đầu tư đã vi phạm quy định về Luật Xây dựng năm 2014.

Cụ thể, trong trường hợp công trình xây dựng sai quy hoạch xây dựng, công trình xây dựng không có giấy phép đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng thi phải tiến hành tháo dỡ theo quy định tại Điều 118 Luật Xây dựng 2014.

Đồng thời, bồi thường thiệt hại khi sử dụng thông tin, tài liệu, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, giải pháp kỹ thuật, tổ chức quản lý không phù hợp và vi phạm hợp đồng làm thiệt hại cho chủ đầu tư theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Luật Xây dựng 2014.

Ngày 24/5, ông Lê Văn Kiên – bố đẻ và là người được ủy quyền hợp pháp của chị Huyền đã đến trụ sở của Hải Phát Invest đề xuất các phương án giải quyết. 

Khách hàng hoàn toàn đủ cơ sở để khởi kiện?

Trường hợp chủ đầu tư xây đúng với thiết kế nhưng lại dùng bản vẽ khác để dẫn dụ khách hàng mua là có hành vi gian dối. Theo quy định tại Điều 127 Bộ Luật Dân sự năm 2015 thì khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Ngoài ra cũng tại Điều 198 Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định rõ về Tội lừa dối khách hàng trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà dùng thủ đoạn gian dối mà thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho rằng, trong trường hợp này chị Huyền hoàn toàn có đủ cơ sở để khởi kiện chủ đầu tư ra Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền, yêu cầu Tòa tuyên bố hợp đồng vô hiệu và yêu cầu tính lãi suất chậm trả theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 vì chủ đầu tư đã không thực hiện đúng hợp đồng và có hành vi gian dối trong trong hoạt động tư vấn bán hàng.

Mặt khác, chị Huyền cũng có thể làm đơn trình báo với các cơ quan chức năng cấp có thẩm quyền để vào cuộc điều tra, xác minh và làm rõ mức độ, tính chất của hành vi mà chủ đầu tư hoặc nhân viên tư vấn đã có hành vi gian dối và thu lợi bất chính đối với chị Huyền. Đồng thời, chị Huyền nên kiến nghị với Cơ quan Nhà nước cấp có thẩm quyền xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa dối khách hàng theo Điều 198 Bộ luật hình sự năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016).

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin! 

Chị Lê Khánh Huyền (trú tại xóm 1 Vân Đình, thị trấn Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội) phản ánh việc mua căn hộ V7-0210 tại dự án nhà ở xã hội Phú Lãm – The Vesta do Công ty Cổ phần đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest) làm chủ đầu tư theo hợp đồng mua bán PLV7-0210/HĐMB được ký ngày 10/01/2019. Tuy nhiên, đến thời điểm bàn giao, chị Huyền từ chối nhận nhà vì cho rằng căn hộ không giống như thiết kế.

Trước thời điểm mua nhà, nhân viên tư vấn của Hải Phát Invest giới thiệu căn hộ là căn góc, gồm 3 phòng ngủ và 4 cửa sổ. Điều này cũng được thể hiện trên hình ảnh của phụ lục hợp đồng mua bán.

Các thủ tục thanh toán, tiến độ thanh toán mua căn hộ đã được chị Huyền hoàn thành, thực hiện đầy đủ. Đến ngày 07/05/2019, chị Huyền được đại diện của Hải Phát thông báo ra nhận bàn giao căn hộ theo hợp đồng mua bán trước đó.

Tuy nhiên, khi đến nhận bàn giao, thì căn hộ không phải có 4 cửa sổ như hình ảnh và lời tư vấn, mà chỉ có 2 cửa sổ, 2 cửa sổ còn lại đã bị bịt đi. Do đó, chị Huyền không đồng ý nhận bàn giao, vì căn hộ không đúng như mô tả, tư vấn, hình ảnh, chị Huyền đã làm đơn gửi đến Hải Phát phản ánh việc căn hộ không có đủ cửa sổ.

Nhiều lần chị Huyền và gia đình liên hệ, tìm gặp đại diện của Hải Phát để bày tỏ nguyện vọng, nhưng đều bị gây khó khăn, không gặp được, không gọi được.

Ngày 14/5/2019, trả lời gia đình chị Huyền, anh Phan Đình Tập - Phó Ban quản lý dự án đổ lỗi sai đó là do nhân viên tư vấn bán hàng, còn theo thiết kế của chủ đầu tư thì căn hộ đó chỉ có 02 cửa sổ. Phía Hải Phát cho rằng, hình ảnh căn hộ mẫu, bản vẽ mặt bằng chỉ mang tính tham khảo chứ không thể là hình ảnh thực tế.

Ngày 24/5, ông Lê Văn Kiên – bố đẻ và là người được ủy quyền hợp pháp của chị Huyền đã đến trụ sở của Hải Phát Invest yêu cầu phía chủ đầu tư phải hoàn trả nguyên trạng căn hộ như thiết kế (mở thông của sổ như tư vấn, phụ lục - PV), hoặc đổi căn hộ khác tương xứng, trong trường hợp không giải quyết được, gia đình chị Huyền yêu cầu được hoàn tiền hoặc có giải pháp hợp lý.

Vậy nhưng các yêu cầu trên đều không được đáp ứng, bên Hải Phát có mời chị Huyền đến làm việc để bàn việc sẽ thiết kế lại căn hộ, tuy nhiên chủ đầu tư chỉ vẽ decor lại, chi phí sửa chữa chị Huyền phải chịu, nghĩa là chỉ còn 2 cửa sổ, nhưng sửa lại cho phù hợp 2 cửa sổ, chứ không thông 4 cửa. Chị Huyền thấy bức xúc vì chủ đầu tư làm sai, giờ sửa lại mà bắt khách hàng phải bỏ tiền...

Đặc biệt, dự án nhà ở xã hội Phú Lãm - The Vesta được nhận danh hiệu “Nhà ở xã hội chất lượng tốt nhất” khuôn khổ Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam 2018, đồng thời, Hải Phát cũng được tôn vinh là sàn giao dịch Bất động sản xuất sắc nhất Việt Nam 2018.

Cuối tháng 12/2018, tại Lễ trao giải thưởng Sao Vàng đất Việt được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội, Công ty Cổ phần đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest) được vinh danh trở thành doanh nghiệp lọt “Top 10 Thương hiệu, nhãn hiệu tin dùng 2018”. Chủ tịch HĐQT Hải Phát Invest - Đỗ Quý Hải đươc tôn vinh “Sao Vàng doanh nhân Đất Việt 2018”.

Bạn đang đọc bài viết Lùm xùm ở The Vesta: Khách hàng đủ cơ sở khởi kiện Hải Phát Invest?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.

Tin mới