Thứ tư, 24/04/2024 15:22 (GMT+7)

Nhà ở giá rẻ tại Hà Nội: Vì sao thiếu nguồn cung?

MTĐT -  Thứ ba, 03/03/2020 13:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ đầu năm 2019 đến nay, Hà Nội có gần 27.000 sản phẩm nhà chung cư được chào bán ra thị trường nhưng số lượng căn hộ chung cư giá rẻ chỉ chiếm khoảng 13%, giá bán ghi nhận sự ổn định.

Dự báo trong giai đoạn 2020 – 2022, Hà Nội sẽ tiếp tục thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở giá rẻ và giá bán có thể sẽ tăng mạnh.

Giá bán sản phẩm nhà ở giá rẻ sẽ tăng mạnh trong năm 2020. Ảnh: Doãn Thành

Khó mua được giá gốc

Anh Lê Huy Sơn, trú tại tổ 12, phường Phúc Đồng (Long Biên, Hà Nội) cho biết, anh vừa ký xong hợp đồng mua - bán một căn hộ chung cư giá rẻ tại địa bàn phường Phúc Đồng với giá bán chênh lệch 2.000.000 đồng/m2 so với ban đầu. Nguyên nhân do ở thời điểm hiện tại để tìm mua một căn hộ giá rẻ đang mở bán rất khó khăn nên nếu có nhu cầu phải mua sang tay từ người khác hoặc mua lại từ một số người đầu cơ trước đây. “Tôi đã phải mua lại một căn hộ giá rẻ với giá chênh lệch hơn 150 triệu đồng nhưng do nhu cầu cuộc sống và công việc không còn lựa chọn nào khác” – anh Sơn chia sẻ.
"Căn hộ giá rẻ, nhà ở xã hội dành cho những người có thu nhập thấp dự báo sẽ vẫn có tính thanh khoản cao. Thời gian gần đây, dòng sản phẩm này không có nhiều do những vấn đề liên quan đến cơ chế, lượng vốn vay phát triển dự án bị hạn chế, việc cấp phép dự án phải theo quy hoạch. Vì vậy, dự báo thời gian tới, căn hộ giá rẻ sẽ tiếp tục khan hiếm trên thị trường".
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu
Cũng có nhu cầu tương tự như anh Sơn, anh Mai Văn Quang công tác tại Hiệp hội Phần mềm và Công nghệ thông tin Việt Nam cho biết, anh đã phải từ bỏ ý định mua căn hộ chung cư giá rẻ ở một dự án tại Khu đô thị mới Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội), có diện tích trên 60m2 với giá bán vào khoảng trên 23 triệu đồng/m2. Giải thích về quyết định nêu trên, anh Quang cho hay: “Tôi đã quyết định chuyển sang mua đất nền gần với Khu đô thị Nam An Khánh với giá 16 triệu đồng/m2. Như vậy, với cùng giá tiền bỏ ra như thế (bao gồm cả tiền mua đất và tiền xây dựng nhà – PV), tôi sẽ có một diện tích sử dụng lớn hơn nhiều so với việc mua một căn hộ chung cư”.
Số liệu tổng hợp từ Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam cho thấy, trong số 58 dự án nhà chung cư đủ điều kiện bán từ đầu năm 2019 đến nay, có đến trên 60% lượng sản phẩm tập trung vào phân khúc căn hộ tầm trung có giá bán từ 25 đến dưới 35 triệu đồng/m2, số lượng căn hộ giá rẻ chỉ đạt khoảng 13%, còn lại là căn hộ cao cấp.
Hiện nay, nhu cầu tại thị trường về chung cư giá rẻ tương đối lớn. Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, nhu cầu về sở hữu BĐS của người dân tại thị trường Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn rất lớn, tỷ lệ hấp thụ đối với dòng sản phẩm nhà chung cư tại Hà Nội trong năm 2019 đạt 85%, đã minh chứng cho nhu cầu của thị trường. “Dòng sản phẩm chung cư giá rẻ tại Hà Nội giảm sút và ngày càng khan hiếm xuất phát từ việc quỹ đất sạch cho các dự án giá rẻ bị hạn hẹp và những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho chủ đầu tư hạn chế. Mặc dù khan hiếm nhưng giá bán tại Hà Nội lại được ghi nhận ở mức tương đối ổn định, từ năm 2018 đến nay giá bán trung bình từ 22,2 – 22,5 triệu đồng/m2, không có sự tăng vọt như TP Hồ Chí Minh” – ông Đính cho hay.
Giá bán sẽ tăng
Theo chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) Đoàn Văn Cương, mặc dù nguồn cung mới sản phẩm chung cư giá rẻ tại thị trường Hà Nội ghi nhận sự thiếu hụt. Nhưng thực tế một số dự án xây dựng xong nhưng vẫn bị “ế hàng” hoặc phải mất thời gian dài mới có thể tiến hành giao dịch, như dự án Bamboo Garden (huyện Quốc Oai), dự án nhà ở xã hội Phú Lãm (Hà Đông), dự án nhà ở xã hội Đông Hội (Đông Anh)... “Đây chính là nghịch lý của thị trường, nếu một dự án không có vị trí tốt, không có hệ thống hạ tầng cùng giá bán tốt thì sẽ khó có thể thu hút được người mua” – ông Cương nhìn nhận.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng phân khúc nhà ở giá rẻ vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, do đại bộ phận dân số tại Thủ đô hiện nay thuộc nhóm dân số trẻ, chưa có nhiều thời gian tích lũy tài chính. Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho biết, thị trường BĐS sẽ phát triển đa dạng hơn, hướng vào những sản phẩm nhà ở bình dân, vừa túi tiền với người dân. “Thực tế, nhu cầu về sản phẩm bình dân vẫn chiếm đa số trên thị trường, nếu có quỹ đất sạch thì sản phẩm nhà ở giá rẻ vẫn là hướng đầu tư đầy triển vọng” – ông Nam nhận định.
Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty IP Land Vũ Đức Tuyên nhìn nhận, xét về lâu dài, sản phẩm nhà ở giá rẻ dù ở những khu vực vùng ven, xa trung tâm vẫn sẽ thu hút được người mua và ngày càng dễ dàng được đón nhận, khi hệ thống hạ tầng được hoàn thiện đồng bộ, rút ngắn thời gian di chuyển. “Với việc Thủ đô Hà Nội phát triển các khu đô thị vệ tinh, đặc biệt một số huyện ngoại thành được nâng cấp quản lý hành chính lên quận sẽ khiến cho giá bán tăng mạnh. Dự báo trong năm 2020 dòng sản phẩm giá rẻ sẽ tăng từ 5 – 7%” – ông Tuyên nhận định.
Theo Kinh tế Đô thị
Bạn đang đọc bài viết Nhà ở giá rẻ tại Hà Nội: Vì sao thiếu nguồn cung?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.