Thứ năm, 18/04/2024 23:51 (GMT+7)

“Pháp luật Việt Nam không có thuật ngữ condotel hay officetel”

MTĐT -  Thứ sáu, 12/04/2019 09:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) khi nói tới loại hình bất động sản “lai” condotel hay officetel.

Loại hình bất động sản căn hộ du lịch (condotel), căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), biệt thự nghỉ dưỡng (resort villa) phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua, tập trung tại một số tỉnh ven biển như Kiên Giang, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh...

Sau quãng thời gian phát triển bùng nổ, đến năm 2019, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản nhận định loại hình condotel, officetel, resort villa sẽ chững lại, khả năng thanh khoản không cao vì giá bán đẩy lên quá cao trong khi loại hình này vẫn còn vướng khung pháp lý, chậm tiến độ.

Bên cạnh đó, ngân hàng siết chặt cho vay đầu tư bất động sản khiến dòng vốn đổ vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt là condotel bị hụt hơi.

Ngoài ra, năng lực phát triển, vận hành dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam vẫn còn hạn chế về pháp lý và các chính sách ưu đãi dẫn đến sự ngờ vực của khách hàng có nhu cầu đầu tư lâu dài.

bo xay dung: “phap luat viet nam khong co thuat ngu condotel hay officetel” hinh anh 1

Tại buổi họp báo quý 1.2019 của Bộ Xây dựng vừa qua, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hay các văn bản, nghị định, thông tư của Việt Nam không có thuật ngữ condotel, officetel. “Đây là thuật ngữ 'lai" nước ngoài mà chúng ta thường quen gọi”, ông Ninh nói.

Theo ông Ninh, căn hộ nghỉ dưỡng (còn gọi là condotel) hay biệt thự nghỉ dưỡng được xếp vào loại hình cơ sở lưu trú du lịch và được quản lý theo pháp luật về du lịch, cơ quan chủ quản là Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch.

“Những tổ chức, cá nhân kinh doanh căn hộ du lịch và biệt thự du lịch là kinh doanh có điều kiện và phải được cấp phép của Tổng cục du lịch mới được kinh doanh”, ông Nguyễn Trọng Ninh nhấn mạnh.

Về phía Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trọng Ninh cho biết, Bộ Xây dựng có trách nhiệm nghiên cứu về quy chuẩn tiêu chuẩn của những loại hình bất động sản mới này.

"Bộ đang nghiên cứu quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn của loại hình này để ban hành trong thời gian tới. Còn liên quan đến những vướng mắc, bất cập trong thời gian qua về chế độ sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận cho căn hộ nghỉ dưỡng hay căn hộ văn phòng, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì để nghiên cứu vấn đề này”, ông nói thêm.

Liên quan tới các loại hình bất động sản “lai” này, tại một diễn đàn bất động sản du lịch biển, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng cũng nhận định những năm qua thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển rất nhanh và đa dạng.

Từ 2015 đến nay, Bộ Xây dựng đã thẩm định sơ bộ 25.000 căn condotel, officetel. Chưa kể hàng chục nghìn căn do địa phương thẩm định. Tập trung vào Hà Nội, TP HCM, các tỉnh ven biển như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang... Quy hoạch đến năm 2020, ngành du lịch phấn đấu thu hút 58 triệu lượt khách cho thấy cơ hội để tham gia vào du lịch biển đang còn là một tiềm năng.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra những vấn đề cần giải quyết. Đầu tiên là về cơ sở pháp lý của các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng chưa có quy định rõ ràng. Cũng bởi chưa rõ ràng, chưa minh bạch nên xuất hiện nhiều điều lo lắng đối với nhà đầu tư khi muốn rót tiền vào loại hình bất động sản này.

Tồn tại thứ hai, theo ông Khởi là quyền sử dụng đất. Theo Luật Đất đai, đã là đất ở thì được sử dụng lâu dài nhưng condotel thì không. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến một số tranh chấp giữa chủ đầu tư với người mua cũng như phát sinh thắc mắc của chủ đầu tư đối với cơ quan quản lý liên quan đến việc cấp sổ đỏ.

Vấn đề thứ ba là việc quản lý vận hành, có thành lập ban quản trị hay không, có phải đóng phí bảo trì hay không?

Ở góc độ quản lý, ông Khởi cho biết Bộ Xây dựng hoàn toàn đồng tình với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý du lịch và bất động sản du lịch biển phát triển bền vững vì đây là nhu cầu tất yếu. Cũng theo ông, Bộ đang nghiên cứu thời gian tới ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn và văn bản về quản lý vận hành bất động sản nghỉ dưỡng để tránh những mâu thuẫn có thể xảy ra về sau. Những văn bản này được ban hành từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019.

Gần đây nhất, tại Chỉ thị 09/CT-TTg về giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, văn bản liên quan đến phát triển và quản lý các loại hình bất động sản mới: căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel)… báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo Dân Việt

Bạn đang đọc bài viết “Pháp luật Việt Nam không có thuật ngữ condotel hay officetel”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.