Thứ năm, 28/03/2024 18:41 (GMT+7)

Quảng Ngãi, thiên đường say ngủ giữa miền cát trắng

MTĐT -  Thứ tư, 17/07/2019 16:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đẹp đẽ và duyến dáng như một "nàng công chúa", Quảng Ngãi vẫn đắm mình vào giấc giữa miền cát trắng, đợi chờ một "chàng hoàng tử" xứng đáng tới đánh thức.

Máy bay hạ cánh tại sân bay Chu Lai, sân bay gần nhất để từ đó có thể di chuyển tới thành phố Quảng Ngãi. Lúc này chỉ mới giữa buổi sáng nhưng ánh nắng gay gắt rọi qua cửa sổ máy bay báo hiệu cho chúng tôi những ngày khám phá “đổ mồ hôi” ở vùng đất đầy nắng gió này.

Ngồi cạnh tôi trên chuyến bay là một nhóm khách trẻ tuổi, tôi hỏi các bạn có định đi đâu khác ở Quảng Ngãi không, cả nhóm lắc đầu, “Lý Sơn là nổi tiếng nhất rồi ạ, chứ ở Quảng Ngãi có còn chỗ nào chơi nữa đâu chị?”.

Cùng trên chuyến bay này, đây không phải nhóm khách duy nhất đi Lý Sơn. Câu nói của bạn trẻ làm tôi băn khoăn mãi, đó cũng là câu hỏi tôi đang tìm lời giải đáp.

Thành phố Lego từ cửa sổ máy bay

Từ sân bay Chu Lai, xuôi theo quốc lộ 1A về hướng Nam, chúng tôi dừng chân ở bãi biển Dung Quất, điểm đến đầu tiên của hành trình.

Sau cung đường lộng gió, biển Dung Quất hiện ra tinh khôi và yên bình trong ngày mới. Được bao bọc bởi dãy núi Nam Trâm và mũi Coco tạo thành một vòng cung chắn gió hoàn hảo, Dung Quất không chỉ có địa thế thuận lợi cho khai thác cảng biển mà còn sở hữu bãi biển hiền hòa, lý tưởng cho việc bơi lội, thư giãn.

Biển Dung Quất sóng êm, độ sâu lý tưởng, thích hợp cho các hoạt động bơi lội

Thế nhưng, ngay giữa cao điểm hè, lại đúng dịp cuối tuần, bãi biển Dung Quất vẫn chỉ lác đác vài nhóm khách nhỏ. Ghé vào một quán nước, tôi hỏi thăm chị chủ quán thì được biết, khách đến bãi tắm chủ yếu là dân địa phương, lâu lâu có thêm khách từ Đà Nẵng, Quảng Nam, chứ khách nước ngoài hoặc du khách từ những nơi xa hơn gần như không có.

Có lẽ danh tiếng của những nhà máy lọc dầu, khu công nghiệp, khu kinh tế lớn hơn nhiều lần so với danh tiếng về cảnh quan du lịch nên nơi đây không có nhiều cơ hội đón các vị khách xa lạ.

Xe tiếp tục đi về hướng Nam, qua cầu Trà Bồng, ngang qua khu kinh tế - công nghiệp Dung Quất. Nếu nhìn từ cửa sổ máy bay khi bay ngang qua bầu trời Dung Quất, khung cảnh những nhà máy phả khói đang hoạt động trong khu kinh tế giống như trò chơi Lego độc đáo, thì khi tới gần, nhìn từ quốc lộ 1A hay dải cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, những công trình này lại càng đồ sộ hơn.

Trong 30 năm, từ 1989 đến 2019, Quảng Ngãi chuyển mình từ một tỉnh thuần nông sang tỉnh công nghiệp với hàng loạt dự án lớn đang hiện hữu. Khung cảnh trước mắt khiến tôi không khỏi liên tưởng đến vài chuyến công tác nước ngoài mà mình trải nghiệm. Bên bờ biển xanh ngắt là những công trình công nghiệp khổng lồ, rất nhiều nước ở châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản đã áp dụng mô hình này, để tạo nên một lựa chọn độc đáo mới cho du khách vừa khám phá các khu công nghiệp trong những chuyến hội nghị, hội thảo, vừa kết hợp nghỉ dưỡng. Với những điều kiện về hạ tầng sẵn có, Dung Quất hoàn toàn có cơ hội để phát triển mô hình du lịch này.

Hình ảnh các nhà máy với cột khói vươn cao là nét đặc trưng của khu kinh tế - công nghiệp Dung Quất

Quảng Ngãi không chỉ có Lý Sơn

Điểm đến tiếp theo của hành trình là huyện Bình Sơn, thuộc khu đô thị mới Vạn Tường, không chỉ là “điểm tụ họp” của những bãi biển đẹp mà còn chứa đựng có những di tích, danh thắng hào hùng của tỉnh Quảng Ngãi.

Ngay khi đặt chân tới đây, tôi nhớ lại câu nói của cậu bạn trẻ trên chuyến bay từ Hà Nội: “Lý Sơn là nổi tiếng nhất rồi ạ, chứ ở Quảng Ngãi có còn chỗ nào chơi nữa đâu chị?”.

Có lẽ, bởi chưa thể vượt qua cái bóng quá lớn của thiên đường Lý Sơn mà suốt bao năm, những xã biển của Bình Sơn như Bình Châu, Bình Hải vẫn chỉ là “trạm dừng” trong hành trình của nhiều du khách dù những gì vùng đất này sở hữu cũng mang đến đầy bất ngờ.

Trên nền trầm tích hàng triệu năm, Bình Sơn sở hữu vùng biển An Sen, Lệ Thủy, Khe Hai với những “bể bơi mini” tự nhiên trong xanh tới đáy.

Với nhiều du khách, việc ngắm biển trời từ trên cao luôn mang tới cảm giác chinh phục lạ kỳ. Tới Bình Sơn, không khó để du khách tìm kiếm một nơi như vậy với ngọn hải đăng Ba Làng An, nằm tại xã biển Bình Châu, nơi tất cả thắng cảnh đều được thu trọn vào tầm mắt.

Nổi bật nhất trong các điểm đến mang địa hình đá trầm tích núi lửa tại Bình Sơn là Gành Yến với kết cấu ngẫu nhiên và độc đáo đến bất ngờ của tạo hóa qua hàng triệu năm.

Gành Yến là điểm đến độc đáo tại vùng biển Bình Sơn

Từ Bình Sơn, theo hướng Mỹ Trà – Mỹ Khê, xe chúng tôi lướt qua hàng loạt các danh thắng nổi tiếng xứ “Đường” như Thôn Cổ Luỹ, thành cổ Quảng Ngãi, núi Ấn, sông Trà… trước khi đến với Sa Huỳnh – điểm cực Nam của tỉnh.

Nếu so với các địa phương có tiềm năng du lịch lớn, Quảng Ngãi rõ ràng không hề thua kém mà ngược lại còn trở nên nổi trội hơn nhờ tính nguyên sơ trên nền tảng tiềm năng tự nhiên biển – rừng – núi non chưa được khai phá.

Xe lại bon bon trên quốc lộ 1, hình ảnh nụ cười diêm dân bình dị trên những ruộng muối Sa Huỳnh lấp lánh nắng khiến chúng tôi càng ấm lòng. Cảnh quan đặc biệt này vừa mang ý nghĩa kinh tế, lại đặc biệt phù hợp cho việc khai thác du lịch – tiềm năng lâu nay dường như bị lãng quên ở vùng đất này.

Thay lời kết

Năm 2018, Quảng Ngãi đón hơn 1 triệu lượt khách, đem lại doanh thu gần 1.000 tỷ đồng. Đây là sự khởi sắc đáng mừng cho du lịch tỉnh, nhưng con số này nếu so với các vùng đất lân cận thì vẫn còn là một nốt trầm.

Trong con số hơn 1 triệu lượt khách này, có hơn 250.000 khách tới Lý Sơn. Vậy ¾ số lượng khách còn lại chia nhỏ cho hàng chục điểm đến đầy tiềm năng của tỉnh. Điều này lạ mà không lạ. Không lạ bởi rõ ràng Lý Sơn là điểm đến quá tuyệt vời cho du khách. Nhưng lạ là bởi nó đặt ra câu hỏi cho những nhà đầu tư, cho chính các nhà quản lý và người dân xứ Quảng, cần làm gì để thu hút số lượng du khách không hề thua kém tới các điểm đến còn lại.

Suốt hành trình, chúng tôi lưu tâm ghi chép và bắt gặp một loạt các dự án lớn đã đặt nền móng trên mảnh đất Quảng Ngãi với logo thương hiệu là những nhà đầu tư giàu tiềm lực như Samsung, Hòa Phát, VSIP, Tập đoàn FLC…

Mới đây, một quần thể du lịch nghỉ dưỡng cao cấp bao gồm các đô thị biển, khách sạn, resort… sắp được hình thành tại Bình Sơn (Khu đô thị mới Vạn Tường, Khu KT Dung Quất), do Tập đoàn FLC là chủ đầu tư. Dự án FLC Quảng Ngãi có tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu ước tính 11.000 tỷ đồng, với kỳ vọng tạo lập một biểu tượng mới về du lịch, dịch vụ của Quảng Ngãi khi hoàn thiện.

Vậy là vùng biển hoang sơ còn say ngủ này sắp có cơ hội để đón chào những vị khách mới. Chỉ cần nhà đầu tư đủ tâm, đủ tầm, điểm bắt đầu từ một khu nghỉ dưỡng tiểu chuẩn sẽ là bước đà cho nhiều sự bứt phá về du lịch, dịch vụ trong tương lai gần.

Bạn đang đọc bài viết Quảng Ngãi, thiên đường say ngủ giữa miền cát trắng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Hồng Tiệp

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.