Thứ sáu, 26/04/2024 01:51 (GMT+7)

Sai phạm nào khiến hàng loạt quan chức TP.HCM vướng vào lao lý?

MTĐT -  Thứ tư, 28/08/2019 17:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng loạt cán bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM bị khởi tố được cho là liên quan đến quá trình xử lý khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP HCM từng gây xôn xao dư luận trong suốt thời gian qua.

Mới đây, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bổ sung đối với ông Nguyễn Quang Minh - nguyên trưởng Phòng Hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM; ông Lâm Nguyên Khôi - nguyên phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM và bà Nguyễn Lan Châu - chuyên viên Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM.

Các bị can này bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", được quy định tại Điều 219 Bộ Luật Hình sự 2015, xảy ra tại Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Các bị can bị khởi tố do liên quan đến quá trình xử lý khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM.

Được biết, khu "đất vàng" 2-4-6 Hai Bà Trưng rộng hơn 6.000m2 với 4 mặt tiền giáp với đường Hai Bà Trưng, Đông Du, Thi Sách và Công Trường Mê Linh (cạnh bên phố đi bộ Nguyễn Huệ) từng thuộc về Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) theo phương án sắp xếp lại nhà, đất công của Bộ Tài chính.

Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, khu đất này ban đầu do Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - lúc chưa bán 53,59% vốn điều lệ cho cổ đông Thái Lan) trực tiếp sử dụng theo diện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của quyết định 09/2007/QĐ-TTg ban hành ngày 19/2/2007.

Khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM. Ảnh: Tuổi trẻ.

Năm 2004, trên cơ sở đề nghị của Sabeco xin chủ trương đầu tư xây dựng nhà cao tầng tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) có văn bản đồng ý chủ trương di dời văn phòng để đầu tư mới và sử dụng hiệu quả khu đất hơn.

Hai năm sau, vào năm 2006, UBND TP.HCM có quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời cho các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công nghiệp đang sử dụng đất để sản xuất kinh doanh trên địa bàn, trong đó có nhà, đất tại địa chỉ nói trên do Sabeco "là đơn vị sử dụng".

Sau khi UBND TP có văn bản đề nghị cho ý kiến về việc Sabeco "xin chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư xây dựng cao ốc phức hợp 45 tầng bao gồm khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị và cao ốc văn phòng cho thuê", Bộ Tài chính có văn bản trả lời UBND TP cho phép chuyển mục đích sử dụng khu đất để xây dựng cao ốc phức hợp cùng các hạng mục nói trên.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu giá đất khi được UBND TP cho phép Sabeco chuyển mục đích sử dụng đất "là giá sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại điểm c, khoản 4, điều 6 của quyết định 09/2007/QĐ-TTg".

Tháng 12/2007, Văn phòng UBND TP thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín "chấp thuận, giao Sabeco làm chủ đầu tư thực hiện dự án đầy tư xây dựng khu phức hợp. Sabeco có trách nhiệm nộp tiền giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường vào ngân sách TP.HCM theo ý kiến của Bộ Tài chính tại văn bản ngày 6/11/2007".

Song song với khoảng thời gian ban hành các văn bản, quyết định giữa Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp (cũ) và UBND TP giai đoạn này, chủ thể của mọi văn  bản xin các ý kiến thực hiện đều do Sabeco - doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công nghiệp - quản lý.

Theo nguồn tin TTXVN, tháng 4/2007, Sabeco thành lập Công ty cổ phần Bất động sản Sabeco (Sabeco Land) nhưng việc triển khai dự án không thực hiện được, đến năm 2014, Công ty Sabeco Land giải thể.

Năm 2015, Sabeco tái khởi động dự án thông qua việc thành lập Công ty cổ phần đầu tư Sabeco Pearl với vốn điều lệ khoảng 567 tỷ đồng, gồm các cổ đông Sabeco, Công ty cổ phần Attland, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và Dịch vụ Hà An và Công ty cổ phần Đầu tư Mê Linh. Tuy nhiên, sau nhiều lần thay đổi lãnh đạo, Công ty được đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh và thay đổi nội dung kinh doanh. Về sau, các cổ đông rút vốn, chỉ còn lại Công ty cổ phần Attland và từ đây, khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng thuộc về sở hữu tư nhân.

Nhận thấy nhiều bất thường trong việc thoái vốn, biến khu “đất vàng” từ đất công thành đất tư, các cơ quan chức năng đã vào cuộc và phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến lãnh đạo UBND TP.HCM và các sở ngành liên quan.

Liên quan đến khu đất vàng này, trước đó, tháng 11/2018, Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam các ông Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố) và Trương Văn Út (Phó Phòng Quản lý đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nằm ở vị trí đắc địa bậc nhất giữ trung tâm Sài Gòn, nhưng sau những lần đổi chủ, khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng vẫn chỉ là bãi đất trống, thậm chí bị biến thành nơi cho thuê giữ xe như nhiều khu đất vàng khác trên địa bàn quận 1 hiện nay.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Sai phạm nào khiến hàng loạt quan chức TP.HCM vướng vào lao lý?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.