Thứ sáu, 29/03/2024 20:47 (GMT+7)

Định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam bối cảnh mới

MTĐT -  Thứ năm, 08/04/2021 10:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Về chiến lược phát triển, theo đại diện Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cần phát triển kiến trúc Việt Nam phù hợp với đường lối của Đảng, pháp luật và chiến lược phát triển chung của Nhà nước

Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang gặp rất nhiều thách thức về biến đổi khí hậu và dịch bệnh nên định hướng phát triển kiến trúc trong tương lai cần phải đáp ứng khả năng ứng phó với bối cảnh mới.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu nên rất cần xây dựng kiến trúc thân thiện với môi trường (Ảnh:VnExpress).

Phương pháp xây dựng Định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam

Trên cơ sở nghiên cứu nội dung đề cương Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam và phân tích tình hình thực hiện phát triển kiến trúc Việt Nam theo Nghị định số 112/2002/NĐ – CP, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề xuất một số nội dung nhằm xây dựng định hướng kiến trúc mới phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.

Về phương pháp tiếp cận, Hội đề xuất đánh giá hiện trạng làm nền tảng định hướng mới ở 5 khía cạnh. Thứ nhất là thực tiễn phát triển kiến trúc Việt Nam từ năm 2002 đến nay. Thứ hai là phân tích hiệu quả thực hiện định hướng phát triển kiến trúc theo Nghị định số 112/2002/NĐ – CP. Thứ ba là thực trạng số lượng, chất lượng nhân lực làm nghề kiến trúc sư. Thứ tư là đánh giá hiệu quả về mặt luật pháp cho mô hình quản lý, vận hành kiến trúc. Thứ năm là cập nhật môi trường và hiệu quả làm nghề kiến trúc trên thế giới để làm rõ ưu, nhược điểm so với Việt Nam.

Đồng thời, Định hướng cũng phải được xây dựng trên cơ sở phân tích các yếu tố chính trị, kinh tế - xã hội của Việt Nam, thế giới thời kỳ 4.0 và dự báo về khoa học, hình ảnh đất nước, thiên nhiên, con người Việt Nam, thách thức mà kiến trúc phải giải quyết (biến đổi khí hậu, dịch bệnh…) và cả yêu cầu của con người ở mỗi giai đoạn.

Về chiến lược phát triển, theo đại diện Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cần phát triển kiến trúc Việt Nam phù hợp với đường lối của Đảng, pháp luật và chiến lược phát triển chung của Nhà nước: “Tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc”, phát triển bền vững trên cơ sở thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về mô hình quản lý, các mô hình cần quản lý toàn diện ở các khâu, tập trung ở khâu hành nghề; đảm bảo sự tham gia hài hòa của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và vinh danh, khuyến khích các công trình kiến trúc khai thác đặc điểm địa phương để tạo bản sắc.

Để tạo dựng diện mạo kiến trúc đô thị và nông thôn Việt Nam mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và kiến trúc các vùng miền kế thừa các giá trị kiến trúc truyền thống, Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia Đỗ Thanh Tùng có đề xuất một số giải pháp về công tác quản lý Nhà nước (nâng cao công tác quản lý phát triển kiến trúc, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, thực hiện tốt công tác kiểm kê, lập hồ sơ di sản….) và đào tạo, phát triển nghề nghiệp (nâng cao công tác đào tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, hoàn thiện môi trường hành nghề kiến trúc, tôn vinh các tác phẩm kiến trúc giàu bản sắc…).

Mặt khác, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng lưu ý vấn đề phát triển sáng tạo kiến trúc Việt Nam theo hướng hiện đại, tương thích và xứng tầm với môi trường hội nhập quốc tế, chủ động thiết lập cơ chế hợp tác với quốc tế.

Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã giúp các kiến trúc sư Việt Nam thiết kế, xây dựng và quản lý các công trình có quy mô lớn như tòa nhà Landmark 81 tại Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Người lao động).

Các yếu tố ảnh hưởng tới định hướng kiến trúc trong bối cảnh mới

Với sự phát triển của thế giới và sự thay đổi quan điểm phát triển kiến trúc trong những năm gần đây, Liên hiệp Hội kiến trúc sư thể giới (UIA) và Tạp chí Kiến trúc ArchDaily có đưa ra 4 yếu tố sẽ ảnh hưởng lớn tới định hướng kiến trúc trong bối cảnh mới.

Trong đó, biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề cấp bách nhất cần được xem xét khi thảo luận về các thành phố tương lai. Hiện nay, các tòa nhà và công trình xây dựng chiếm tới 38% lượng khí thải CO2 liên quan đến năng lượng. Các hiện tượng Trái đất nóng lên, nước biển dâng, bão lũ… thường xuyên xảy ra và đe doạ môi trường sống của con người.

Tình hình này đòi hỏi con người phải tìm kiếm các khuynh hướng kiến trúc mới nhằm lấy lại sự cân bằng giữa thiên nhiên và con người, tránh phát triển kiến trúc chỉ khai thác môi trường thiên nhiên, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển bền vững.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kiến trúc xanh là mô hình lý tưởng nhất và đây cũng là hướng phát triển chủ đạo trong thế kỷ 21. Mô hình này đòi hỏi các giải pháp trên 4 lĩnh vực: Giảm năng lượng sử dụng; giảm năng lượng, giảm tiêu hao tài nguyên; giảm ô nhiễm bên ngoài, làm tổn hại môi trường và giảm ô nhiêm bên trong, làm tổn hại sức khỏe con người.

Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, kiến trúc xanh phải đặt ra sự kết hợp giữa công nghệ với các giải pháp thông minh, kinh nghiệm truyền thống và hướng về thiên nhiên. Ngoài ra, kiến trúc xanh cũng cần phù hợp với điều kiện của từng vùng, miền.

Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng rất lớn tới định hướng phát triển kiến trúc tương lai là các công nghệ mới như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, robot... Việc làm chủ công nghệ sẽ cho phép các kiến trúc sư xử lý nhiều vấn đề phức tạp của dự án, từ đó đảm bảo chất lượng và tính kinh tế của công trình, dự án.

Để gắn chuyển đổi số vào Định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam tới năm 2030, định hướng 2050, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc Hồ Chí Quang có đề xuất 3 nhiệm vụ: Thứ nhất là xác định chính xác quan điểm về chuyển đổi số là thay đổi và phát triển các cấu trúc kinh tế mới chứ không phải là số hóa các dữ liệu; Thứ hai là gắn chuyển đổi số trong kiến trúc với một số ngành, lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên chuyển đổi trước; thứ ba là xây dựng và điều chỉnh các thể chế văn bản pháp luật về kiến trúc phù hợp với thời đại chuyển đổi số và hội nhập.

Mặt khác, sự bùng phát của đại dịch Covdi-19 trong năm 2020 đã ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống con người, bao gồm cả lĩnh vực thiết kế, kiến trúc công trình và không gian bên trong các tòa nhà. Để tự cách ly trong chính ngôi nhà của mình, các kiến trúc sư cần chú trọng đến các không gian gần với thiên nhiên để con người thích ứng với mọi điều kiện, đảm bảo sống tốt và dễ dàng vượt qua khó khăn thời dịch bệnh.

Theo Dịch Phong/Báo Xây dựng

Bạn đang đọc bài viết Định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam bối cảnh mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.

Tin mới