Thứ tư, 24/04/2024 13:10 (GMT+7)

Thạch Thất: Dự án 'giả' có sàn giao dịch, liệu khách hàng có bị lừa?

Văn Bình -  Thứ hai, 08/07/2019 08:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tiếp bài “Thạch Thất: Cảnh báo việc “xẻ” đất trồng cây lâu năm bán như dự án” phát hiện thêm sự liên quan của Công ty TNHH đầu tư và dịch vụ Hoàng Gia Phát trong các giao dịch. Khách hàng có bị lừa?

Như đã thông tin về việc “xé” đất trồng cây lâu năm bán như dự án tại xóm Chùa, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. Đó là sự việc diễn ra trên thửa đất số thửa 50-1, tờ bản đồ 67, diện tích 10.288,3m2 của ông Trần Văn Hồng (địa chỉ thường trú tại thôn 1, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội). Tất cả diện tích của thửa đất trên đều là đất trồng cây lâu năm sử dụng đến năm 2049.

Ngày 25/4, gia đình ông Hồng (bên A) đã thực hiện việc ủy quyền sử dụng đất cho bà Tạ Thị Hồng Tĩnh (bên B) người đại diện của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Thiên Lam thông qua hợp đồng ủy quyền. Trong nội dung hợp đồng ủy quyền có nêu rõ bên B được toàn quyền thay mặt và nhân danh bên A làm việc với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, làm các thủ tục pháp lý, ký các giấy tờ cần thiết theo quy định như: Xin đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở, xin tách thửa, hợp thửa đất, xin cấp phép xây dựng. Ở thời điểm hiện tại, thửa đất đang không được sử dụng đúng mục mà ngược lại bị “xé” nhỏ để phân lô bán đất nền với tên thương mại Dự án khu dân cư Tiến Xuân Green.

Nguồn gốc thửa đất đang bị phân lô bán như dự án.

Phải chăng thông qua hợp đồng ủy quyền này mà bà Tạ Thị Hồng Tĩnh cho rằng đây là cơ sở pháp lý cần và đủ cho việc tự ý phân lô bán để bán đất nền tại thửa đất này mà không cần làm bất cứ một thủ tục pháp lý nào, hay xin phép cơ quản lý nhà nước có thẩm quyền nào? Cứ như thế vẽ ra dự án, đặt cho cái tên thương mại thật hấp dẫn rồi tung ra chính sách bán hàng. Và cũng cứ như thế đẩy khách hàng - những người nhẹ dạ cả tin vào một cái bẫy.

Nguy hiểm hơn, thông qua trao đổi với ông Đinh Công Long – Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân cho biết: “Dự án này làm gì đã có, nó chỉ quảng cáo thế thôi chứ chưa có đâu. Tên công ty này (Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Thiên Lam – Pv) tôi cũng chưa nắm được, còn việc san ủi phân lô bán nền thì hiện tại trên địa bàn xã chưa có”.

Dự án được vẽ ra rồi bán đất nền cho khách hàng.

Chính vì vậy có thể thấy rằng: Đây quả thực là một hành vi có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật của bà Tạ Thị Hồng Tĩnh người đại diện của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Thiên Lam và gây ảnh hưởng lớn đến khách hàng.

Dự án "giả" nhưng sàn giao dịch thật

Lần theo hồ sơ giao dịch các lô đất nền được “xé” từ thửa đất, PV tiếp tục phát hiện sự liên quan đến Công ty TNHH đầu tư và dịch vụ Hoàng Gia Phát với vai trò là sàn giao dịch bất động sản.

Cụ thể là Công ty TNHH đầu tư và dịch vụ Hoàng Gia Phát đã thực hiện việc ký kết hợp đồng thỏa thuận đặt mua với khách hàng. Tất cả các hợp đồng này đều được giám đốc công ty là ông Khuất Gia Hoàng ký và đóng dấu.

Bản hợp đồng thỏa thuận đặt mua này thể hiện rất rõ số các lô đất, ký hiện LK (liền kề) trong Dự án khu dân cư Tiến Xuân Green. Mục đích sử dụng đất ở và thời gian sử dụng đất là lâu dài.

Công ty TNHH đầu tư và dịch vụ Hoàng Gia Phát đã thực hiện việc ký kết hợp đồng thỏa thuận đặt mua với khách hàng.

Tại hợp đồng cũng thể hiện nội dung phương thức thanh toán. Tất cả các khoản thanh toán đều được chuyển cho chủ tài khoản là bà Tạ Thị Hồng Tĩnh - Người đại diện của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Thiên Lam.

Hợp đồng thỏa thuận được chính giám đốc công ty ông Khuất Gia Hoàng ký kết rõ ràng là thế, nhưng không hiểu vì sao vị giám đốc này lại phủ nhận hoàn toàn sự việc.

Trao đổi nhanh qua số điện thoại 098965xxxx với PV ông Khuất Gia Hoàng – Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và dịch vụ Hoàng Gia Phát cho biết: “Thửa đất đấy là của bên mình nhưng bên mình chưa bán cái gì cả, đất đấy đã có gì đâu”.

Như vậy còn quá nhiều rắc rối ở đây tại sao ông Khuất Gia Hoàng lại phủ nhận toàn bộ thông tin về bản hợp đồng đã ký kết với khách hàng khi trao đổi với phóng viên báo chí? Bà Tạ Thị Hồng Tĩnh - Người đại diện của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Thiên Lam là ai? Tại sao lại có thể vẽ ra cả một dự án như vậy để rao bán rầm rộ mà chính quyền sở tại lại không hề hay biết.

Phương tiện và máy móc hoạt động tại thửa đất nhưng chủ tịch xã lại không nắm được. (ảnh chụp ngày 5/7).

Trước những diễn biến quá phức tạp của sự việc, thiết nghĩ phần thiệt thòi lớn nhất là khách hàng, khi mọi thông tin về dự án trong bản hợp đồng đều là giả so với thực tế của thửa đất. Để tránh những thiệt thòi trước “cạm bẫy” của liên minh giữa bà Tạ Thị Hồng Tĩnh - người đại diện của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Thiên Lam và ông Khuất Gia Hoàng – Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và dịch vụ Hoàng Gia Phát thì có lẽ những người có nhu cầu về đất nền tại khu vực Hòa Lạc phải thật sự tỉnh táo.

Tuy nhiên bên cạnh sự tỉnh táo của khách hàng thì để giải quyết và ngăn chặn triệt để những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật này của các bên liên quan thì cũng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, nhanh chóng kịp thời của các phòng ban liên quan của UBND huyện Thạch Thất. Nếu để tình trạng vi phạm diễn ra kéo dài và gây ra nhiều hệ lụy thì đương nhiên trách nhiệm khi đó thuộc về chủ tịch UBND huyện.

Đối với UBND xã Tiến Xuân, ngày 2/7 trao đổi với PV ông Đinh Công Long - Chủ tịch UBND xã khẳng định: “Xã phát hiện được trường hợp nào tự san ủi xã sẽ ngăn chặn ngay lập tức”. Thế nhưng đến ngày 5/7, tiếp cận thửa đất PV tiếp tục ghi nhận được rất nhiều máy móc và xe ô tô đang thực hiện việc san ủi tại thửa đất. Phát hiện sự việc, Pv đã rất cố gắng liên hệ với chủ tịch UBND xã Tiến Xuân qua số điện thoại cá nhân để phản ánh và cung cấp thông tin nhưng đều không được vị chủ tịch này tiếp nhận.

Bạn đang đọc bài viết Thạch Thất: Dự án 'giả' có sàn giao dịch, liệu khách hàng có bị lừa?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.