Thứ bảy, 20/04/2024 10:40 (GMT+7)

Thái Nguyên: “Gom” đất triển khai dự án gần nghìn tỷ có trái luật?

MTĐT -  Thứ ba, 09/06/2020 14:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng chính quyền Trại Cau (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) lại ký, đóng dấu xác nhận cho Chủ đầu tư là Công ty TNHH Thiên Phúc đi thu mua ruộng đất của người dân.

Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 58, Luật Đất đai 2013, trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa trở lên hoặc từ dưới 20 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên thì cần có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Video Doanh nghiệp thu mua đất có dấu hiệu trái pháp luật

Dự án khu du lịch sinh thái văn hóa Đá Thiên do Công ty TNHH Xây dựng mỹ thuật Thiên Phúc (Phường Tân Thanh, TP. Ninh Bình) làm Chủ đầu tư được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 20/6/2018, dự án có tổng mức đầu tư gần 785 tỷ đồng, quy mô trên 55ha, vành đai bảo vệ 244,4ha, chủ yếu là đất rừng và đất nông nghiệp.

Đến nay, dự án trên vẫn còn đang nằm trên… giấy chưa thể triển khai vì chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý như chưa được phê duyệt ĐTM; chưa tìm được tiếng nói chung với các hộ dân có đất trong khu vực triển khai dự án và quan trọng dự án trên vẫn đang chờ xin chấp thuận của Thủ tướng chính phủ để chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

“Người lạ” đi thu mua đất lúa

Trả lời báo chí, ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau xác nhận: “Đến thời điểm hiện tại, công ty Thiên Phúc đã thu mua được khoảng 16 ha đất của người dân. Hiện dự án đang chờ xin phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.”

Ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau xác nhận dự án vẫn đang trong thời gian hoàn thiện thủ tục pháp lý, đang chờ xin phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Được biết, dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa Đá Thiên từng bị người dân lên tiếng phản đối bởi để triển khai dự án sẽ phải thu hồi đất ruộng lúa của người dân, trong khi đó cuộc sống của người dân nơi đây hàng chục năm đã gắn bó ruộng đồng, triển khai dự án là đồng nghĩa sẽ đẩy nhiều hộ dân lâm vào cảnh mất đất, mất việc, khó hòa nhập với công việc mới.

Theo phản ánh, thời gian gần đây xuất hiện một số “người lạ” đến địa phương tìm người dân để thu mua đất nông nghiệp. Sau khi tiếp cận được người dân có đất trong khu vực, người này sẽ đề nghị người dân lên trụ sở Công ty Thiên Phúc để thỏa thuận giá cả.

Các hộ dân đồng ý bán đất sau khi nhận tiền bồi thường sẽ giao sổ đỏ cho doanh nghiệp làm thủ tục chuyển đổi còn biên bản bàn giao, nhận tiền sẽ do phía công ty giữ!? Biên bản trên sẽ được sao in để chuyển đến tay hộ dân nhận tiền sau khi doanh nghiệp hoàn thiện xong các thủ tục pháp lý.

Ngoài hình thức “tiền tươi – thóc thật”, một số trường hợp khác được Công ty Thiên Phúc giao tiền dưới hình thức ký kết hợp đồng, trả trước 70% tổng số tiền, ngoài ra còn 30% thì chưa có thời hạn trả. Các hợp đồng chuyển nhượng đất đều có dấu xác nhận của chính quyền địa phương.

Là người có hàng nghìn m2 đất đã bán cho doanh nghiệp Thiên Phúc, bà H.L. (thị trấn Trại Cau) cho biết khi có dự án về đã có một vài người tự xưng là người của công ty Thiên Phúc đến mời lên trụ sở Công ty để thỏa thuận giá cả. Theo bà L. tiết lộ thì nhiều gia đình khác cũng được “vận động” lên công ty theo hình thức trên.

Khu đất bà H.L đã bán cho doanh nghiệp Thiên Phúc để triển khai dự án (Khoanh màu đỏ)

4 tỷ đồng là số tiền mà Công ty Thiên Phúc phải bỏ ra để mua đất của bà L. còn biên bản giao, nhận tiền hiện công ty Thiên Phúc đang giữ!? Bà nói: “Tiền cô nhận hết rồi, giấy tờ ký kết chuyển tiền cô chưa được cầm. Bìa đỏ thì vẫn trong tay người ta, họ (Công ty Thiên Phúc – PV) đứng ra nhận chuyển và nói sau khi làm xong bìa đỏ chuyển nhượng thì mới đưa cho mình giấy tờ.”.

Bà cũng bật mí thêm “Ở đây nhiều trường hợp cũng bán đứt đất cho công ty Thiên Phúc như cô. Ước tính hơn 10 trường hợp”.

Dựa trên số liệu thống kê của UBND thị trấn Trại Cau đến nay doanh nghiệp Thiên Phúc đã chi khoảng 40 tỷ đồng để đối ứng cho người dân, phục vụ công tác “gom” đất.

Không sai?

Lý giải việc chính quyền thị trấn ký và xác nhận vào hợp đồng nêu trên, ông Vũ Đăng Khoa giải thích: “Đấy chỉ là thỏa thuận dân sự chứ không phải hợp đồng. Tôi kí xác nhận vào hợp đồng là xác nhận có sự thỏa thuận của công ty và người dân để sau này dự án được triển khai thì hai bên sẽ tiến hành mua bán chính thức. Đó không phải là xác nhận để hai bên mua bán đất đai”.

Dù lý giải như vậy nhưng khi PV cung cấp tài liệu ghi rõ “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất”, trên hợp đồng có chữ ký, được đóng dấu xác nhận của UBND thị trấn Trại Cau, ông Khoa im lặng không trả lời.

Hợp đồng ghi rõ “hợp đồng chuyển nhượng…” không phải biên bản thỏa thuận như chủ đầu tư đưa ra

Trước đó ông Khoa còn cho biết, hiện dự án này đang làm thủ tục xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nếu Thủ tướng đồng ý thì dự án sẽ tiếp tục được triển khai, còn nếu Thủ tướng không đồng ý thì thôi. Chủ đầu tư cũng xác định nếu Thủ tướng không đồng ý cho chuyển đổi thì số tiền mà họ ứng trước 70% để mua đất của người dân sẽ bị mất.

Chính quyền địa phường thừa nhận việc doanh nghiệp dám “bạo tay” chi trả 70% cho người dân là sự mạo hiểm, “cầm đằng lưỡi”. Tuy nhiên theo vị chủ tịch Trại Cau đây cũng là cách thức để doanh nghiệp thể hiện việc… người dân ủng hộ dự án, thể hiện tinh thần trách nhiệm dám làm và… chắc chắn sẽ làm dự án khu du lịch sinh thái văn hóa Đá Thiên!?

Ở diễn biến khác, ông Đỗ Khắc Thân, Giám đốc Công ty Mỹ Thuật Thiên Phúc thừa nhận đến nay vẫn chưa hoàn thiện xong thủ tục pháp lý và chưa được Thủ tướng chính phủ chấp thuận phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên đề cập đến việc thu mua đất đai như báo chí đã nêu, ông cho rằng là bởi dự án đã có chủ trương, việc thị trấn xác nhận và việc công ty ký hợp đồng là hợp pháp!?

“Nếu anh chưa có chủ trương này mà ông Khoa ký vào hợp đồng này thì ông Khoa sai, còn giờ anh có chủ trương rồi thì làm sao mà sai được”, – ông Thân nói.

Ông Đỗ Khắc Thân, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Thuật Thiên Phúc cho rằng việc ký kết giữa người dân, công ty là hợp pháp?

Trao đổi với báo chí, luật sư Nguyễn Văn Nghi (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: “Điểm a, khoản 1, Điều 58 Luật Đất đai 2013 quy định, đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa với diện tích từ 10 ha trở lên thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, việc chủ đầu tư ồ ạt mua đất lúa trước khi Thủ tướng cho phép là trái quy định của pháp luật”.

Khi phát hiện sự việc, UBND thị trấn Trại Cau cần phải có biện pháp ngăn chặn, xử lý việc doanh nghiệp đi thu mua đất để triển khai dự án khi vẫn chưa đủ thủ tục pháp lý. Nhưng thay vì làm như vậy, UBND thị trấn Trại Cau lại đi ký, dùng con dấu chính quyền để xác nhận vào bản hợp đồng chuyển nhượng của hai bên. Vì vậy người dân cho rằng chính quyền Trại Cau có dấu hiệu “bật đèn xanh”, thậm chí là bao che, tiếp tay cho sai phạm.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Điều 58, Luật Đất đai 2013. Điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư

1, Đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có một trong các văn bản sau đây:

a) Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 héc ta đất trồng lúa trở lên; từ 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên;

…….

Bạn đang đọc bài viết Thái Nguyên: “Gom” đất triển khai dự án gần nghìn tỷ có trái luật?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Nhóm PV

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ