Thứ tư, 24/04/2024 20:25 (GMT+7)

Thị trường bất động sản được gì từ gói kích cầu 180.000 tỷ đồng?

MTĐT -  Chủ nhật, 05/04/2020 17:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo các chuyên gia, việc Chính phủ quan tâm tới thị trường BĐS trong giai đoạn này khiến cho các DN có thêm động lực để vượt qua khó khăn, nếu để BĐS chìm vào khủng hoảng thì kinh tế sẽ bị giảm sút.

Mới đây, Bộ Tài chính đã gửi công văn báo cáo Thủ tướng về việc tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia vào dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

Theo đó, dự thảo mới bổ sung thêm 4 nhóm đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, đồng thời dự kiến mở rộng tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 180.000 tỷ đồng (tăng 100.000 tỷ so với trước đó).

Đáng chú ý, Bộ Tài chính bổ sung một số hoạt động kinh doanh vào đối tượng được gia hạn, trong đó có hoạt động kinh doanh bất động sản.

Cơ hội thanh lọc thị trường

Dịch COVID-19 lây lan trên toàn cầu đã và đang tác động mạnh lên các ngành nghề, nền kinh tế của nhiều quốc gia và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Sau cú “vấp” của condotel (căn hộ khách sạn), phân khúc này gây những ảnh hưởng nhất định khiến thị trường bất động sản chao đảo thời điểm cuối năm 2019.

Sang đầu năm 2020, thị trường bất động sản Việt Nam lại thêm một lần "thử lửa" trước diễn biến bất lợi của dịch bệnh.

Báo cáo nghiên cứu của Công ty TNHH Savills Việt Nam chỉ ra rằng, bất động sản nằm trong nhóm ngành kinh tế chịu tác động trực tiếp lớn nhất của dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang trong giai đoạn phát triển nhưng lâm cảnh khó khăn vì dịch bệnh, khó có doanh thu tốt. Kéo theo đó là nhóm nhà đầu tư đã mua bất động sản thuộc phân khúc này sẽ khó thoát ra khỏi khoản đầu tư hiện tại, đồng thời gặp khó khăn trong việc chuyển hướng đầu tư hoặc cố gắng khai thác phòng hay các tiện ích nội khu.

Thị trường bất động sản cũng chứng kiến khách thuê mặt bằng kinh doanh tại các tuyến phố trung tâm ở TP.HCM và Hà Nội buộc hủy hợp đồng thuê, chấp nhận mất chi phí đặt cọc ban đầu.

Đáng chú ý, nhóm các khách sạn nhỏ ở trung tâm thành phố cũng chịu tác động tiêu cực khi người dân ngày một hạn chế việc di chuyển và sử dụng các dịch vụ công cộng.

Với phân khúc nhà ở, theo Công ty TNHH Savills Việt Nam, đến nay vẫn còn khá sớm để đánh giá sự ảnh hưởng của dịch bệnh.

Dịch Covid-19 là cơ hội để "thanh lọc" thị trường, những nhà đầu tư không đủ năng lực sẽ bị đào thải”. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cách duy nhất để vượt qua giai đoạn khó khăn này là thị trường bất động sản Việt Nam phải đối diện khó khăn và xem đây như một “khoảng lặng” với cơ hội “thanh lọc” thị trường. Ở giai đoạn này, thị trường bất động sản được ví như lò xo bị nén và đang kỳ vọng vào lực bật mới trong thời gian tới.

Theo Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyên Văn Đính, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ngày càng ảnh hưởng nặng nền lên thị trường BĐS, khiến cho các hoạt động rơi vào trạng thái “ngủ đông”. Nhưng đây cũng là một khoảng thời gian cần thiết giúp các DN BĐS thực hiện tái cấu trúc DN, trong đó việc vận hành bộ máy, nhân sự và các phương án kinh doanh sẽ phải tinh gọn; cùng với đó là việc đẩy mạnh công nghệ hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm nâng cao hiệu quả, giảm chi phí sản xuất, vừa tăng chất lượng vừa giảm giá thành sản phẩm.

"Nhưng điều quan trọng nhất trong giai đoạn này là sẽ giúp cho thị trường được thanh lọc, những DN có đủ tiềm lực sẽ trụ lại được, còn những nhà đầu tư không đủ năng lực sẽ bị đào thải” - ông Đính nhìn nhận.

"Phao cứu sinh" cho doanh nghiệp

Với việc Bộ Tài chính đã bổ sung hoạt động kinh doanh bất động sản vào danh sách các đối tượng được hưởng gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) Trần Quốc Việt cho rằng, việc Chính phủ quan tâm tới thị trường BĐS trong giai đoạn này khiến cho các DN có thêm động lực để vượt qua khó khăn, nếu để BĐS chìm vào khủng hoảng thì kinh tế sẽ bị giảm sút.

“Nhưng qua bối cảnh như thế này thì các DN cũng cần phải có sự điều chỉnh lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh với mục tiêu giảm giá thành sản phẩm để hỗ trợ người dân có thu nhập thấp có nhu cầu sở hữu BĐS. Không nên chỉ vì quyền lợi của DN lúc khó khăn thì kêu gọi trợ giúp, nhưng lúc ổn định rồi thì mọi gánh nặng về chi phí sản xuất, lợi nhuận... lại đẩy sang người dân thông qua hình thức tăng giá bán” - ông Việt nhìn nhận.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Đây được đánh giá là động thái rất tích cực của Nhà nước, trong đó, các doanh nghiệp BĐS cũng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ gói kích thích kinh tế này.

Những gói kích cầu của Chính phủ được cho là "cứu cánh" cho thị trường BĐS ở giai đoạn khó khăn.

TS. Sử Ngọc Khương nhận định, "Chính phủ có những nỗ lực quyết liệt và thực tế, mà các doanh nghiệp bất động sản đặc biệt hưởng lợi.”

Theo đó, doanh nghiệp có thể kỳ vọng về việc Chính phủ và các Bộ, các cơ quan liên quan thực hiện rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Với mọi doanh nghiệp, thủ tục hành chính được xem là gánh nặng nhiều năm. Đây thực sự là giải pháp vực dậy doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh, là thứ doanh nghiệp luôn cần.

Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh, giúp tăng tốc độ phát triển kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng.

Ở góc nhìn vĩ mô, ông Khương cho rằng, việc giảm thuế có thể tác động tích cực với các doanh nghiệp có lợi nhuận nhưng không có tác dụng hiệu quả với doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Biện pháp kích cầu kinh tế chỉ thực sự làm tốt vai trò của nó khi giúp doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng để đóng thuế và duy trì "sức đề kháng". Khi dịch Covid-19 qua đi, dư âm của dịch bệnh và "sức đề kháng" của doanh nghiệp để họ phát triển trở lại mới là những câu chuyện chính.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Thị trường bất động sản được gì từ gói kích cầu 180.000 tỷ đồng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.