Thứ năm, 28/03/2024 19:00 (GMT+7)

Thị trường bất động sản Hà Nội giảm tốc trong quý I/2019

MTĐT -  Thứ tư, 17/04/2019 10:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Báo cáo mới nhất về thị trường BĐS quý 1 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy, thị trường bất động sản Hà Nội có sự giảm mạnh cả về nguồn cung và lượng giao dịch của thị trường.

Chiều 16/4, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) tổ chức họp báo công bố thị trường bất động sản quý 1-2019.Theo đó, thị trường bất động sản Hà Nội quý 1 giảm mạnh cả về nguồn cung và lượng giao dịch.

Cụ thể, lượng cung căn hộ chung cư tại Hà Nội trong quý 1 chỉ bằng 31,5% so với quý 4/2018 và bằng 75,7% so với cùng kỳ năm 2018. Lượng giao dịch căn hộ chung cư tại Hà Nội cũng chỉ bằng 30,4% so với quý 4/2018 và bằng 61,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ hấp thụ căn hộ chung cư giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2018 (quý 1/2018 là 82,8%) và không có nhiều biến động so với quý 4/2018.

“Giá chung cư ở phân khúc trung và cao cấp đi ngang so với cùng kỳ năm trước, phân khúc bình dân giá có sự tăng giá nhẹ, tuy nhiên giá đất nền lại tăng 5% so với quý 4/2018; tập trung ở một số khu vực như Đông Anh, Gia Lâm, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Trì….”, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá.

Ảnh minh họa: Internet.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, xét về mặt giảm tốc này thì không có vấn đề gì đặc biệt bởi thông thường quý cuối các năm thường có sự tăng rất mạnh, sau đó đến đoạn nghỉ Tết là giai đoạn chiếm nhiều thời gian của quý đầu năm thì thị trường khi khởi động trở lại bao giờ cũng có độ chậm hơn khi đã có đà. Vì thế, thông thường, thị trường quý 1 của năm thường giảm.

Theo ông Đính, dự kiến sang quý 2 và quý 3, nguồn dự án được phê duyệt sẽ bùng nổ mạnh nên thị trường Hà Nội sẽ có sự tăng trưởng tốt hơn quý 1.

“Khu vực phía Tây hay phía Đông Hà Nội sẽ tiếp tục sự phát triển. Còn khu vực phía Bắc Hà Nội như Đông Anh, Gia Lâm… sẽ có sự  tăng trưởng mạnh hơn do có những dự án lớn đã và đang triển khai, cũng như dư địa đất đai khu vực này còn lớn nên sự phát triển của nhiều dự án sẽ còn tiếp tục”, ông Đính nhận định.

Liên quan đến tình trạng sốt đất đang diễn ra tại một số huyện chuẩn bị lên quận như Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, ông Đính cho hay: “Đây chỉ là hiện tượng “nóng” theo hướng một chiều. Các địa phương có quy hoạch, chuyển đổi nông thôn thành đô thị, chắc chắn sẽ làm tăng giá bất động sản nhưng mức tăng chỉ ở ngưỡng phù hợp. Nếu tăng quá mạnh sẽ bất hợp lý. Theo đúng quy luật thị trường, những khu vực đó có thể tăng từ 3 – 5% đối với đất nền và 20 -30% đối với khu vực đông dân cư, đất ở. Nhưng nếu giao dịch chung đều tăng 20 – 30% thì cần phải xem xét lại”.

Cũng như thị trường Hà Nội, từ cuối năm 2018 đến nay, TP.HCM đẩy mạnh việc rà soát lại quá trình giao đất, giao dự án. Bởi vậy, trong giai đoạn này, TP.HCM có rất ít nguồn hàng mới được đưa vào thị trường.

Nguồn cung thấp, dẫn đến lượng giao dịch của thị trường bất động sản giảm mạnh so với quý 4-2018. Tuy nhiên, tỷ lệ hấp thụ sản phẩm dự án mới tương đối cao, đặc biệt là phân khúc căn hộ chung cư trung cấp, với tỷ lệ lên tới 89.7%. Điều này cho thấy nhu cầu và sức mua của thị trường vẫn đang có lực mạnh.

Sức cầu lớn, nhưng nguồn cung hạn chế nên giá bất động sản tại TP.HCM tăng nhẹ ở hầu hết các phân khúc. Theo ghi nhận từ các đơn vị phân phối,giá căn hộ chung cư tăng từ 5-7% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 2-3% so với quý 4-2018. Giá đất nền tăng tăng từ 4-5% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 1-1,5% so với quý 4-2018.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Thị trường bất động sản Hà Nội giảm tốc trong quý I/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.