Thứ sáu, 29/03/2024 12:24 (GMT+7)

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 13/11/2019

MTĐT -  Thứ tư, 13/11/2019 16:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 13/11/2019. Cập nhật Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 13/11/2019.

Phường Hàng Buồm: Xử lý vi phạm trật tự xây dựng... trên giấy?

Theo Reatimes, các con phố tại phường Hàng Buồm nằm trong khu vực bảo vệ tôn tạo cấp 1 của quy hoạch kiến trúc bảo tồn khu phố cổ, Hà Nội. Theo đó, trong khu bảo vệ, tôn tạo cấp 1 cần phải giữ gìn hình ảnh và phong cách các khu phố cổ truyền thống. Các công trình được phép cải tạo, xây dựng mới phải trên cơ sở phục dựng kiến trúc gốc trước năm 1954 (nếu có), hoặc theo không gian và phong cách kiến trúc đặc trưng tiêu biểu của khu phố cổ, tạo thành các dãy công trình thống nhất phong cách. Tuy nhiên, trên hầu hết các con phố thuộc phường hàng Buồm đều đã xuất hiện những công trình cao tầng hiện đại, “nổi bần bật” và nằm xen kẽ giữa các khu nhà cổ kính. Diện mạo các khu phố này nghiễm nhiên trở nên méo mó, lộn xộn.

Điều đáng lo ngại nhất là những công trình sai phạm cũ chưa bị xử lý thì những công trình mới lại mọc lên ngày càng nhiều.

Có thể kể đến công trình số 52 Đào Duy Từ chỉ được cấp phép xây dựng 4 tầng, song chủ đầu tư đã vượt phép xây dựng lên đến 9 tầng gây xôn xao dư luận.

Sau khi báo chí phản ánh, ngày 22/8/2017, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đã ký ban hành Quyết định số 3039/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng. Ngày 4/10/2017, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đã ký Quyết định 3501/QĐ-CC về việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng 52 Đào Duy Từ.

Đến thời điểm hiện tại, đã gần một năm sau khi quyết định cưỡng chế được ban hành, thế nhưng phần vi phạm của công trình này vẫn  chưa bị cưỡng chế, tháo dỡ.

Tại phường Hàng Buồm còn có 8 công trình khác có dấu hiệu xây dựng vượt tầng, vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó, phải kể đến công trình “khủng” đang hoàn thiện thi công tại số 1 Ngõ Gạch.

Tại phố Nguyễn Siêu, công trình tại số 23 - 25 với quy mô 6 tầng, đang chuẩn bị hoàn thện và đưa vào sử dụng làm khách sạn. Bên phía đối diện là công trình tại số 26 cũng xây dựng vượt tầng khi đã đưa vào sử dụng 5 tầng và 1 tum. Tiếp đó, tại phố Hàng Buồm, công trình tại số 33 và 55 cũng vi phạm trật tự xây dựng khi xây vượt tầng so với quy định. Tại số 6 Lương Ngọc Quyến, công trình vi phạm khi xây dựng 5 tầng và mật độ xây dựng 100%...

Bà Rịa – Vũng Tàu duyệt dự án khu nhà liền kề hơn 46.000m2

Dự án xây dựng 228 căn nhà ở, trong đó có 209 căn liền kề, tổng diện tích xây dựng khoảng 19.859m2, 9 căn nhà ở độc lập với tổng diện tích 6.777m2.

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa cho Công ty cổ phần Phú Đức Chính đầu tư dự án Khu nhà ở Tân Phước tại phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ.

Theo phê duyệt, dự án có diện tích 46.197m2, với tổng vốn đầu tư hơn 473 tỷ đồng. Quy mô dân số khoảng 900 người.

Quy mô dự án là đầu tư xây dựng 228 căn nhà ở; trong đó có 209 căn nhà liền kề, tổng diện tích xây dựng khoảng 19.859m2; 19 căn nhà ở độc lập với tổng diện tích xây dựng khoảng 6.777m2.

Tiến độ thực hiện dự án trong thời gian 24 tháng, kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư.

Nhiều quận sai phạm về sử dụng đất công

Đối với quận Bình Thạnh, Thanh tra TPHCM thông báo kết luận về trách nhiệm của chủ tịch UBND quận trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước tại UBND quận (thời kỳ 2017-2018): Trên địa bàn quận có 4 mặt bằng đơn vị thuê đã cải tạo, sửa chữa, thay đổi kiến trúc nhưng chưa có sự đồng ý của Công ty Dịch vụ công ích quận là chưa phù hợp về quản lý, sử dụng tài sản công; có 48 đơn vị còn nợ gần 4,3 tỷ đồng tiền thuê mặt bằng; quận cũng chậm bán đấu giá, thẩm định giá đối với nhà công sản; qua rà soát, phát hiện một số địa chỉ nhà đất khối cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp sử dụng một phần diện tích là trụ sở làm việc, có một phần diện tích cho thuê; nhiều địa chỉ nhà đất chờ bán đấu giá do UBND quận quản lý bị bỏ trống nhiều năm.

Ngoài ra, hiện có 270 khu đất có diện tích nhỏ, lẻ do UBND các phường quản lý nhưng chỉ có 39 khu đất UBND quận đang rà soát và đề xuất phương án quản lý, còn lại 231 khu chưa đề xuất.

Từ kết luận thanh tra, Chủ tịch UBND TPHCM đã chỉ đạo Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh khẩn trương thực hiện các kiến nghị xử lý sau thanh tra, nhất là việc thu hồi và quản lý đất dôi dư sau giải tỏa, đất công chưa được quản lý, sử dụng không đúng mục đích, rà soát đề xuất phương án xử lý các khu đất dôi dư trình UBND TPHCM xem xét, quyết định.

Đối với UBND quận 4, Thanh tra TPHCM kết luận: hiện còn 35 thửa đất công do UBND quận quản lý chưa được đo đạc, sử dụng sai mục đích; một vài thửa đất công có tình trạng bị lấn chiếm; 8 thửa đất do Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ Kênh Tẻ được sử dụng nhưng cho thuê lại là sai mục đích; UBND quận cho phép Công ty Dịch vụ công ích quận 4 cho thuê, khai thác Dự án công viên hồ Khánh Hội không phù hợp với quy hoạch…

Từ kết luận thanh tra, Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo chủ tịch UBND quận 4 tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm đối với các cá nhân có thiếu sót, tồn tại trên; rà soát từng thửa đất công để tham mưu đưa vào sử dụng hợp lý không để xảy ra tình trạng cho thuê đất không đúng thẩm quyền, mục đích; quận phải báo cáo đầy đủ và đề xuất cụ thể với UBND TPHCM và Thường trực Ban Chỉ đạo 167 (Sở Tài chính) xem xét giải quyết đối với việc thực hiện quy hoạch các khu đất thuộc Công viên hồ Khánh Hội; giao Công ty Dịch vụ công ích quận 4 thực hiện quản lý, cho thuê nhà ở, nhà tạm cư và nhà kinh doanh đúng quy định; thu hồi công nợ tồn đọng; thu hồi và quản lý, sử dụng phù hợp các mặt bằng trên khu vực đất Công viên hồ Khánh Hội.

Đối với UBND quận 3, Thanh tra TPHCM kết luận: Công tác cấp phép còn nhiều thiếu sót, không đảm bảo quy trình, quy định chủ yếu về thành phần hồ sơ, cơ sở pháp lý cấp giấy phép… thuộc lĩnh vực quản lý đô thị, an toàn thực phẩm và giáo dục; đặc biệt trong phần cấp phép xây dựng thuộc lĩnh vực quản lý đô thị đã xảy ra các vi phạm như: tăng mật độ xây dựng, tăng tầng cao, không cấp phép xây dựng có thời hạn cho trường hợp đất thuộc quy hoạch, dẫn đến vượt tầng so với quy định, không thông báo cơ quan có thẩm quyền xử phạt.

Từ kết luận nêu trên và kiến nghị của Thanh tra TP, UBND TP chỉ đạo Chủ tịch UBND quận 3 tổ chức kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân lãnh đạo có liên quan đến những thiếu sót trên; xem xét, xử lý đối với các giấy phép thuộc 3 lĩnh vực nêu trên cấp không phù hợp quy định hoặc không đủ điều kiện để cấp phép.

Hà Nội: Quy định tiêu chí 10 điểm ưu tiên cho người mua nhà ở xã hội

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định 25/2019/QĐ-UBND, quy định về quản lý bán, cho thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn. Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/11/2019.

Theo đó, bên cạnh quy định tiêu chí thang 10 điểm ưu tiên, UBND thành phố cũng quy định các điều khoản, trách nhiệm cụ thể đối với chủ đầu tư, chính quyền địa phương nhằm thắt chặt việc quản lý thuê, mua nhà ở xã hội đúng đối tượng.

Cùng với đó, UBND thành phố quyết định thành lập Hội đồng xét duyệt nhà ở xã hội thành phố do Giám đốc Sở Xây dựng là Chủ tịch Hội đồng, các Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Phó Giám đốc Sở Xây dựng. Hội đồng có nhiệm vụ xét duyệt đối tượng được thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thành lập Tổ chuyên viên liên ngành giúp việc để tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ.

Cùng với việc quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo thông tư, nghị định của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành, hướng dẫn, UBND thành phố Hà Nội quy định rõ tiêu chí thang 10 điểm ưu tiên.

Trong đó, người được khen thưởng Huân chương cao quý của Nhà nước, thân nhân liệt sĩ, Công dân Thủ đô ưu tú đạt thang điểm cao nhất (10 điểm).

Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, vận động viên, văn nghệ sĩ đoạt Huy chương vàng hoặc giải Nhất tại các cuộc thi khu vực hoặc thế giới, công nhân có tay nghề bậc cao nhất của ngành được xét 8 điểm. Người thuộc hộ nghèo, cận nghèo có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội được xét 6 điểm; người được nhận Bằng khen của UBND thành phố, danh hiệu "Người tốt, việc tốt"... được xét 2 điểm.

Điểm đáng chú ý tại Quyết định này nhằm thắt chặt quản lý việc bán, thuê, thuê mua nhà ở xã hội đúng đối tượng, UBND thành phố quy định, sau khi ký hợp đồng theo quy định, chủ đầu tư có trách nhiệm lập đầy đủ danh sách các hộ gia đình, cá nhân đã ký hợp đồng tại dự án, có dán ảnh các thành viên trong hộ gia đình.

Yên Bái sơ tuyển dự án kinh doanh nhà ở 263 tỷ đồng

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái vừa cho biết, từ ngày 13/11 đến 13/12/2019 sẽ phát hành hồ sơ mời sơ tuyển Dự án Đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở (chỉnh trang đô thị) tại tổ 39, phường Yên Ninh, TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái (quỹ đất ngã ba đường Bảo Lương).

Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng diện tích 4,44 ha; tổng chi phí thực hiện dự kiến là 263 tỷ đồng. Hình thức sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện dự án là rộng rãi quốc tế. Mục tiêu của Dự án là đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, góp phần vào sự phát triển đô thị hiện đại đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội...

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 13/11/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.

Tin mới