Thứ tư, 17/04/2024 04:07 (GMT+7)

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 13/9/2019

MTĐT -  Thứ sáu, 13/09/2019 10:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 13/9/2019. Cập nhật Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 13/9/2019.

Hà Nam lựa chọn nhà đầu tư dự án khu thương mại 120 tỷ đồng

Ban Quản lý phát triển khu đô thị mới tỉnh Hà Nam vừa cho biết, từ ngày 18/9 - 18/11/2019 sẽ phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu thương mại, dịch vụ và nhà ở Thành Đạt tại xã Liêm Tuyền, xã Liêm Tiết, TP. Phủ Lý.

Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng diện tích 87.092 m2; tổng chi phí thực hiện dự kiến 120 tỷ đồng; thời gian thực hiện hợp đồng là 24 tháng. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu rộng rãi. Địa điểm phát hành HSMT là tầng 4 Trung tâm Hành chính công tỉnh Hà Nam, số 7 đường Trần Phú, phường Quang Trung, TP. Phủ Lý.

Mục tiêu của Dự án là từng bước cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng TP. Phủ Lý đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch phân khu khu trung tâm y tế chất lượng cao vùng; góp phần kết nối tuyến Phủ Lý - Mỹ Lộc với tuyến chính đô thị phía Tây, giải quyết nhu cầu đi lại của người dân trong vùng, tăng hiệu quả sử dụng đất của khu vực.

Hàng trăm trường hợp mua nhà ở xã hội ở Đà Nẵng chưa được cấp sổ

Tại thành phố Đà Nẵng, cả trăm trường hợp mua nhà từ dự án nhà ở xã hội nhiều năm nay vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà

Sự việc kéo dài ảnh hưởng đến quyền lợi của những hộ mua nhà. Cuối năm 2018, Thanh tra Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng tiến hành thanh tra Dự án Nhà ở xã hội Khu dân cư Mân Thái, quận Sơn Trà (Nhà ở xã hội Nest Home) do Công ty TNHH kinh doanh Đầu tư và Xây dựng Phú Mỹ làm chủ đầu tư.

Qua thanh tra phát hiện, chủ đầu tư còn thiếu sót trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về xác định giá bán nhà ở xã hội; việc tiếp nhận hồ sơ, xét duyệt một số đối tượng mua nhà ở xã hội chưa đúng quy định. Nhiều trường hợp người mua căn hộ chung cư chưa được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà nhưng đã cho thuê nhà không đúng quy định. Những sai phạm này dẫn đến 135 trường hợp mua nhà ở xã hội tại dự án này đều chưa được cấp “sổ đỏ”. Có người mua đã nộp đủ tiền từ 6 năm trước, đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận.

Ông Đỗ Xuân Tiến, người mua căn hộ tại Dự án Nhà ở xã hội Khu dân cư Mân Thái phàn nàn, năm 2013 khi hợp đồng mua nhà, chủ đầu tư cam kết sau một năm sẽ bàn giao sổ nhưng đến nay vẫn chưa nhận được: “Hiện nay, thủ tục chúng tôi đã đầy đủ, tuy nhiên không hiểu tại sao đến nay vẫn chưa có sổ. Tôi nhiều lần khiếu nại và hỏi chủ đầu tư nhưng nhà đầu tư không có câu trả lời xác đáng, lúc nào cũng chỉ trả lời sẽ có, sắp có. Ban Quản trị chung cư cũng đã có đơn kiến nghị gửi Sở Xây dựng nhưng cũng nhận được phản hồi là đang xem xét lại”.

Thời gian qua, người dân mua nhà tại Dự án Nhà ở xã hội Khu dân cư Mân Thái đã nhiều lần gửi đơn đến HĐNDvà UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị xem xét cấp GCN quyền sử dụng nhà ở cho những trường hợp này. Ông Nguyễn Thanh Long, Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết, trước đây khi thực hiện dự án, UBND thành phố thống nhất cho chủ đầu tư được bán trước, sau đó mới lập danh sách báo cáo UBND thành phố. Chính việc làm ngược qui trình đã dẫn đến 135 trường hợp bị treo sổ đỏ kéo dài. Vừa rồi, Thanh tra Sở Xây dựng đã tiến hành thanh tra, làm rõ những sai phạm của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan.

Indonesia muốn cho thuê đất công lấy tiền xây thủ đô mới

Chính phủ Indonesia hy vọng chủ trương này sẽ giúp tạo ra ngân khoản chiếm phần lớn số vốn 466 ngàn tỷ rupiah (33 tỷ USD) xây dựng thủ đô mới ở tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo (thủ đô cũ nằm trên đảo Java, một trong các đảo chính của Indonesia).

Chính phủ hiện sở hữu hơn 17.800 bất động sản ở khu vực Jakarta, theo số liệu của Bộ Tài chính. Với chủ trương cho thuê đất và nhà sở hữu nhà nước, chính phủ Indonesia hy vọng sẽ trang trải được khoảng 1/3 chi phí xây thủ đô mới.

Các kế hoạch tạo vốn khác bên cạnh việc cho thuê nhà đất công sản gồm: một chương trình trao đổi, theo đó một công ty tư nhân có thể được giao một bất động sản, ví dụ một tòa nhà bộ ngành nào đó ở Jakarta và công ty này phải xây một khu nhà tương tự cho chính phủ ở thủ đô mới; một kế hoạch BOT, theo đó một công ty bỏ tiền xây dựng một khu nhà ở thủ đô mới và đổi lại được quyền vận hành nó trong một thời gian nhất định; vay tiền ngân hàng sử dụng tài sản công làm thế chấp; các công ty nhà nước hoặc cơ quan chính phủ thành lập các liên doanh nhằm vận hành các cơ sở hạ tầng ở thủ đô mới để chia sẻ chi phí xây dựng; bán tài sản công ở Jakarta cho tư nhân.

Chính phủ Indonesia đang chờ quốc hội thông qua dự án và hoàn tất khung pháp lý cho việc dời đô trong năm nay, và kế hoạch tổng thể sẽ được chốt lại trong năm 2020. Việc di dời thực tế sẽ diễn ra từ năm 2024.

Trong khi đó, các chính quyền ở miền Trung và thủ đô Jakarta đã được lên kế hoạch chi ra 571 ngàn tỷ rupiah để chỉnh trang thủ đô hiện tại. Tổng thống Joko Widodo nói hồi tháng 8 rằng Jakarta “vẫn là một ưu tiên phát triển và tiếp tục được phát triển như một trung tâm thương mại, tài chính, trung tâm dịch vụ quy mô khu vực”.

Nói với báo chí địa phương hồi tháng trước, thống đốc Jakarta Anies Baswedan cho biết kế hoạch gây quỹ đã được Bộ Tài chính Indonesia chốt.

Biên Hòa triển khai hàng loạt khu tái định cư

Theo UBND TP.Biên Hòa, nhu cầu để bố trí tái định cư cho người dân liên quan đến các dự án của thành phố lên đến hơn 2 ngàn lô, trong đó chỉ riêng các dự án trọng điểm đã chiếm trên 1.800 lô.

Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho biết, thành phố đang ưu tiên dồn lực xây dựng các khu tái định cư cho những dự án trọng điểm khởi công trong năm 2020. Việc bố trí tái định cư rất quan trọng và ở nhiều dự án sẽ quyết định tiến độ nhanh hay chậm nên thành phố phải thực hiện theo phương án ưu tiên trước các hạng mục khác.

Các dự án cần tái định cư sớm là: dự án trục đường trung tâm thành phố, dự án đường ven sông Cái, dự án hương lộ 2 giai đoạn 1 và dự án đường ven sông Đồng Nai. Theo phương án của thành phố, địa điểm bố trí tái định cư cho các hộ dân nằm trong diện giải tỏa của 4 dự này sẽ được chia nhỏ ra ở các phường: Thống Nhất, Tân Mai, Bình Đa, Tam Hiệp, Hiệp Hòa, Bửu Long và xã Long Hưng.

Lãnh đạo UBND TP.Biên Hòa cho hay, vừa qua thành phố đã báo cáo các phương án về tái định cư cụ thể cho UBND tỉnh. Cũng theo ông Phạm Anh Dũng, có những khu tái định cư không chỉ đơn thuần là bố trí chỗ ở cho dân mà còn có mục đích chỉnh trang đô thị nên các bước thực hiện khá phức tạp, cần tập trung giải quyết sớm.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 13/9/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.