Thứ tư, 24/04/2024 01:15 (GMT+7)

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 16/11/2019

MTĐT -  Thứ bảy, 16/11/2019 09:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 16/11/2019. Cập nhật Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 16/11/2019.

Thêm 3 dự án nhà ở vùng ven TP.HCM được phép “bán nhà trên giấy”

Ngày 14/11, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, đơn vị này vừa công bố thêm 3 dự án đủ điều kiện được bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Các dự án này đều nằm ở khu vực vùng ven thành phố như quận 12 và huyện Bình Chánh.

Cả 3 dự án này đều chưa thế chấp và được ngân hàng cam kết bảo lãnh. Tổng số sản phẩm nhà ở đủ điều kiện huy động vốn tại 3 dự án là 1.547 căn

Cụ thể là 32 căn nhà ở liền kề tại dự án Khu nhà ở Thiên Nam (phường Tân Thới Nhất, quận 12) do Công ty TNHH Thương mại Dệt Thiên Nam làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án này là 167 tỷ đồng, chủ đầu tư được huy động vốn 117 tỷ đồng.

Sở Xây dựng TP.HCM vừa công bố thêm 3 dự án được phép “bán nhà trên giấy” ở vùng ven.

1.115/1.310 căn hộ chung cư tại dự án Khu nhà ở thuộc Khu định cư số 4 (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) do Công ty TNHH MTV Đầu tư kinh doanh nhà Khang Phúc làm chủ đầu tư. Dự án này có mức đầu tư 2.298 tỷ đồng, được huy động vốn 1.608 tỷ đồng.

400/440 căn hộ thuộc dự án Chung cư CC7 tại Khu dân cư lô số 8 – Khu 6B – Khu chức năng số 6 – Đô thị mới Nam Thành phố (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) của Công ty CP Đầu tư Địa ốc Khang Nam. Tổng mức đầu tư dự án này là 977 tỷ đồng, chủ đầu tư được phép huy động vốn 684 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 15/10/2019 Sở Xây dựng TP.HCM cũng đã công bố danh sách 18 dự án đủ điều kiện bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai trên địa bàn. Việc công khai này nhằm cung cấp thông tin pháp lý các dự án đủ điều kiện cho người dân trước khi giao dịch.

Để tăng cường sự tương tác với người dân, thời gian tới Sở Xây dựng TP.HCM sẽ ra mắt ứng dụng “Sở Xây dựng 24/7”. Trên ứng dụng này sẽ liên tục cập nhật các dự án nhà ở đủ điều kiện kinh doanh, danh sách nhà ở xã hội trên địa bàn cho người dân được biết.

Thừa Thiên – Huế xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường vụ hàng chục lô đất bị cấp trái thẩm quyền tại xã Lộc An

Liên quan đến vụ việc hàng chục lô đất được cấp trái thẩm quyền theo diện "đóng tiền xây dựng quê hương" tại xã Lộc An (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế) mà báo Dân Sinh đã nhiều lần phản ánh, hiện nay, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã thống nhất trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xin chủ trương xử lý.

Cụ thể, ông Nguyễn Đình Bách, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã có báo cáo số 171/BC-STNMT-TTr về vấn đề nói trên. Theo nội dung báo cáo, sau khi rà soát, UBND huyện Phú Lộc cho biết có tất cả 76 lô đất xin cấp giấy chứng nhận trong báo cáo đều không đủ căn cứ để cấp cho người dân vì đất được giao không đúng thẩm quyền, không có hồ sơ giao nhận đất.

Về phương hướng giải quyết, có 16 trường hợp được UBND xã xét giao đất không đúng thẩm quyền trước ngày 1/7/2004 sẽ được xử lý theo quy định tại Khoản 19 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Tức sẽ được thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Thừa Thiên - Huế thống nhất xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường phương hướng xử lý đối với những lô đất được cấp trái thẩm quyền nhưng chưa xây dựng nhà ở

60 trường hợp được UBND xã xét giao đất không đúng thẩm quyền sau ngày 1/7/2004 đến trước 1/7/2014 (trong đó, 6 trường hợp không có hộ khẩu thường trú tại địa phương, 12 trường hợp đã có nhà ở tại vị trí khác tại địa phương, 42 trường hợp chưa có nhà ở nào khác tại địa phương), có 2 trường hợp giải quyết.

Cụ thể, đối với 7 trường hợp đã xây dựng nhà ở sử dụng ổn định, sẽ được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Đối với các trường hợp còn lại chưa xây dựng nhà, Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên – Huế kiến nghị UBND tỉnh xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn về trình tự thủ tục giao đất ở cho hộ gia đình cá nhân không qua hình thức đấu giá để vận dụng theo Điều 118 Luật Đất đai năm 2013.

Từ báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, ngày 13/11/2019, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành Công văn số 8538/UBND-ĐC.

Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế thống nhất phương án giải quyết theo báo cáo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế giao UBND huyện Phú Lộc căn cứ Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường để xem xét giải quyết theo thẩm quyền đối với 16 trường hợp được UBND xã xét giao đất không đúng thẩm quyền trước ngày 1/7/2004 và 7 trường hợp được UBND xã xét giao đất không đúng thẩm quyền trong giai đoạn từ ngày 1/7/2004 đến trước ngày 1/7/2014 nhưng đã xây dựng nhà ở và sử dụng ổn định.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh văn bản báo cáo và xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp chưa xây dựng nhà ở còn lại.

Cũng liên quan đến vụ việc, theo UBND huyện Phú Lộc, việc giao đất ở Lộc An chủ yếu là do lãnh đạo UBND xã qua các thời kỳ không thực hiện đúng các quy định hiện hành.

Quan điểm xử lý của huyện là sẽ làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với người giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật và sẽ không để người dân chịu thiệt thòi.

Xin lùi thời gian thực hiện dự án cư xá Thanh Đa

Ngày 15/11, Sở Xây dựng TP.HCM nêu ra những vướng mắc trong việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng 8 cụm chung cư tại cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh).

Theo yêu cầu của UBND TP.HCM, Công ty cổ phần phát triển nhà Thanh Đa cần hoàn tất thủ tục đầu tư dự án trước năm 2020, nếu không sẽ bị thu hồi chủ trương thực hiện.

Tuy nhiên, Sở Xây dựng cho biết thời hạn trên là khó khả thi. Hiện, Công ty cổ phần phát triển nhà Thanh Đa đã lập đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng chưa được phê duyệt, nên các thủ tục chấp thuận đầu tư dự án chưa hoàn tất.

Một góc khu cư xá Thanh Đa với nhiều căn hộ được cơi nới thêm không gian phía ngoài. Ảnh: Lê Quân.

Nguyên nhân là trước đây UBND quận Bình Thạnh kêu gọi đầu tư theo các chỉ tiêu quy hoạch khác với nội dung đồ án quy hoạch phân khu 1/2000, nên cần điều chỉnh lại quy hoạch cục bộ.

Từ đó, Sở Xây dựng cho rằng dự án triển khai chậm là do khách quan và đề xuất UBND TP.HCM lùi thời hạn hoàn chỉnh thủ tục chấp thuận đầu tư đến tháng 6/2020.

Trước đó, sau khi được chấp thuận cho làm chủ đầu tư dự án xây dựng 8 chung cư tại khu cư xá Thanh Đa, Công ty phát triển nhà Thanh Đa đã phối hợp cùng UBND quận Bình Thạnh rà soát số người dân chịu ảnh hưởng để lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Công ty này cũng nộp vào tài khoản của Ban Bồi thường, Giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh hơn 122 tỷ đồng.

Vào ngày 11/9, UBND quận Bình Thạnh đã báo cáo UBND TP.HCM về nguyên nhân chậm trễ của dự án cải tạo khu cư xá Thanh Đa là do thủ tục đầu tư xây dựng chưa thống nhất.

Xung quanh khiếu nại liên quan đến gói thầu 307 triệu USD

Theo ông Hoan, để chọn nhà thầu thực hiện hạng mục trên, tháng 3-2017 Ban quản lý đầu tư dự án vệ sinh môi trường thành phố đã chọn ra 7 hồ sơ đạt yêu cầu. Quá trình xét tuyển đấu thầu chỉ còn 5 liên danh đạt tiêu chuẩn tham gia dự thầu. Sau hai năm xem xét, ngày 7-3-2019 Liên doanh Acciona - Vincy, liên doanh giữa DN của Tây Ban Nha và Pháp đã được duyệt trúng thầu dù giá cao hơn 14,7 triệu USD so với nhà thầu có giá thấp nhất là Liên doanh Samsung - Kolon - TSK.

Không chấp nhận kết quả này, liên doanh Samsung - Kolon - TSK đã nhiều lần gửi kiến nghị đến Bộ Công an và nhiều cơ quan khác với lý do đã có dấu hiệu không minh bạch khi tổ chức đấu thầu. Cùng lúc, một liên doanh khác là Suez - Posco cũng gửi kiến nghị đến Chính phủ vì cho rằng hồ sơ dự thầu của họ không được đánh giá khách quan dựa trên các yếu tố kỹ thuật, kinh tế.

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết, khi xem xét lại toàn bộ việc khiếu nại của 2 liên doanh trên, UBND thành phố nhận thấy nội dung thắc mắc, khiếu nại của các liên danh gắn liền với quá trình đấu thầu, từ khi làm hồ sơ mời thầu cho đến tổ chức chấm thầu, công bố, kết luận nhà thầu. Nhưng toàn bộ quá trình này đều có sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Thế giới (WB) - tổ chức tài trợ vốn cho dự án.

Những nội dung thắc mắc, khiếu nại của các liên doanh trên cũng đã được WB phản hồi. Trong các văn bản phản hồi này, WB cho rằng những thắc mắc, đề xuất của các liên doanh là không có căn cứ và bản thân các liên danh trên đã vi phạm trong quá trình đấu thầu.

Theo Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan, với dự án quan trọng này và với sự giám sát chặt chẽ của WB thì chưa chắc việc bỏ thầu thấp hơn đã đạt yêu cầu. Hiện gói thầu vẫn chưa thể triển khai dù đã có kết luận thầu, đã ký hợp đồng và WB cũng đã hối thúc thành phố phải triển khai ngay gói thầu. Song theo quy định pháp luật, khiếu nại phải được giải quyết trước khi thực hiện gói thầu.

Hiện UBND thành phố cũng đã gửi văn bản tham khảo ý kiến các cơ quan Trung ương, Chính phủ về vấn đề này nên còn phải chờ thông tin phản hồi mới có thể triển khai.

Ông Hoan khẳng định, khiếu nại của các liên doanh cũng đã được giám sát, giải quyết chặt chẽ và có sự trả lời rất cụ thể của WB. Thành phố cũng đã mời Bộ Công an, Bộ Kế hoạch - Đầu tư…vào cuộc để làm rõ sự việc.

Hà Nội có thể chi hơn 4.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp

Hà Nội hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích khoảng 1.330 ha. Tuy nhiên, theo nhận định chung, phần lớn các cụm công nghiệp của Hà Nội hiện chưa có hạ tầng đồng bộ. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, an toàn lao động cũng như các vấn đề liên quan đến môi trường.

Hà Nội hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 1.330 ha

Cụ thể, 17 cụm công nghiệp nằm xen lẫn trong khu dân cư nên không có quy hoạch hạ tầng giao thông riêng; 27 cụm công nghiệp chưa có hệ thống thoát nước mưa và nước thải riêng; 44 cụm công nghiệp chưa đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung; 59 cụm công nghiệp chưa có bãi tập kết, phân loại chất thải rắn. Đáng lo ngại nhất là hầu hết cụm công nghiệp chưa được đầu tư hệ thống phòng cháy, chữa cháy theo quy định...

Trước thực tế này, mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Công văn 4517/UBND-KT về "Tăng cường công tác quản lý các cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố”, yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý các cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Thành phố. Công văn này cũng yêu cầu Sở Công thương nghiên cứu, hoàn thiện, báo cáo UBND Thành phố ban hành “Quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố” làm cơ sở cho việc triển khai công tác quản lý các cụm công nghiệp.

Đáng chú ý, Sở Công thương đang xây dựng dự thảo, tham mưu UBND Thành phố phê duyệt "Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2020-2023" với tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 4.075,3 tỷ đồng.

Nguồn kinh phí trên sẽ hỗ trợ kinh phí hoàn thiện hạ tầng (hệ thống xử lý nước thải, bãi tập kết chất thải rắn, hệ thống giao thông nội bộ, tường rào cụm công nghiệp, nhà điều hành…) cho 56 cụm công nghiệp do Ban quản lý dự án cấp huyện làm chủ đầu tư (khoảng 1.562,7 tỷ đồng). Đồng thời, hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp là chủ đầu tư các cụm công nghiệp thành lập mới thuộc địa bàn các huyện khó thu hút đầu tư như Ba Vì, Mỹ Đức...

Sở Công thương cũng đang gấp rút nghiên cứu, hoàn thiện, trong quý IV/2019 báo cáo UBND Thành phố ban hành "Quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội" giữa các ngành: Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch kiến trúc, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường..., làm cơ sở cho việc tăng cường công tác quản lý các cụm công nghiệp của Thủ đô.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 16/11/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới