Thứ năm, 25/04/2024 15:23 (GMT+7)

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 24/8/2019

MTĐT -  Thứ bảy, 24/08/2019 11:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 24/8/2019. Cập nhật Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 24/8/2019.

Mở rộng điều tra, làm rõ sai phạm của Công ty Alibaba

Công an tỉnh Đồng Nai hiện có danh sách khoảng 600 khách hàng ở Đồng Nai đã mua phải đất nền dự án “ma” của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba. Dự kiến, trong những ngày tới, Công an tỉnh sẽ mời các khách hàng này lên hỗ trợ thông tin để làm rõ những sai phạm của Alibaba.

Mới đây, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Bộ Công an điều tra làm rõ những sai phạm của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba như báo chí đã phản ánh trong thời gian qua. Sau đó, tiến hành xử lý nghiêm các sai phạm của công ty này theo đúng quy định của pháp luật và trong tháng tới, phải báo cáo kết quả với Thủ tướng Chính phủ.

Theo Công an tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đã rao bán 29 dự án “ma” tại Đồng Nai. Trong đó, gồm 27 dự án tại huyện Long Thành, 1 dự án ở huyện Xuân Lộc và 1 dự án ở huyện Nhơn Trạch.

UBND tỉnh đã nhiều lần công bố Đồng Nai chưa cấp phép bất kỳ dự án khu dân cư nào cho Alibaba, nhưng công ty này vẫn ngang nhiên rao bán đất nền “ảo” trên website https://tapdoandiaocalibaba.com.

Đến ngày 22/8 vừa qua, Alibaba thách thức cả cơ quan chức năng lẫn dư luận bằng cách tiếp tục quảng bá để bán hàng loạt dự án đất nền không có thực tại Đồng Nai trên website của mình như: Ali Aqua Nhơn Trạch, Alibaba Long Phước, Alibaba Long Thành, Alibaba Phước Thái Capital, Alibaba Long Phước 14, 15, 16...

Đại diện Công an tỉnh cho biết, đến thời điểm này, ngành Công an tổng hợp được danh sách 600 khách hàng cư ngụ tại Đồng Nai đã mua sản phẩm đất nền ở những dự án khu dân cư, khu đô thị “ma” của Alibaba. Dự kiến tới đây, Công an tỉnh sẽ làm việc với những người dân trên để thu thập thêm thông tin nhằm làm rõ vi phạm của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba.

Không chỉ riêng Đồng Nai, Công an TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận cũng đang tiến hành thu thập thông tin các khách hàng đã mua phải đất nền khống của Alibaba để truy rõ những vi phạm nhằm xử lý nghiêm. Bộ Công an cũng đang vào cuộc điều tra vụ việc của Alibaba

Theo Chi cục Thuế huyện Long Thành, vừa qua, Bộ Công an có làm việc với chi cục để thu thập thêm thông tin về 10 doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn huyện Long Thành có dấu hiệu liên quan đến Công ty cổ phần địa ốc Alibaba. Qua rà soát, Chi cục Thuế huyện Long Thành phát hiện 10 doanh nghiệp này đều có địa chỉ nhận thông báo thuế ở số 120-122 đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh). Địa chỉ trên là trụ sở hoạt động của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba. Chi cục đã báo Cục Thuế Đồng Nai, công an để điều tra làm rõ.

Ông Nguyễn Tấn Lợi, Phó cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai cho biết: “Cục Thuế đã phối hợp kiểm tra thì những công ty trên 2 năm nay không có doanh thu. Trong đó, có nhiều nghi vấn với Alibaba nên đã cung cấp thông tin cho Bộ Công an, Công an tỉnh. Ngoài ra, còn có 7 công ty bất động sản cùng đăng ký địa chỉ tại văn phòng xây dựng trái phép của Alibaba ở xã Long Phước (huyện Long Thành), trong đó có 6 doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh”.

Đồng Nai đấu giá đất 'vàng' gần sân bay Long Thành thu về hơn 3.000 tỷ đồng

Ngày 23/8, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức đấu giá thành công khu đất hơn 92 ha gần dự án sân bay Long Thành, tại xã Long Đức, huyện Long Thành, thu về số tiền 3.060 tỷ đồng.

Khu đất tỉnh Đồng Nai tổ chức đấu giá nằm gần trục đường liên xã Long Đức – Lộc An được quy hoạch đất ở. Khu đất này trước đây do Tổng Công ty cao su Đồng Nai quản lý, sử dụng, sau đó được tỉnh Đồng Nai thu hồi.

Tham gia đấu giá khu đất trên có 6 doanh nghiệp với giá khởi điểm 1.646 tỷ đồng. Qua 3 vòng đấu giá, Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An (có trụ sở tại tỉnh Bình Dương) đã trúng đấu giá khu đất hơn 92 ha trên với giá 3.060 tỷ đồng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu công ty trúng đấu giá khu đất nộp đủ số tiền cho nhà nước theo quy định; triển khai dự án đúng quy hoạch và đảm bảo thời gian. Đồng thời, các cơ quan chức năng Đồng Nai khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giao cho đơn vị trúng đấu giá.

Dự kiến khu đất trên sẽ triển khai xây dựng dự án khu dân cư, chung cư cao tầng, trường học và các công trình khác với tổng mức đầu tư trên 4.000 tỷ đồng.

Ngoài bán đấu giá khu đất trên, ngày 19/7 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã đấu giá thành công khu đất 50 ha gần dự án sân bay Long Thành thu về số tiền 1.270 tỷ đồng.

Năm 2019 Đồng Nai phê duyệt kế hoạch đấu giá 39 thửa đất “vàng” tại 6 huyện, thành phố trên địa bàn với diện tích khoảng 300 ha. Dự kiến, số tiền thu về từ đấu giá những khu đất này hàng nghìn tỷ đồng.

Đến thời của bất động sản Tây Nam Bộ

Miền Tây Nam Bộ bao gồm 13 tỉnh thành, là một bộ phận thuộc châu thổ sông Mê Kông. Đây là lợi thế rất lớn để Tây Nam Bộ có thể cùng lúc khai thác nhiều loại hình du lịch khác nhau như du lịch sinh thái miệt vườn, sông nước; biển đảo; nông nghiệp cộng đồng, du lịch tâm linh…

Trước tiềm năng vốn có, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long đã từng bước tạo nên kết quả ấn tượng của năm 2018 khi ghi nhận sự bứt phá về lượng du khách tham quan nơi đây, với những điểm sáng như An Giang (8,5 triệu lượt), Cần Thơ (hơn 8,4 triệu lượt), Kiên Giang (7,7 triệu lượt), Đồng Tháp (3,6 triệu lượt).

Những con số này thậm chí còn vượt trội so với một số tỉnh có du lịch phát triển bậc nhất cả nước như Đà Nẵng (7,6 triệu lượt), Khánh Hòa (6,3 triệu lượt), Quảng Nam (6,5 triệu lượt)…

Bên cạnh đó, Tây Nam Bộ cũng được tập trung đầu tư phát triển hạ tầng với loạt công trình giao thông được cải tạo và xây mới, góp phần tạo ra kết nối thuận lợi giữa các tỉnh thành trong nội vùng cũng như với các khu vực khác trên cả nước.

Đơn cử như sự xuất hiện của hàng loạt cây cầu khơi thông kinh tế cho các tỉnh như cầu: Cần Thơ, Cao Lãnh, Vàm Cống, Hàm Luông… Tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận; tàu sắt cao tốc TP.HCM – Cần Thơ sắp khởi công; nâng cấp quốc lộ Nam Sông Hậu… cùng sự mở rộng sân bay, bến cảng đã từng bước thay đổi bộ mặt đô thị nơi đây.

Từ những chuyển biến tích cực về lượng khách tham quan và giao thông thuận lợi đã tạo điều kiện để nâng cao thu nhập và mức sống của người dân. Theo đà tăng trưởng này, nhu cầu về bất động sản phục vụ cho cư trú, nghỉ dưỡng, mua sắm, vui chơi giải trí của người dân cũng gia tăng cả về lượng và chất.

Đáng chú ý, Tây Nam Bộ còn là vùng có điểm số trung bình PCI cao nhất cả nước liên tục từ năm 2014 trở lại đây. Thậm chí, so với “hàng xóm” Đông Nam Bộ, nơi có FDI cao và thị trường bất động sản sôi động bậc nhất cả nước thì Tây Nam Bộ cũng vượt trội về thứ hạng cạnh tranh.

Cụ thể, năm 2018, trong khi Tây Nam Bộ có 3 tỉnh nằm trong top 5 PCI cả nước là Đồng Tháp, Long An và Bến Tre thì Đông Nam Bộ chỉ có duy nhất Bình Dương đứng thứ 6.

Nhờ sự cộng hưởng của tất cả các yếu tố này, cùng với quỹ đất “sạch” còn khá lớn và mặt bằng giá thấp, Tây Nam Bộ đã trở thành một vùng đất đầy sức hút với các nhà phát triển địa ốc.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 24/8/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới

Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.