Thứ ba, 23/04/2024 13:10 (GMT+7)

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 2/6/2019

MTĐT -  Chủ nhật, 02/06/2019 11:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 2/6/2019. Cập nhật Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 2/6/2019.

Bình Dương: 11 dự án bất động sản chậm triển khai bị thu hồi chủ trương đầu tư

UBND tỉnh Bình Dương vừa công bố danh sách 11 dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh bị thu hồi chủ trương đầu tư do chậm tiến độ hoặc do chủ đầu tư năng lực yếu kém, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho khách hàng.

Theo thống kê, hiện tại trên địa bàn tỉnh Bình Dương có tất cả 381 dự án phát triển nhà ở đã và đang đầu tư xây dựng. Trong đó, có 109 dự án tập trung tại thị xã Dĩ An, 96 dự án nằm trên địa bàn thị xã Thuận An, 50 dự án được triển khai tại TP Thủ Dầu Một và 2 dự án có quy mô trên 58,1ha tại huyện Dầu Tiếng. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2019, UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương đầu tư cho 17 dự án đầu tư phát triển nhà ở.
Trong đợt thu hồi lần này, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, danh sách 11 dự án bị “khai tử” được cập nhật từ năm 2017 đến ngày 24/5/2019.

Danh sách công ty.

Cụ thể, những dự án bị thu hồi chủ trương đầu tư gồm: Dự án Khu dân cư thu nhập thấp Hòa Lân (phường Thuận Giao, thị xã Thuận An) do Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Roma Bình Dương làm chủ đầu tư; dự án Khu chung cư Trường Lâm (phường Bình An, thị xã Dĩ An) do Công ty TNHH SX và TM Trường Lâm làm chủ đầu tư; dự án Khu nhà ở cán bộ - công nhân viên (phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An) của Công ty TNHH Thương mại xây dựng công nghiệp Nhật Hoa; Dự án Khu cân hộ S-Home – Bình Dương (phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An) của Công ty TNHH Đông Dương; dự án Khu thương mại và dịch vụ dân cư (phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một) do Công ty CP BĐS U&I làm chủ đầu tư; dự án Khu đô thị - thương mại – dịch vụ Phước Lộc Thọ (phường Hòa Lợi, Thị xã Bến Cát) do Công ty CP Thương mại Đá Đỏ làm chủ đầu tư; Dự án Khu nhà ở cán bộ - công nhân viên (phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên) của Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Môi trường Việt Xanh; dự án Khu nhà ở Quỳnh Tiên (phường Bình An, thị xã Dĩ An) của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và đầu tư xây dựng Quỳnh Tiên; Dự án Khu đô thị Hill Land 19 (phường Bình Khánh, thị xã Tân Uyên) của công ty TNHH Đầu tư thương mại dịch vụ Phương Thành Công; dự án Khu nhà ở thương mại An Thành (phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên) của Công ty TNHH MTV Xây dựng BĐS An Thành; dự án phát triển nhà ở độc lập (nhà ở xã hội; phường Tân Bình, thị xã Dĩ An) của Doanh nghiệp tư nhân Liên Châu.

Được biết trước đó, năm 2018, tỉnh này thu hồi 4 dự án tại Thủ Dầu Một, Thuận An, Bến Cát và Tân Uyên; 3 dự án tại Thuận An và Dĩ An bị thu hồi trong năm 2017.

Dự án khu nhà ở hơn 311 tỷ tại Hà Nam: Cuộc đấu giữa 2 DN địa phương

Ban Quản lý phát triển khu đô thị mới tỉnh Hà Nam vừa cho biết, ngày 6/8 tới, Ban sẽ mở thầu Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở phía Tây tuyến đường 68m đoạn từ Km0+500 đến Km1+200 thuộc địa bàn huyện Duy Tiên để lựa chọn nhà đầu tư.

Tham gia đấu thầu dự án này có 2 nhà đầu tư đã trúng sơ tuyển, gồm: Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Đông (Công ty Trung Đông) và Công ty TNHH Xây dựng Phúc Thành (Công ty Phúc Thành).

Dự án có tổng chi phí thực hiện là hơn 311,552 tỷ đồng, quy mô sử dụng đất của là 114.602,8 m2. Nhà đầu tư trúng thầu sẽ thực hiện Dự án trong 24 tháng, kể từ ngày bàn giao mặt bằng.

Hai nhà đầu tư nêu trên đều là doanh nghiệp tại tỉnh Hà Nam, từng là nhà thầu và mới chuyển sang làm nhà đầu tư. Trong đó, Công ty Phúc Thành có trụ sở chính tại thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân. Công ty Trung Đông có địa chỉ tại thành phố Phủ Lý.

Với tư cách nhà thầu, Công ty Trung Đông từng được công bố trúng 5 gói thầu và hầu hết nằm trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Trong đó, quy mô lớn nhất có 2 gói thầu xây lắp nền đường thuộc Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu Đại học Nam Cao, trúng thầu năm 2016 và 2018 thông qua đấu thầu rộng rãi, với giá trúng thầu lần lượt là 35,5 tỷ đồng và 41,895 tỷ đồng. Một số gói thầu xây lắp khác, Trung Đông trúng thầu theo hình thức chỉ định thầu và chào hàng cạnh tranh.

Với tư cách nhà thầu, Công ty Phúc Thành từng được công bố trúng 35 gói thầu, đều thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Về quy mô, đa số là các gói thầu xây lắp dưới 10 tỷ đồng.

Với tư cách nhà đầu tư, trong khi Công ty Phúc Thành ít xuất hiện ở các dự án thì Công ty Trung Đông đã trúng một số dự án. Cụ thể, vào đầu năm 2017, Công ty được chọn làm nhà đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng Tổ hợp thương mại dịch vụ tổng hợp hiện đại, với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ 7.306,4m2 và tổng chi phí thực hiện là 170 tỷ đồng (liên danh với Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà). Thời hạn hoàn thành dự án này là quý IV năm 2019.

Cũng trong năm 2017, Công ty Trung Đông được trao thầu tiếp Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu nhà ở Trung Đông tại xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng (giai đoạn 1) gần 174 tỷ đồng. Dự án này cũng phải hoàn tất trong năm nay.

Ngoài ra, Công ty Trung Đông cũng đang “chạy đua” với Công ty TNHH Xây dựng Tùng Phát (Hà Nam) tại Dự án Đầu tư xây dựng Khu nhà ở phía Đông tuyến đường 68m đoạn từ Km0+500 đến Km1+200 thuộc địa bàn huyện Duy Tiên sau khi trúng sơ tuyển. Dự án này có tổng chi phí thực hiện là 250,716 tỷ đồng, với quy mô sử dụng đất là 75.094,5 m2.

Không chỉ “đối đầu” ở Dự án Đầu tư xây dựng khu trung nhà ở phía Tây tuyến đường 68m đoạn từ Km0+500 đến Km1+200 thuộc địa bàn huyện Duy Tiên, Công ty Trung Đông (liên danh với Công ty CP Thương mại Phú Minh) cũng đang phân chia thắng bại với Công ty Phúc Thành tại Dự án Đầu tư xây dựng Khu nhà ở Hoàng Đông, huyện Duy Tiên (tổng chi phí là 163,947 tỷ đồng).

Công ty Phúc Thành được thành lập năm 2006. Hiện ông Trần Văn Lực, Chủ tịch HĐTV là người đại diện theo pháp luật. Theo thông tin đăng ký kinh doanh được doanh nghiệp cập nhật đến ngày 26/9/2019, vốn điều lệ của Công ty là 20 tỷ đồng, do 2 thành viên góp vốn, gồm: ông Trần Văn Lực (góp 16 tỷ đồng, chiếm 80%), và ông Lã Hồng Quân (góp 4 tỷ đồng, chiếm 20%).

Công ty Trung Đông ra đời năm 2009. Hiện ông Nguyễn Văn Trung - Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc là người đại diện theo pháp luật. Vốn điều lệ của Công ty là 50 tỷ đồng.

Tây Ninh: Sắp đấu thầu 3 gói thuộc dự án cầu An Hòa gần 400 tỷ đồng

Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng ngành giao thông tỉnh Tây Ninh (Ban QLDA) vừa cho biết, trong quý II và quý III/2019 sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu cho 3 gói thầu thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu An Hòa.

Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án này là 399,214 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện Dự án bao gồm: ngân sách tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016 - 2020 là 150 tỷ, các nguồn vốn hợp pháp khác và tiếp tục cân đối ở giai đoạn sau 2020.

Theo đó, Ban QLDA sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ, không qua mạng cho 3 gói thầu gồm: Gói thầu Thi công xây dựng công trình (đấu thầu vào quý II/2019; giá gói thầu hơn 302 tỷ đồng); Gói thầu Bảo hiểm công trình (đấu thầu vào quý II/2019; giá gói thầu gần 1,2 tỷ đồng); Gói thầu Kiểm toán (đấu thầu vào quý III/2019; giá gói thầu hơn 1,7 tỷ đồng).

Người dân đua nhau xây nhà trong Làng Đại học Đà Nẵng chờ đền bù

Những ngày qua, tin đồn Dự án Làng Đại học Đà Nẵng nằm giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam sắp triển khai, nhiều hộ dân ở phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ồ ạt xây dựng nhà cửa, tường rào cổng ngõ, đào ao nuôi cá, xây bể bơi trong đất vườn và cả đất sản xuất chờ đền bù.

Bên trong bức tường xây trái phép của ông Tín, công nhân đang hì hục đào ao nuôi cá và xây bể bơi.

Khối phố Câu Hà nằm cách UBND phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam chừng 2 cây số. Theo quy hoạch được duyệt, toàn bộ 207 hộ dân của khối phố này nằm gọn trong vùng dự án. Nơi đây hiện đang trở thành “điểm nóng” về xây dựng, cơi nới nhà cửa. Nhiều ngôi nhà xây mới trên đất sản xuất, chính quyền kiểm tra, lập biên bản xử phạt nhưng chủ hộ vẫn tiếp tục triển khai. Như trường hợp ông Phan Đình Tín ở khối phố Câu Hà, xây dựng công trình trái phép trên đất sản xuất, diện tích 1.200 m2.

Để bảo vệ cho khu đất sản xuất đang biến thành đất ở này, ông Tín xây dựng bức tường cao ngất ngưỡng, cổng ngõ kiên cố. Bên trong, một nhóm công nhân đang hì hục xây dựng bể bơi, ao cá. Đội Quy tắc đô thị phường nhiều lần kiểm tra, lập biên bản, UBND phường Điện Ngọc ra quyết định xử phạt nhưng chủ hộ vẫn tiếp tục xây dựng.

Người này xây dựng được thì người khác cũng xây dựng theo. Cứ như vậy, khối phố Câu Hà trở thành đại công trình với nhiều ngôi nhà mọc lên. Tin đồn tháng 8 tới, dự án được triển khai khiến nhiều người đổ xô đi mua vật tư về xây nhà.

Theo quy hoạch, 2/3 diện tích Làng đại học nằm trên địa bàn phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. 4 khối phố nằm trong dự án bị ảnh hưởng, gồm: khối phố Câu Hà, hơn 200 hộ dân; khối phố Tứ Hà 250 hộ dân; khối phố Ngọc Vinh, 150 hộ dân và khối phố Tứ Ngân, 70 hộ dân.

Do dự án triển khai quá lâu (gần 22 năm) nên công tác quản lý hiện trạng gần như bỏ ngỏ. Điều này sẽ để lại hệ lụy lớn cho công tác giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng sau này. Nhất là khi giá đất thực tế tại đây đã tăng gấp trăm lần so với trước đây, nên việc áp giá đền bù sẽ rất khó khăn.

Dự án Làng Đại học Đà Nẵng dự kiến tổng mức đầu tư hơn 8.620 tỷ đồng. Trong đó, 3.700 tỷ đồng là kinh phí đền bù, giải tỏa. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc giải phóng mặt bằng, di dời giải tỏa các hộ dân trong vùng dự án, với quy mô rộng hơn 300 héc ta.

Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, lãnh đạo Đại học Đà Nẵng đề nghị Bộ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội ủng hộ đề xuất dự án vay 100 triệu USD cho Đại học Đà Nẵng theo cơ chế cấp phát. Bố trí vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng trung hạn giai đoạn 2015- 2020 và 4.900 tỷ đồng cho giai đoạn 2021- 2025 để ưu tiên giải phóng mặt bằng và đầu tư một số công trình cấp thiết.

Bạn đang đọc bài viết Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 2/6/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển
Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới