Thứ sáu, 19/04/2024 15:22 (GMT+7)

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 28/10/2019

MTĐT -  Thứ hai, 28/10/2019 15:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 28/10/2019. Cập nhật Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 28/10/2019.

Kon Tum: Hàng loạt sai phạm tại khu tái định cư 150 tỉ đồng vốn ngân sách

Năm 2009, UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt dự án quy hoạch bố trí dân cư xã Đắk H’ring, huyện Đắk Hà giai đoạn 2009-2015 với tổng diện tích 690ha. Dự án do UBND huyện Đắk Hà làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư gần 150 tỉ đồng từ nguồn ngân sách và bồi thường, hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Dự án nhằm mục đích đảm bảo đời sống cho 300 hộ dân với 1.500 nhân khẩu.

Tuy nhiên, dự án chậm tiến độ buộc UBND tỉnh Kon Tum cho kéo dài đến hết năm 2018. Đến nay, dự án đã kết thúc nhưng mới chỉ thực hiện tái định cư cho 126 hộ với tổng kinh phí trên 134 tỉ đồng.

Vừa qua, Huyện ủy Đắk Hà đã cử đoàn giám sát và phát hiện nhiều sai phạm, thiếu sót khi thực hiện dự án.

Cụ thể, theo kế hoạch, mỗi hộ sẽ được cấp 2ha đất sản xuất, 800m2 đất nhà ở và đất vườn nhưng thực tế 126 hộ dân chỉ được cấp bình quân 5,7 sào/hộ, và còn trên 26ha đất chưa giao cho dân.

Từ năm 2015 - 2018, các chính sách hỗ trợ cho người dân không thực hiện đầy đủ, 74 hộ dân chỉ được hỗ trợ nhà ở. UBND huyện Đắk Hà và Ban Quản lý dự án không thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ cho các hộ dân như: hỗ trợ di chuyển (1 triệu đồng/hộ); khuyến nông (46 triệu đồng/hộ); hỗ trợ lương thực 900 nghìn đồng/người/12 tháng, với tổng số tiền gần 7 tỉ đồng.

Cùng với đó, 16 hộ gia đình đã và đang xây dựng nhà ở trên đỉnh đồi, có nguy cơ bị sạt lở xuống vực sâu; 74 hộ dân (đợt 2) mới chỉ nhận tiền hỗ trợ tiền 32 triệu đồng/hộ thay vì 40 triệu đồng/hộ như phê duyệt; việc đào 37 giếng nước và 27 bồn chứa bằng inox với kinh phí 2,8 tỉ đồng nhưng hiện không đảm bảo nước sinh hoạt, đặc biệt là vào mùa khô; đường giao thông dẫn vào khu sản xuất kém chất lượng, mặt đường nứt cục bộ và một số đoạn bị sạt lở…

Đặc biệt, việc thanh toán 14,8 tỉ đồng cho việc rà phá bom mìn, vật liệu nổ diện tích 420ha đất có nhiều điểm đáng ngờ. Cụ thể, từ năm 2010 thu hồi được 121,75ha đất (82,4ha đất cà phê, 7,3ha cao su, 31,5ha đất trống) và không thực hiện khai hoang 344,77ha đất theo kế hoạch.

Hà Tĩnh sơ tuyển dự án khu dân cư đô thị 403 tỷ đồng

Ban Quản lý các dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) vừa cho biết, từ ngày 30/10 - 29/11/2019 sẽ phát hành hồ sơ mời sơ tuyển Dự án Khu dân cư đô thị Bắc Phố Châu 2.

Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng diện tích 14,57 ha; tổng chi phí thực dự kiến 403 tỷ đồng. Dự án sẽ được thực hiện tại thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Địa điểm phát hành hồ sơ mời sơ tuyển là UBND huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Hình thức sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện Dự án là rộng rãi quốc tế.

Mục tiêu của Dự án là hoàn thiện khu dân cư đô thị đã được quy hoạch; nâng cao lợi thế về quỹ đất ở của địa phương. Đồng thời, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hợp lý quỹ đất, xây dựng nhà ở, thương mại dịch vụ có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn...      

Khánh Hòa thu hồi đất dự án ‘lấp biển’ 30 triệu USD để làm công viên

Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Khánh Hòa, UBND tỉnh phải có phương án giải quyết dứt điểm đối với các dự án sai phạm đã bị thu hồi dự án theo quy định của pháp luật. Trong đó, tiêu biểu là dự án Nha Trang Sao của công ty Cổ phần Nha Trang Sao.

Ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết: “Khánh Hòa phải rà soát tiến độ thực hiện thu hồi dự án Nha Trang Sao. Phần đất của dự án thu hồi sẽ được xây dựng công viên, phục vụ cho mục đích công cộng, cộng đồng”. 

Cụ thể, dù dự án Nha Trang Sao đã bị UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định thu hồi từ tháng 1/2019 nhưng sau gần 1 năm, quá trình thu hồi đất dự án vẫn chưa thể thực thi.

Hiện khu vực này vẫn là một bãi đất trống, ngổn ngang đất đá, cỏ mọc um tùm. Việc rào chắn dự án Nha Trang Sao tạo điều kiện cho nạn vứt rác, đổ trộm chất thải và xà bần, ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan biển Nha Trang.

Chia sẻ về câu chuyện đất dự án chưa được thu hồi, lãnh đạo Sở Kế hoạch Đầu tư Khánh Hòa cho hay: Theo quy định, chủ đầu tư phải bàn giao đất cho cơ quan chức năng sau khi có quyết định thu hồi dự án. Tuy nhiên, hiện quá trình giao đất dự án Nha Trang Sao vẫn không triển khai được vì chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Nha Trang Sao đã có đơn khiếu nại.

Trước chỉ đạo nóng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao Sở Tài nguyên Môi trường chịu trách nhiệm rà soát tiến độ thu hồi dự án và báo cáo gấp về UBND tỉnh trước 10/11/2019.

Theo hồ sơ ban đầu, dự án Nha Trang Sao có tổng vốn đầu tư lên đến 30 triệu USD. Nằm ở vị trí đắc địa, ven biển Nha Trang. Dự án được khởi công vào đầu năm 2014, dự kiến giai đoạn 1 hoàn thành vào cuối năm 2015 và giai đoạn 2 hoàn thành vào cuối năm 2016.

Nhưng sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch theo yêu cầu của UBND tỉnh Khánh Hòa, dự án liên lục chậm tiến độ, sử dụng trái phép di tích lịch sử, không lập phê duyệt, niêm yết, công khai kế hoạch quản lý môi trường trước khi triển khai dự án nên đã bị thu hồi.

Cưỡng chế tháo dỡ các công trình vi phạm xây dựng

Trước tình trạng vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) phức tạp trên địa bàn TP, UBND TPHCM vừa yêu cầu các sở ngành, quận huyện đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị của Thành ủy TPHCM về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TTXD trên địa bàn TP, tạo hiệu ứng tích cực có tính lan tỏa.

Theo đó, TP yêu cầu UBND các quận huyện tổ chức cưỡng chế các công trình vi phạm có tính chất quy mô lớn, nghiêm trọng trên địa bàn. TP cũng sẽ tổ chức cưỡng chế một số công trình vi phạm nghiêm trọng tại quận 5 và quận Thủ Đức hoặc một số công trình trọng điểm tại các quận huyện khác cần sớm xử lý. TP cũng giao UBND quận huyện chủ trì, thực hiện tất cả các nội dung công tác thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đầu mối triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm TTXD tại địa bàn quận huyện đó. Đối với việc phê duyệt hồ sơ, ban hành các quyết định thì UBND quận huyện chịu trách nhiệm báo cáo, chuẩn bị nội dung trình Sở Xây dựng để thẩm định và phê duyệt hoặc trình UBND TP phê duyệt đối với trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND TP.

Ngoài ra, TP cũng chỉ đạo Sở Xây dựng phân cấp cho UBND quận huyện trực tiếp quản lý lực lượng thanh tra xây dựng địa bàn trong khi chờ đề án thí điểm lập đội quản lý TTXD đô thị thuộc UBND quận huyện được duyệt; ban hành quy chế mới trong phối hợp xử lý TTXD; lập danh mục các hình thức chế tài xử lý; trong đó hệ thống theo mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm và tính nghiêm khắc của chế tài, xây dựng thành “Hướng dẫn thực hiện các biện pháp xử lý một số hành vi vi phạm hành chính về TTXD trên địa bàn TPHCM” từ hành chính đến hình sự.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 28/10/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Bài thơ: Tự...
Ta mạnh mẽ không phải ta không khóc///Thực chỉ là nước mắt ngược vào trong///Bởi ta biết giữa biển đời mênh mông///Sông núi rộng - hành trình ta tự bước
Khai mạc Hội Sách Hải Phòng năm 2024
Năm 2024, là năm thứ ba thành phố Hải Phòng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đồng thời cũng là năm thứ 10 hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách trên địa bàn thành phố.