Thứ sáu, 29/03/2024 04:14 (GMT+7)

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 29/4/2019

MTĐT -  Thứ hai, 29/04/2019 11:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 29/4/2019. Cập nhật Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 29/4/2019.

Đề xuất nộp phí bảo trì chung cư theo tháng

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để nêu kiến nghị nhằm tháo gỡ những bất cập trong vấn đề đóng và thu phí bảo trì tại các chung cư. Theo đó, HoREA đưa ra hai phương án:

Phương án 1 (phương án chọn): Người mua nhà đóng Phí bảo trì 2% tại thời điểm hội nghị nhà chung cư đã bầu ban quản trị. Phí bảo trì được chia đều trong 60 tháng, nộp vào tài khoản tiền gửi ngân hàng của ban quản trị chung cư. Đồng thời, phải xây dựng cơ chế để hỗ trợ ban quản trị thực hiện được nhiệm vụ này. Vướng mắc lớn nhất của phương án này là làm thế nào để huy động thêm kinh phí bảo trì sau thời điểm kinh phí bảo trì ban đầu đã được sử dụng hết, do Luật Nhà ở 2014 chưa có quy định.

Phương án 2: Hoặc Công ty Dịch vụ công ích thu, quản lý, sử dụng Phí bảo trì chung cư trên địa bàn, dưới sự giám sát của ban quản trị chung cư. Phương án này có ưu điểm là thực hiện công tác bảo trì suốt vòng đời tuổi thọ của chung cư. Bởi lẽ sau khi đã hết Phí bảo trì, nếu không huy động được thêm thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm bảo trì chung cư như Nhà nước đã làm hiện nay.

Về mục đích sử dụng Phí bảo trì, HoREA kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 109 Luật Nhà ở, theo đó cần quy định Phí bảo trì chỉ được sử dụng để bảo trì các phần sở hữu chung của chung cư bao gồm: hệ thống kết cấu chịu lực (khung, cột, sàn, mái, sân thượng, tường chịu lực), tường bao ngôi Văn phòng cho thuê TP.HCM sôi động nhất 10 năm

Báo cáo diễn biến thị trường văn phòng cho thuê tại TP.HCM do Savills Việt Nam công bố cho biết, thị trường văn phòng có khởi đầu mạnh mẽ trong quý đầu năm 2019 với nhiều cột mốc mới. Diện tích trống ở các tòa văn phòng tiếp tục giảm, đặc biệt ở khu trung tâm, các tòa nhà mới vào thị trường đều nhanh chóng được hấp thụ.

3 tháng qua văn phòng cho thuê tại Sài Gòn chỉ còn 2% diện tích trống, tức 98% diện tích đã được lấp đầy. Tỷ lệ trống 2% được ghi nhận là mức thấp nhất một thập kỷ qua, đồng nghĩa với việc thị trường văn phòng cũng đang sôi động nhất 10 năm với nhu cầu thuê đang cực lớn và sức hấp thụ lý tưởng.

Giá thuê trong quý I tiếp đà tăng trưởng trong 5 năm qua, tăng 1% so với quý trước. Các dự án cao cấp (văn phòng hạng A) dẫn đầu về giá thuê, tăng thêm 2% theo quý, đóng góp đáng kể vào mức tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn cầu tăng cao trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm khiến các chủ đầu tư liên tục tăng giá thuê và giữ được vị thế thương lượng. Trong khi đó, khách thuê chỉ có thể chấp nhận các mức tăng giá hoặc lựa chọn các phương án thuê khác như dịch chuyển ra các khu vực ngoài trung tâm hoặc linh động bố trí không gian làm việc. Năm 2019, có 11 dự án với tổng diện tích 206.000m2 sẽ được đưa vào thị trường TP.HCM, giá thuê sẽ tăng ở cả các tòa nhà xếp hạng cao cấp.

TP.HCM đã chứng kiến sự mở rộng mạnh mẽ loại hình không gian làm việc chung trong vòng 2 năm qua, với mức tăng hơn 90% mỗi năm – đạt trên 37.000m2 tính đến thời điểm khảo sát. Đa phần diện tích (20.000 m2) tập trung ở khu vực trung tâm với 56% thị phần. Các đại diện nổi trội gồm: WeWork, Up, Dreamplex, Regus, Compass và Kloud. Đây đều là các khách thuê chủ lực của nhiều tòa nhà với các diện tích lấp đầy lớn.

Mô hình văn phòng chia sẻ này được kì vọng sẽ có nhiều bước tiến nhờ vào nhu cầu từ các công ty trong nước lẫn quốc tế. Văn phòng linh hoạt được xem là giải pháp giảm thiểu chi phí, tăng tính linh hoạt và phù hợp với các công ty đang trong giai đoạn thăm dò, phát triển trên thị trường.

Gia Lai thanh tra toàn diện, phạt doanh nghiệp dùng đất công trái luật

UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành văn bản yêu cầu hàng loạt sở, ngành chức năng tại địa phương triển khai các giải pháp xử lý, khắc phục những sai phạm trong việc giao, cho thuê, quản lý, sử dụng đất công tại tỉnh trong và sau quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (giai đoạn 2011-2017) theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước khu vực XII.

Cụ thể, tại công văn 841/KH-UBND, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Thanh tra tỉnh tiến hành ngay việc thanh tra toàn diện 6 doanh nghiệp đã dùng quyền sử dụng đất công thuê hàng năm để góp vốn liên doanh, liên kết trái với các quy định của Luật Đất đai 2013.

6 doanh nghiệp bị thanh tra gồm: Công ty Cổ phần Gia Lai CTC, Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển miền núi Gia Lai, Công ty Cổ phần Thương mại Gia Lai, Công ty Cổ phần Du lịch Gia Lai, Công ty Cổ phần Xây dựng và Xây lắp điện Gia Lai, Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Ia Grai. Việc thanh tra được thực hiện ngay trong quý 2 và yêu cầu báo cáo về UBND tỉnh trước 30/6 năm nay.

Ngoài việc bị thanh tra, cả 6 doanh nghiệp này cũng bị UBND tỉnh Gia Lai đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng và cho thuê tài sản trên đất công.

Đối với 11 thửa đất công mà doanh nghiệp thuê nhưng không sử dụng dẫn tới lãng phí, lấn chiếm bị đề nghị thu hồi trong đợt này.

Quảng Ninh: Tìm chủ đầu tư cho DA Khu công viên công nghệ gần 5.000 tỷ đồng

Dự án Khu công viên công nghệ thông tin tại Tuần Châu vừa được UBND tỉnh Quảng Ninh thông báo mời thầu sơ tuyển với các nhà đầu tư. Khu công viên CNTT tập trung này trước đó đã được tỉnh Quảng Ninh duyệt vào danh mục dự án có sử dụng đất, vốn ngoài sách cần lựa chọn nhà đầu tư trên địa bàn TP Hạ Long.

UBND tỉnh Quảng Ninh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư công bố danh mục trên mạng đấu thầu quốc gia theo đúng quy định.

UBND TP Hạ Long có trách nhiệm triển khai tiếp các bước tiếp theo để lựa chọn nhà đầu tư cho dự án; lập kế hoạch triển khai cụ thể, phân kỳ đầu tư khả thi, xác định vị trí cụ thể khai thác vật liệu san nền, phương án vận chuyển vật liệu san nền đảm bảo an toàn...

Tổng diện tích quy hoạch của Khu công viên CNTT tập trung này rộng khoảng 9ha. Trong tương lai đây sẽ là nơi tập trung các công trình gia công phần mềm và phát triển công nghệ thông tin, khu văn phòng, trung tâm đào tạo khởi nghiệp...

Ngoài ra, khu công viên công nghệ thông tin tập trung còn là công trình điểm nhấn cảnh quan, kiến trúc cho khu du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu.

Nhanh chóng thu hồi các dự án chậm triển khai tại huyện Mê Linh (Hà Nội)

Trên địa bàn xã Tiền Phong, hiện có 26 dự án phát triển khu đô thị, với tổng diện tích gần 400 ha, trong đó có nhiều dự án lớn như: Khu nhà ở để bán và cho thuê Hà Phong, khu chức năng đô thị thung lũng hoa hồng, khu nhà ở Minh Giang... đã thu hồi đất từ năm 2007, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Việc các dự án “ôm đất” nhưng không triển khai xây dựng không chỉ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của địa phương, mà còn kéo theo nhiều vấn đề phức tạp về xã hội, an ninh trật tự, khiếu kiện liên quan chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB).

Theo đại diện UBND huyện Mê Linh, tình trạng các dự án chậm triển khai còn xảy ra tại các xã: Thanh Lâm, Đại Thịnh, Mê Linh, Tráng Việt, Kim Hoa và thị trấn Quang Minh. Trước khi sáp nhập về Hà Nội (năm 2008), trên địa bàn huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) có 60 dự án, trong đó có 47 dự án khu đô thị, với tổng diện tích hơn 2.000 ha đất. Sau khi huyện Mê Linh sáp nhập về Hà Nội, các dự án phải dừng triển khai để rà soát quy hoạch. Từ năm 2013 đến 2015, UBND thành phố Hà Nội đã công bố các quy hoạch phân khu đô thị; các sở, ngành của thành phố hướng dẫn chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, điều chỉnh chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư..., nhưng tiến độ thực hiện các dự án vẫn rất chậm trễ. Cụ thể, trong tổng số 60 dự án, mới có 15 dự án với diện tích gần 445 ha đã hoàn thành GPMB, 21 dự án với diện tích hơn 606 ha đang GPMB dở dang, 17 dự án với diện tích gần 880 ha chưa thực hiện GPMB và bảy dự án với diện tích hơn 125 ha chưa phù hợp quy hoạch hoặc đang chờ phê duyệt quy hoạch.

Đáng chú ý, có tám dự án gồm: khu đô thị Prime Group; Vinalines; BMC Thăng Long; Việt Á; khu đô thị, biệt thự, nhà vườn Chi Đông; trung tâm thương mại và biệt thự cao cấp Vạn Niên; khu nhà ở sinh thái Vietracimex, khu biệt thự và dịch vụ nhà vườn CIT, đã có phê duyệt quyết định giao đất, nhưng chủ đầu tư chưa tiến hành GPMB, đầu tư hạ tầng. Thậm chí, mấy năm nay, chính quyền địa phương không liên lạc với chủ đầu tư các dự án này.

Tình trạng các dự án chậm triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh trong hơn 10 năm qua đã được các cử tri nêu ra khá gay gắt trong các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. HĐND thành phố Hà Nội đã thực hiện giám sát về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn huyện Mê Linh và chỉ rõ nguyên nhân là do thay đổi chính sách đất đai, quy hoạch, năng lực của chủ đầu tư hạn chế.

Nhất là do thị trường bất động sản trầm lắng, giá đất khu vực huyện Mê Linh sụt giảm nhanh chóng sau cao điểm “sốt đất” năm 2007-2008, thời điểm phần lớn các dự án được phê duyệt, đã khiến các chủ đầu tư không mặn mà triển khai. Không ít chủ đầu tư một số dự án bất động sản đã huy động vốn của người dân cũng tìm mọi cách kéo dài thời gian thực hiện. Trước tình trạng này, HĐND thành phố Hà Nội đề nghị UBND thành phố kiên quyết xử lý các dự án chậm triển khai, cố tình kéo dài thời gian. Sau đó, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện dự án. UBND huyện Mê Linh nhiều lần mời các chủ đầu tư báo cáo tiến độ thực hiện dự án theo năm nội dung, gồm: GPMB, điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh quy hoạch, nghĩa vụ tài chính và giới hạn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Bùi Xuân Quang cho biết, tháng 8-2018, UBND huyện đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội thu hồi diện tích đất đã giao đối với tám dự án nêu trên. Tháng 10/2018, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định thu hồi diện tích đất đã giao đối với bốn dự án với tổng diện tích gần 268 ha đất. Bốn dự án còn lại, thành phố cho phép hai dự án được gia hạn thời gian sử dụng đất 24 tháng, hai dự án đang được Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện đúng tiến độ đề ra. Căn cứ vào lộ trình thực hiện, huyện sẽ phối hợp các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Nếu các chủ đầu tư không thực hiện đúng tiến độ, hướng dẫn của các sở, ngành, huyện sẽ tiếp tục đề nghị thành phố xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc xử lý các dự án chậm tiến độ, bỏ hoang trên địa bàn huyện Mê Linh dù đã có chuyển biến trong thời gian gần đây, nhưng tiến độ vẫn rất chậm trễ.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 29/4/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.