Thứ sáu, 29/03/2024 00:20 (GMT+7)

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 30/11/2019

MTĐT -  Thứ bảy, 30/11/2019 09:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 30/11/2019. Cập nhật Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 30/11/2019.

Hà Nội: Chưa nắm bắt và xử lý kịp thời sai phạm trong quản lý nhà chung cư

Sáng 29/11, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội Hoàng Trung Hải cùng các ĐBQH TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri quận Thanh Xuân.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri kiến nghị các bộ, ngành và UBND TP sớm nghiên cứu phương án và có cơ chế đặc thù trong việc triển khai duy tu, cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP nói chung, quận Thanh Xuân nói riêng. Cử tri cũng đề nghị TP xây dựng cơ chế hỗ trợ một phần để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các chung cư cũ, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân, qua đó góp phần ổn định tình an ninh chính trị tại khu dân cư, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô.

Ngoài ra, cử tri cũng đề nghị TP có giải pháp quyết liệt xử lý tình trạng ô nhiễm bụi và ô nhiễm sông Tô Lịch, bảo vệ nguồn cung cấp nước sạch cho người dân, đảm bảo đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng; sớm công khai kết quả quan trắc môi trường tại khu vực nhà máy Rạng Đông. Các cử tri cũng đề nghị TP đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở sản xuất trong khu vực; tăng cường giám sát các dự án đầu tư xây dựng chung cư, nhất là về quy mô, mật độ để đảm bảo đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật và xã hội.

Giải đáp những kiến nghị của cử tri, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, hiện nay, TP Hà Nội có gần 900 nghìn dân sống trong các khu chung cư, chiếm khoảng 13,5% dân số toàn TP và xu hướng này còn tiếp tục phát triển. Do đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết 26 về quản lý nhà chung cư để chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Bí thư Thành ủy cho rằng, những tồn tại, vướng mắc trong quản lý nhà chung cư có trách nhiệm của quản lý nhà nước khi chưa nắm bắt và xử lý kịp thời những sai phạm.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri về công tác PCCC, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải giao các sở, ngành liên quan rà soát các hạng mục hỗ trợ. Về việc triển khai các dự án đường sắt đô thị cũng như cải tạo các chung cư cũ, Bí thư Thành ủy cho rằng việc triển khai rất chậm do gặp nhiều vướng mắc.

TP.HCM đồng ý duy trì bãi gửi xe tại công viên 23/9

Ngày 29/11, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chấp thuận việc duy trì bãi đậu xe tại khu A và khu B của công viên 23/9 (quận 1). Bãi xe này được phép tồn tại cho đến ngày Công viên 23/9 bắt đầu cải tạo.

Trước đó, Sở Xây dựng TP.HCM đã kiến nghị UBND TP.HCM giữ lại các bãi gửi xe tại công viên 23/9 để phục vụ nhu cầu của du khách.

Sở này cho biết số lượng người dân trên địa bàn tới công viên vui chơi, sinh hoạt cuối tuần rất cao.

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cũng vừa đề nghị Sở Quy hoạch Kiến trúc nghiên cứu sắp xếp 2 ha tại tầng hầm khu B công viên 23/9 dành cho bến xe buýt. Lãnh đạo sở cho biết công viên 23/9 được định hướng quy hoạch là không gian công cộng có quy mô lớn, giữ vai trò đầu mối giao thông quan trọng trong tương lai.

Dự án cải tạo công viên 23/9 được TP.HCM thực hiện với định hướng 100% diện tích mặt đất là công viên công cộng, các chức năng khác đặt tại 4 tầng ngầm.

Năm 2018, UBND TP.HCM đã gửi văn bản tới các sở ngành nhấn mạnh hạ tầng của công viên 23/9 (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) đã xuống cấp.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường chấm dứt, không gia hạn hợp đồng cho thuê đối với các đơn vị sử dụng mặt bằng tại công viên. Việc di dời, hoàn trả phải kết thúc trước ngày 30/4.

Đến cuối tháng 6, các hạng mục cũ và công trình thương mại đã được đập bỏ, di dời khỏi khu vực.

Từ 2020, giá đất ở Nghệ An dự kiến tăng 100% đến 300%

Nghệ An vừa đưa ra Dự thảo nghị quyết bảng giá đất trên địa bàn, giai đoạn từ 1/1/2020 đến 31/12/2024 do Sở Tài nguyên - Môi trường xây dựng.

Theo dự thảo, mức tăng bình quân các loại đất từ 100% đến trên 300% so với khung giá đất hiện hành.

Cụ thế, về đất ở, khu vực thành phố Vinh, giá đất ở tăng từ 127% đến hơn 181%. Giá cao nhất đạt 65 triệu đồng/m2 và thấp nhất là 1 triệu đồng/m2.

Ở huyện miền núi Kỳ Sơn, khu vực thị trấn cao nhất là 10 triệu đồng/m2, thấp nhất là 500 nghìn đồng/m2 và các xã còn lại, cao nhất là 4,5 triệu đồng/m2, thấp nhất là 70 nghìn đồng/m2.

Liên quan đến giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp (không bao gồm đất thương mại, dịch vụ) bằng 50% so với mức giá đất ở có cùng điều kiện thuận lợi như nhau nhưng không thấp hơn mức giá tổi thiểu theo quy định của Chính phủ.

Tương tự, giá đất thương mại, dịch vụ bằng 60% so với mức giá đất ở. Đối với đất sản xuất kinh doanh phục vụ mục đích khai thác khoáng sản bằng 150% so với mức giá đất ở liền kề hoặc vị trí tương đương nhưng không vượt mức giá tối đa của đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ theo quy định của Chính phủ…

Được biết, Dự thảo nghị quyết bảng giá đất mới sẽ được đưa ra biểu quyết tại kỳ họp của HĐND tỉnh Nghệ An trong tháng 12 tới.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 30/11/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.