Thứ năm, 25/04/2024 23:08 (GMT+7)

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 8/6/2019

MTĐT -  Thứ bảy, 08/06/2019 16:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 8/6/2019. Cập nhật Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 8/6/2019.

TP Hà Nội chỉ đạo rà soát, 2 dự án nhanh chóng được thu hồi

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã thu hồi, chấm dứt 2 dự án: Trung tâm giặt là, tiệt trùng và bãi đỗ xe tập trung (tại phường Việt Hưng, quận Long Biên) và dự án Khu phức hợp đông lạnh Hà Nội (tại phường Trần Phú, quận Hoàng Mai). Hai dự án trên lần lượt do Công ty CP Giặt là Hà Nội Xanh và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Hà Nội là chủ đầu tư.

Dự án Trung tâm giặt là, tiệt trùng và bãi đỗ xe tập trung do Công ty Cổ phần Giặt là Hà Nội Xanh làm chủ đầu tư được phê chuẩn theo Quyết định số 3800/QĐ-UBND ngày 23/6/2017, do ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký.

Dự án có quy mô tổng diện tích đất trên 16.000m2, tổng vốn đầu tư là gần 183 tỷ đồng. Hình thức đầu tư trực tiếp bằng vốn ngoài ngân sách. Dự án dự kiến đi vào hoạt động vào Quý II/2018 đến Quý II/2019.

Theo quy hoạch, dự án được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu về tái sử dụng trang thiết bị, xử lý nhiễm khuẩn cho toàn bộ các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, các khu công nghiệp, xưởng sản xuất, doanh trại quân đội trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận. Khai thác hiệu quả quỹ đất, hoàn thiện bộ mặt đô thị của khu vực, giải quyết nhu cầu đỗ xe, giao thông tĩnh của Thành phố và địa phương.

Tuy nhiên, sau khi có chủ trương đầu tư dự án, hơn 100 hộ dân phường Việt Hưng (quận Long Biên, TP. Hà Nội) không đồng ý phương án thu hồi đất để thực hiện dự án. Đồng thời, các hộ dân lo ngại khi dự án đi vào hoạt động sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của họ.

Liên quan đến vấn đề này, UBND quận Long Biên đã có công văn số 2606/UBND-TTPTQÐ trả lời đơn của bà Ðinh Thị Chính – đại diện hơn 100 hộ dân ở tổ 4, phường Việt Hưng, về việc không đồng ý phương án thu hồi đất để thực hiện dự án “Xây dựng trung tâm giặt là, tiệt trùng và bãi đỗ xe tập trung”.

Nội dung công văn như sau: Ngày 22/10/2018, UBND quận Long Biên nhận được đơn của bà Ðinh Thị Chính cùng các hộ dân kiến nghị về nội dung nêu trên. Ðây là dự án do doanh nghiệp tư nhân thực hiện, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và cần thỏa thuận với chủ sử dụng đất trước khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Ngày 23/11/2018, UBND quận Long Biên đã ban hành văn bản số 2407/UBND-TTPTQÐ về việc trả lời đơn của bà Ðinh Thị Chính và các hộ dân tổ 4, 5 phường Việt Hưng.

Sau đó, UBND quận Long Biên đã báo cáo thành phố về công tác GPMB thực hiện dự án. Đến ngày 29/11/2018, ông Phạm Quý Tiên – Chánh văn phòng UBND TP.Hà Nội ban hành công văn 5858/UBND-ĐT về việc thu hồi Quyết định 3800/QĐ-UBND do ông Nguyễn Thế Hùng ký phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Nguyên nhân dự án này bị thu hồi là do hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư, công tác triển khai thực hiện dự án chưa đảm bảo đúng theo quy định. UBND TP. Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc với nhà đầu tư để thông báo lý do thu hồi.

“Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư dự án thì giới thiệu nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư tại các khu công nghiệp tập trung. Thành phố tạo các điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện”, văn bản thu hồi nêu rõ.

Dự án Khu phức hợp đông lạnh Hà Nội (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai) được phê duyệt ngày 5/12/2016, theo Quyết định chủ trương đầu tư 6672/QĐ-UBND, giao cho CTCP đầu tư và xây dựng Hà Nội (trụ sở tại 56 Lý Tự Trọng, quận Hà Đông) thực hiện. Dự án rộng 42.000m2, tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng.

Đà Lạt chấn chỉnh tình trạng san ủi, phân lô bán nền trái phép

Ngày 7/6, UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết vừa có chỉ đạo các phòng, đơn vị chủ rừng, các phường trên địa bàn tăng cường công tác quản lý đất đai, thường xuyên xử lý tình trạng san ủi, phân lô bán nền trái phép.

Cụ thể, UBND TP Đà Lạt giao các đơn vị kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai (nhất là đối với đất lâm nghiệp) theo thẩm quyền; kiên quyết giải tỏa diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, có biện pháp khôi phục lại hiện trạng, cây rừng.

UBND TP Đà Lạt cũng yêu cầu giám sát chặt chẽ hoạt động san ủi đất, cải tạo mặt bằng, lấn chiếm đất trái phép (đặc biệt là khu vực xung quanh hoặc khu vực đất lâm nghiệp, khu vực chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử…); Đồng thời kiểm tra, nắm bắt thông tin việc sang nhượng, phân lô bán nền trái phép trên địa bàn, xử lý hoặc đề xuất xử lý theo quy định; Kịp thời, kiên quyết xử lý, giải toả ngăn chặn các hoạt động tự ý san gạt, cải tạo mặt bằng mới phát sinh, các trường hợp phân lô bán nền trái phép…

Kiến nghị đặt cọc mua nhà không quá 50 triệu đồng

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết hiệp hội vừa có văn bản đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan tới các bộ luật trong lĩnh vực bất động sản, trong đó đề nghị bổ sung hành vi bị cấm vào điều 8, Luật Kinh doanh bất động sản.

Nội dung kiến nghị này nhằm ngăn chặn tình trạng một số doanh nghiệp, đầu nậu lợi dụng bộ Luật Dân sự để huy động vốn trái phép.

Theo HoREA kiến nghị không lập hợp đồng mua bán hoặc sử dụng hình thức lập biên bản, thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ, “góp vốn đầu tư”, “hợp tác đầu tư”, “hợp tác kinh doanh” để thực hiện giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai. HoREA cho rằng việc này huy động vốn trái phép, trái với quy định của Luật Kinh doanh bất động sản.

“HoREA cũng đề nghị bổ sung chế định về đặt cọc vào điều 57 của Luật Kinh doanh bất động sản với số tiền không quá 50 triệu đồng trước khi ký hợp đồng mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai” - ông Châu nói.

Theo ông Châu, Luật kinh doanh Bất động sản không có quy định đặt cọc nên các đầu nậu, doanh nghiệp lách qua Luật Dân sự để không hạn chế về số tiền huy động. Đa số những trường hợp đặt cọc càng cao thì những dự án đó khách hàng thường dễ bị lừa. Trong hợp đồng kinh doanh bất động sản, thanh toán đợt 1 không quá 30% giá trị hợp đồng cho nên đặt cọc không quá 50 triệu đồng là hợp lý. HoREA đưa ra kiến nghị này đưa ra nhằm mục tiêu kiểm soát tình trạng phân lô bán nền, lợi dụng luật dân sự để huy động.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 8/6/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.