Thứ năm, 25/04/2024 03:16 (GMT+7)

Top 5 thương vụ M&A 'đình đám' nhất trong năm 2018

MTĐT -  Thứ tư, 26/12/2018 08:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Năm 2018, thị trường M&A Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra sôi động, hàng loạt thương vụ "đình đám" được thực hiện. Trong đó, đáng chú ý hơn cả là thương vụ cá bé An Quý Hưng "nuốt" cá lớn Vinaconex...

An Quý Hưng chi hơn 7.000 tỷ thâu tóm Vinaconex

Những ngày cuối năm 2018, mọi sự chú ý trên thị trường M&A đổ dồn về thương vụ Công ty TNHH An Quý Hưng (AQH) đã trả giá 28.900 đồng/cổ phần để sở hữu trọn lô cổ phần Vinaconex của SCIC.

An Quý Hưng đã nắm giữ 57,71% cổ phần Vinaconex. Ảnh: Internet.  

Mức giá này cao hơn 35,7% so với giá khởi điểm và cao hơn 56% mức giá đang giao dịch trên thị trường chứng khoán. Như vậy, An Quý Hưng đã chi 7.366 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn nhất của Vinaconex với tỷ lệ sở hữu 57,71%.

Ngoài ra, một tổ chức khác cũng chi 2.002 tỷ đồng để sở hữu 21,28% cổ phần Vinaconex từ tay Viettel.

Công ty An Quý Hưng được thành lập năm 2001, có vốn điều lệ 500 tỷ đồng do ông Nguyễn Xuân Đông nắm 70% vốn và vợ ông là bà Đỗ Thị Thanh nắm 30% vốn. Ông Đông cũng là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH An Quý Hưng.

Ngày 13/12/2018, sau khi đã thanh toán toàn bộ số tiền cho thương vụ này, ông Nguyễn Xuân Đông đã  được HĐQT Vinaconex bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Vinaconex thay ông Đỗ Trọng Quỳnh.

Keppel Land thoái vốn tại dự án phát triển của CTCP Quốc Lộc Phát

Một thương vụ phát triển nhà ở phức hợp lớn trong tháng 6/2018 là việc thoái vốn của Keppel Land tại dự án phát triển của CTCP Quốc Lộc Phát (QLP) ở quận 2, TP.HCM.

CTCP Quốc Lộc Phát là chủ đầu tư của dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. HCM). Ảnh: Internet.  

Công ty TNHH Keppel gần đây đã công bố trong thông cáo báo chí việc công ty con Keppel Land Limited (KLL), thông qua các công ty con thuộc sở hữu của KLL như Công ty TNHH Keppel Land Thủ Thiêm và công ty con sở hữu gián tiếp là công ty TNHH Orbista (lần lượt sở hữu 20% và 25% lãi cổ phần trong QLP) đã ký kết thỏa thuận mua bán để thoái vốn tại QLP với giá 702 tỷ đồng (tương đương 30,6 triệu USD).

Sau khi giao dịch hoàn tất, KLL sẽ nắm giữ 15% lợi nhuận trong QLP thông qua Orbista. Theo đó khi hoàn thành giao dịch nói trên, Keppel Corporation Limited dự kiến sẽ thoái vốn gián tiếp 15% cổ phần còn lại trong QLP được sở hữu thông qua công ty con Oil Asia, nắm giữ 100% cổ phần lợi nhuận trong Orbista. Thông tin chi tiết hơn sẽ được công bố bởi Công ty TNHH Keppel Corporation về việc thoái vốn tiếp theo.

FPT thôn tính công ty công nghệ Mỹ

Ngày 12/7, Công ty cổ phần FPT đã ký hợp đồng mua 90% cổ phần của công ty công nghệ Intellinet, Mỹ. Giá trị thương vụ khoảng 50 triệu USD. Trong đó, 30 triệu USD đã được trả trực tiếp, phần còn lại căn cứ hiệu quả hoạt động của Intellinet trong 3 năm tới.

Lễ ký thoả thuận giữa FPT và Intellninet. Ảnh: Vietnamfinance. 

Ellinet được thành lập năm 1993, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn công nghệ với 150 chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm chuyên sâu và 200 khách hàng lớn, trong đó có nhiều khách hàng trong danh sách Fortune 500.

Thương vụ mua lại Intellinet được kỳ vọng giúp FPT nâng tầm vị thế, trở thành đối tác cung cấp các dịch vụ công nghệ tổng thể với giá trị cao hơn và toàn diện hơn cho khách hàng, từ khâu tư vấn, thiết kế đến triển khai, bảo hành bảo trì, đặc biệt trong các dự án chuyển đổi số.

Nhựa Bình Minh về tay người Thái

Quý I/2018, Tập đoàn The Nawaplastic Industries (Saraburi) của Thái Lan đã mua hơn 24,1 triệu cổ phiếu BMP của SCIC qua đấu giá, nâng sở hữu tại BMP lên gần 50%. Sau giao dịch, nhà nước thu về 2.331 tỷ đồng.

Ngay sau đó, đại gia Thái này tiếp tục đăng ký mua thêm 818.609 cổ phiếu ngoài thị trường để tăng sở hữu lên trên 50% vốn BMP, nắm quyền kiểm soát Nhựa Bình Minh.

The Nawaplastic Industries là công ty con của tập đoàn Siam Cement Group (SGC). Ảnh: Vietnamfinance. 

SGC đã và đang đầu tư rất lớn vào Việt Nam. Tập đoàn này hiện là cổ đông chính của Lọc hóa dầu Long Sơn và nắm quyền kiểm soát Công ty gạch Prime Group, Công ty xi măng StarCemt, Công ty Bao bì Tín Thành.

SGC có tham vọng xây dựng chuỗi giá trị trong ngành nhựa tại Việt Nam. Từ năm 2013, ông Kan Trakulhoon, Chủ tịch Tập đoàn SCG, đã tuyên bố rằng ngân sách chi cho M&A đến 2020 tại Việt Nam của SCG lên đến 5 - 6 tỷ USD.

Tòa nhà Sun Wah là dự án thứ hai của Nomura tại Việt Nam

Khởi đầu năm 2018, Nomura Real Estate Development đã công bố chính thức mua lại 24% cổ phần của tòa nhà văn phòng hạng A (tòa nhà văn phòng Sun Wah) có vị trí đắc địa ở quận 1, TP.HCM. Sau dự án “Phú Mỹ Hưng Midtown” tại quận 7, TP.HCM, tòa nhà Sun Wah là dự án thứ hai của Nomura tại Việt Nam, và cũng là dự án văn phòng đầu tiên của tập đoàn này.

Phối cảnh tòa nhà văn phòng Sun Wah. 

Thương vụ CVH Nereus Pte. Ltd. (công ty con của Tập đoàn CapitaLand) mua lại 16,9 triệu cổ phiếu phổ thông, chiếm 99,5% vốn điều lệ của CTCP Hiền Đức Tây Hồ (HDTH), khoảng 685 tỷ đồng (tương đương 29,8 triệu USD) vào hồi tháng 3/2018 cũng được dư luận chú ý.

HDTH sở hữu một khu đất phát triển rộng 0,9ha ở quận Tây Hồ, Hà Nội; sẽ được phát triển thành dự án phức hợp với chức năng nhà ở, căn hộ kết hợp văn phòng, văn phòng và khối đế bán lẻ.

Cẩm Anh (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Top 5 thương vụ M&A 'đình đám' nhất trong năm 2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành