Thứ năm, 28/03/2024 17:32 (GMT+7)

TP HCM không xây dự án mới ở Q.1 và Q. 3: Giá nhà ở sẽ leo thang

MTĐT -  Thứ năm, 22/11/2018 16:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo các chuyên gia, việc TP. HCM hạn chế các dự án mới ở 2 quận trung tâm là quận 1 và quận 3 đến năm 2020 sẽ dẫn tới tình trạng khan hiếm nhà và giá nhờ ở sẽ tăng cao.

UBND TP. HCM vừa phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, trong giai đoạn này, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện di dời các hộ dân sống ở trên và ven kênh rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn; xây mới, thay thế chung cư cũ hư hỏng xuống cấp; nâng cấp các khu dân cư hiện hữu góp phần chỉnh trang và phát triển đô thị; tiếp tục xây dựng, phát triển các khu đô thị mới, các khu dân cư đồng bộ, văn minh, hiện đại.

Đặc biệt, theo kế hoạch này thì tại quận 1 và quận 3 từ nay đến năm 2020 sẽ không phát triển các dự án nhà ở mới. Được biết, quận 1 là nơi có thị trường bất động sản đắt nhất TP. HCM. Nhưng do quỹ đất ngày càng bị thu hẹp, nên từ năm 2017, TP. HCM đã ra quyết định không cấp phép mới cho các dự án xây nhà cao tầng tại quận 1 và quận 3.

Tại các quận 4, quận 5, quận 6, quận 8, quận 10, quận 11, quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, thành phố sẽ tập trung hoàn thiện các dự án dở dang; hạn chế phát triển các dự án nhà ở mới nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo và phù hợp; ưu tiên phát triển nhà ở xã hội.

Đối với các quận 2, quận 7, quận 9, quận 12, quận Bình Tân, Thủ Đức, thành phố cũng cần tập trung hoàn thiện các dự án dở dang; ưu tiên phát triển những dự án nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn (như tuyến metro số 1 tại các quận 2, quận 9, quận Thủ Đức) hoặc các khu vực có kế hoạch thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng; ưu tiên phát triển nhà ở xã hội.

2 năm tới, TP. HCM sẽ không phát triển các dự án nhà ở mới ở quận 1 và quận 3. Ảnh: Internet. 

Đánh giá về kế hoạch này, theo Vnexpress, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho biết, đây là một công cụ điều tiết thị trường nhà ở được UBND thành phố nghiên cứu rất lâu mới áp dụng.

Theo ông, nguyên nhân chính dẫn đến việc hạn chế phát triển các dự án mới tại khu vực trung tâm và nội thành TP. HCM là do tình trạng hạ tầng đô thị đang quá tải. Nạn kẹt xe ngày càng gia tăng và chưa thể giải quyết dứt điểm. Sự tích tụ các dự án nhà ở, đặc biệt là chung cư cao tầng trong nhiều năm liên tiếp vừa qua đã khiến hạ tầng giao thông đô thị "ngộp thở". Vì vậy, việc tiết giảm nguồn cung đang phát triển ồ ạt là điều cần thiết.

Ông Châu cho rằng mặt tích cực của việc hạn chế phát triển dự án mới là gia tăng thêm công cụ kiểm soát, điều tiết thị trường bất động sản, bên cạnh các công cụ tài chính (chính sách thắt chặt tín dụng).

Tuy nhiên, mặt hạn chế của việc công khai các vùng cấm phát triển dự án mới là tạo nên tình trạng độc quyền, độc chiếm thị phần đối với các dự án đã được chấp thuận đầu tư hiện hữu tại khu trung tâm. “Điều này có thể gián tiếp đẩy giá nhà lên cao bất chấp thời gian qua thị trường bất động sản đã nhiều lần thiết lập mặt bằng giá mới”, ông Châu nhận xét.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, khi kế hoạch trên được áp dụng thì nguồn cung căn hộ, đặc biệt là những dự án mới tại các quận trung tâm hầu như rất hiếm hoi. Chính vì vậy, những dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện nằm trong các quận đang trong giai đoạn đô thị hóa cao sẽ trở thành “hàng hiếm”.

Còn Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Sea Holdings, Trần Hiền Phương bày tỏ quan ngại một khi TP. HCM xuất hiện các vùng cấm cấp phép dự án nhà ở mới sẽ khiến cho thị trường bất động sản chịu áp lực tăng giá trong vòng 8-12 tháng tới.

Ảnh: Internet. 

Từng trao đổi với báo Doanh nhân SG về vấn đề này, TS. Huỳnh Thế Du (Đại học Fullbright) cho rằng, nếu cấm xây thêm nhà cao tầng ở khu trung tâm là không hợp lý vì đang có xu hướng chuyển từ xe máy sang xe ô tô.

Ông Du dẫn ra kinh nghiệm từ nhiều thành phố trên các nước để minh chứng lập luận của mình là đúng. Chẳng hạn như Hong Kong có diện tích 2.754km2 nhưng chỉ phát triển đô thị trong giới hạn chưa tới 200km2.

Thành phố Seoul (Hàn Quốc) diện tích 605km2 nhưng phần phát triển đô thị của họ cũng rất nhỏ, Singapore có hơn 700km2 nhưng chỉ phát triển đô thị trong 250km2 mà thôi, Tokyo (Nhật Bản) 2.188km² cũng chỉ phát triển đô thị với diện tích không lớn. Diện tích phát triển đô thị của các thành phố nói trên khá nhỏ trong khi họ tập trung phát triển vận tải hành khách công cộng.

"Nếu so với các thành phố vừa kể, TP. HCM có diện tích phát triển đô thị rất lớn. Trong khi đó vận tải hành khách công cộng lạc quan lắm cũng chỉ chiếm 10%. Vị chuyên gia này nói thêm, khu trung tâm TP. HCM hiện nay mật độ nhà cao tầng vẫn chưa đủ và cần tiếp tục phát triển cao hơn nữa nhưng phải xem lại định hướng phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Nhật Hạ(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết TP HCM không xây dự án mới ở Q.1 và Q. 3: Giá nhà ở sẽ leo thang. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.