Thứ tư, 24/04/2024 06:01 (GMT+7)

TP.HCM: Cư dân Rubyland kêu cứu! (Bài 3)

Đỗ Thuận -  Thứ bảy, 03/08/2019 09:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Có hay không sự thông đồng giữa SCB và chủ đầu tư khi Tân Hoàng Thắng được giải ngân dễ dàng dù trong thực tế, dự án đã được bán và người dân đã dọn vào sinh sống?

Cho vay ẩu, thẩm định trên giấy?

Cư dân chung cư Rubyland nghi ngờ rằng, khi thẩm định dự án chung cư Rubyland để đảm bảo tài sản vay vốn, ngân hàng SCB chỉ ngồi ở nhà, không rõ tài sản ở đâu nhưng vẫn bút phê cho vay hàng trăm tỷ đồng. Đồng thời, SCB chưa thẩm định rõ khách hàng huy động từ nguồn nào để hoàn thiện dự án.

Trụ sở Công ty Tân Hoàng Thắng giờ chỉ còn biển hiệu

Cụ thể, ngày 31/7/2009, Công ty Tân Hoàng Thắng ký hợp đồng tín dụng trung hạn số 29/HĐT.TH-SCB-CNGĐ.09 với ngân hàng SCB - Chi nhánh Gia Định để vay số tiền là 90 tỷ đồng bằng tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại địa chỉ 12/6 Lũy Bán Bích, P.Tân Thới Hòa, Q.Tân Phú (là một phần diện tích dự án) theo các hợp đồng thế chấp tài sản số 41/HĐTC-SCB-CNGĐ.09 và hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai số 42/HĐTC-SCB-CNGĐ.09 cùng ký ngày 4/8/2009.

Tiếp đó, ngày 28/5/2010, Công ty Tân Hoàng Thắng ký tiếp hợp đồng tín dụng trung hạn số 08/HĐTD.TDH-SCB.CNGĐ.10 với ngân hàng SCB - Chi nhánh Gia Định để vay thêm 67 tỷ đồng, tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai cũng tại địa chỉ 12/6 và số 58/13 (số mới 58/4) Lũy Bán Bích, P.Tân Thới Hòa, Q.Tân Phú (là toàn bộ diện tích của dự án).

Ngày 31/5/2010, Tân Hoàng Thắng lại tiếp tục ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai số 13/HĐTC.TDH-SCB-CNGĐ/10 với ngân hàng SCB - Chi nhánh Gia Định để đảm bảo cho 2 khoản vay trên.

Theo kết luận của Thanh tra Sở Xây dựng Tp.HCM, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại địa chỉ 12/6 và số 58/13 (số mới 58/4) Lũy Bán Bích, P.Tân Thới Hòa, Q.Tân Phú mà Công ty Tân Hoàng Thắng mang thế chấp cho ngân hàng SCB tại thời điểm ký 2 hợp đồng trên đã hoàn thành, nghiệm thu và bàn giao căn hộ cho người dân sử dụng, không còn là tài sản hình thành trong tương lai.

Đối với hợp đồng tín dụng số 29/HĐT.TH-SCB-CNGĐ.09, Cục Thanh tra Giám sát ngân hàng Tp.HCM cũng nhận định, ngân hàng SCB - Chi nhánh Gia Định chưa thẩm định đầy đủ nhu cầu vốn của khách hàng. Cụ thể, tổng nhu cầu vốn của Công ty Tân Hoàng Thắng là 135,369 tỷ đồng, SCB cho vay 90 tỷ đồng, số tiền còn lại SCB chưa thẩm định rõ khách hàng huy động từ nguồn nào để hoàn thiện dự án. Sau đó, SCB tiếp tục cho Tân Hoàng Thắng vay 67 tỷ đồng. Chính điều này khiến cư dân chung cư Rubyland vô cùng bức xúc, vì sao Công ty Tân Hoàng Thắng không đủ điều kiện vay nhưng được giải ngân một cách dễ dàng, phải chăng có sự thông đồng giữa ngân hàng và chủ đầu tư  nên ngân hàng SCB “nhắm mắt” cho vay như vậy?!

Ngân hàng khó thu hồi vốn

Theo tìm hiểu của PV Môi trường & Đô thị điện tử, hiện Công ty Tân Hoàng Thắng không còn khả năng chi trả nợ cho ngân hàng SCB. Ngoài ra, doanh nghiệp này đang vướng nhiều sai phạm tại dự án Rubyland.

Theo đó, ngoài chung cư căn hộ, dự án Rubyland có 1 trường tiểu học - trung học cơ sở, 1 trung tâm thể dục - thể thao, nhưng cả 2 hạng mục này đều không có giấy phép xây dựng. Ngoài ra, theo Sở Xây dựng, hiện Tân Hoàng Thắng chưa đóng phí bảo trì 2% tại chung cư Rubyland.

Hợp đồng thế chấp gữa SCB và Công ty Tân Hoàng Thắng

Ông Nguyễn Văn Mùi, một cư dân sinh sống tại chung cư Rubyland bức xúc, nếu như ngân hàng SCB thực hiện đúng các quy trình thẩm định tài sản, thẩm định hồ sơ vay vốn, kiểm tra, đánh giá doanh nghiệp... thì giờ này người dân không phải khốn đốn với các khoản nợ của chủ đầu tư như vậy. Nghiêm trọng hơn, việc Công ty Tân Hoàng Thắng mang chung cư cầm cố ngân hàng đã khiến nhiều người trước nguy cơ bị mất nhà!

Thực tế, do Công ty Tân Hoàng Thắng không còn khả năng trả nợ nên ngân hàng SCB chỉ còn "chiếc phao" duy nhất là 2 hạng mục trên. Vì vậy, cư dân nghi ngờ việc SCB lén lút thỏa thuận với từng hộ dân nhằm gán nợ thay cho Công ty Tân Hoàng Thắng là có cơ sở.

Thiết nghĩ rằng, với những hành vi trên đây của lãnh đạo ngân hàng SCB thì Ngân hàng Nhà nước nên sớm có động thái thanh tra, kiểm toán để tránh làm thất thoát nguồn vốn và đảm bảo lợi ích cho cư dân khi họ đã mua nhà mà bị người khác mang đi cầm cố.

Môi trường & Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin!

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Cư dân Rubyland kêu cứu! (Bài 3). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới