Thứ ba, 19/03/2024 14:35 (GMT+7)

Vì sao giá chung cư tăng dễ, khó giảm?

MTĐT -  Thứ năm, 06/08/2020 17:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng giá nhà đã liên tục tăng trong 2 quý đầu năm 2020.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng công bố ngày 4/8, số lượng dự án nhà ở được cấp phép trong quý 2 tăng mạnh so với quý 1.

Cụ thể, trong quý 2, trên địa bàn cả nước có 325 dự án với 70.317 căn hộ được cấp phép; 73 dự án với 8.901 căn hộ hoàn thành; 1.425 dự án với 246.781 căn hộ đang xây dựng. Nếu trong quý 1, Hà Nội và TP.HCM không có dự án nào được cấp phép thì sang quý 2, Hà Nội có 8 dự án, TP.HCM có 4 dự án.

Đáng chú ý, bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng so với quý 1/2020, giá chung cư Hà Nội tiếp rục tăng khoảng 0,16%. Trong đó, giá căn hộ bình dân tăng khoảng 0,77%, giá căn hộ trung cấp tăng khoảng 0,51%, giá căn hộ cao cấp giảm khoảng 0,27%. Giá nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 0,01% so với quý trước.

Còn tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25%. Trong đó, giá căn hộ bình dân tăng khoảng 0,94%, giá căn hộ trung cấp tăng khoảng 0,64%, giá căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 0,04%. Giá nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 0,15%.

Với bất động sản công nghiệp, giá thuê tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước. Dù ảnh hưởng dịch bệnh nhưng bất động sản công nghiệp vẫn thu hút khách thuê.

Như vậy, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng giá nhà đã liên tục tăng trong 2 quý đầu năm 2020. Theo báo Đất Việt, lý giải về điều này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng không có gì là nghịch lý hay bất thường khi giá nhà ở tăng, bất chấp dịch Covid-19.

Ông Đính cho hay, các sản phẩm nhà ở tại các đô thị hầu như đang khan hàng. Ngay dòng sản phẩm cao cấp dù đang còn tồn đọng trên thị trường song số lượng này không phải là quá lớn. Chưa kể, với xu thế thị trường hướng đến phát triển các dòng sản phẩm nhà ở ở phân khúc trung cấp và bình dân nên dự báo sản phẩm nhà ở cao cấp sẽ thiếu hàng trong khi thị trường vẫn có nhu cầu.

"Dù lúc này ít người xuống tiền cho dòng sản phẩm nhà ở cao cấp hơn các sản phẩm khác, nhưng chủ đầu tư các dự án nhà ở cao cấp không quan tâm nhiều đến chuyện đó. Họ biết hàng bán chậm và thậm chí họ còn gần như không tung hàng ra bán.

Chủ đầu tư vẫn xác định đây là dòng sản phẩm có thể bán được và thời gian tới có thể không có nhiều hàng ở phân khúc này nữa vì dự án cao cấp đều nằm ở vị trí đắc địa, mà những vị trí như vậy thì không còn nhiều nữa", ông Đính chỉ rõ.

Theo ông, với phân khúc căn hộ trung cấp và bình dân nhu cầu người dân rất lớn nhưng lại không có hàng để xuống giá.

Thời điểm hiện tại xin một dự án vô cùng khó. Các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM hầu như không phê duyệt dự án mới, nghĩa là nguồn cung trong tương lai sẽ rất hạn chế, đặc biệt từ nay đến cuối năm và trong năm 2021.

Các chủ đầu tư không cần bận tâm đến việc thu nhập của người có nhu cầu mua nhà bị suy giảm do ảnh hưởng của đại dịch. Họ đã xác định không cần phải cạnh tranh với ai để bán được hàng và cứ tăng giá nhà ở dù sức tiêu thụ đang chậm.

Cần lưu ý rằng, sức tiêu thụ chậm là do đại dịch Covid-19 chứ không phải do thị trường yếu đi. Trong tương lai, giá nhà ở còn có khả năng tăng nữa vì khan hàng.

Theo các chuyên gia, để kéo giá bán BĐS đến vừa tầm tay người mua nhà cần có sự cải cách trong cơ chế phê duyệt dự án cũng như mở ra những ưu đãi cho các doanh nghiệp phát triển nhà giá rẻ.

Từng chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, cần khơi thông nguồn cung mới giải quyết được vấn đề làm giá nhà đất hiện nay. Tính đến cuối 2018 có tới 126 dự án nhà ở có quỹ đất tổng hợp bị tắc vì thủ tục đầu tư. Từ đó đến nay, các doanh nghiệp không còn trình xin đầu tư thêm dự án nào. Điều này tất yếu dẫn đến thị trường khan hàng và cơ hội để đầu cơ làm giá.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao giá chung cư tăng dễ, khó giảm?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới