Thứ bảy, 20/04/2024 05:48 (GMT+7)

Vì sao phát triển nhà ở xã hội vẫn còn nhiều khó khăn?

MTĐT -  Thứ tư, 08/05/2019 17:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng việc phát triển nhà ở xã hội tại nước ta còn nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn.

Hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở

Theo báo Hà Nội mới thông tin, mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, hiện phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở xã hội giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70- 80% thị trường nhưng nguồn cung đang mất cân đối.

Thị trường bất động sản đang dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, bán giá cao; thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu đại bộ phận dân cư đô thị.

Đặc biệt, sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã giải ngân hết, từ cuối tháng 12/2016 đến nay, việc triển khai chương trình nhà ở xã hội đã bị ách tắc. Hầu hết các dự án nhà ở xã hội đang triển khai bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Cụ thể, có 226 dự án, quy mô xây dựng khoảng 182.200 căn hộ, tổng diện tích sàn khoảng 9.110.000m2 đang tạm dừng thi công vì thiếu vốn.

Thị trường bất động sản đang dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, bán giá cao; thiếu sản phẩm nhà ở bình dân.

Tại Hội thảo phát triển NƠXH tại Việt Nam: Giải pháp và kinh nghiệm quốc tế diễn ra tại Hà Nội diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, đến năm 2020, các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở này, cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ.

Theo báo KTĐT, PGS. TS Nguyễn Hồng Thục - Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ đã cố gắng để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung NƠXH cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, như việc quỹ đất hạn hẹp tại khu vực trung tâm. Trong khi hạ tầng kết nối trung tâm với các khu vực ngoại thành đang được kiện toàn nên người dân không muốn di dời đến những khu vực mới.

“Việc bố trí vốn đầu tư là một trong những vấn đề nan giải nhất đối với quá trình phát triển NƠXH, trong đó có vốn vay để cho chủ đầu tư xây dựng dự án và vốn vay cho người có nhu cầu mua nhà. Giai đoạn 2018 - 2020, Nhà nước sẽ bố trí khoảng 2.000 - 3.000 tỷ đồng làm vốn vay mua NƠXH, nhưng nhu cầu thực tế đã cao gấp hàng chục lần” - ông Thục nói.

Còn nhiều vướng mắc

Phát triển NƠXH không còn là vấn đề mới hiện nay. Tại các quốc gia lân cận như: Singapore, Hàn Quốc... đã phát triển NƠXH từ thập niên 60, 70 thế kỷ trước và họ đã xây dựng được hệ thống pháp lý về NƠXH tương đối chặt chẽ.

Những năm qua, Chính phủ Việt Nam cũng có nhiều nỗ lực trong phát triển NƠXH cả về chính sách và thực tiễn, như Luật Nhà ở 2014 quy định chặt chẽ về nhà ở xã hội, hay Nghị định 100/CP nêu chi tiết, cụ thể về chính sách thực hiện nhà ở xã hội. Trong đó đề cập đến nhiều vấn đề như quy hoạch, đất đai, tài chính, tiêu chuẩn, thuế và đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Theo đó, các dự án nhà ở thương mại, các dự án đô thị phải dành 20% diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội. Đối với dự án dưới 10ha, có thể linh động nộp bằng tiền, quỹ đất, quỹ nhà tương đương với giá trị đó. Đối với những dự án trên 10ha bắt buộc phải xây dựng nhà ở xã hội.

Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều cơ chế tích cực để thúc đẩy sự phát triển của thị trường nhà ở xã hội như: các chủ đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội được miễn hoàn toàn tiền sử dụng đất, miễn giảm các loại thuế giá tri gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Xây dựng từng nhận định, mặc dù Chính phủ đã cố gắng khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, nhưng lộ trình này vẫn còn gặp nhiều vướng mắc. Tốc độ đô thị hóa nhanh, quỹ đất ngày càng hạn hẹp nên việc lựa chọn nguồn cung về quỹ đất gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong khu vực trung tâm.

Trong khi đó, hệ thống hạ tầng chưa được kết nối giữa khu vực trung tâm và các vùng lân cận. Đây là một khó khăn lớn mà Chính phủ cần có những giải pháp tích cực hơn để phát triển hạ tầng kết nối. Như vậy, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội xa trung tâm mới có thể khả thi.

Bên cạnh đó là khó khăn về nguồn vốn, mặc dù Nhà nước đã có hỗ trợ về đầu tư công, tuy nhiên việc bố trí chưa kịp thời cũng ảnh hưởng phần nào đến việc chậm trễ trong công tác triển khai. Nhu cầu cần 1 triệu đơn vị nhà ở xã hội, nhưng thực tế mới chỉ đáp ứng được khoảng 30%. Đây là vấn đề mà chúng ta cần phải nhìn nhận và đánh giá lại.

Từng trao đổi với CAND về vấn đề này, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam cho rằng, NƠXH hiện nay “đầu vào không có mà đầu ra cũng không”. Ông Nam chỉ ra rằng, quỹ đất không thiếu, mà thiếu vốn cho doanh nghiệp xây nhà và thiếu tiền để người dân mua nhà.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, những năm qua, chất lượng nhà ở của người dân đã dần được nâng lên, tuy nhiên thị trường bất động sản phát triển không cân đối, chỉ tập trung vào phân khúc nhà ở cao cấp, nhà ở quy mô lớn…, còn hơn 70% người dân không tiếp cận được với nhà ở.

Về cơ chế, chính sách cho nhà ở xã hội, ông Nam cho rằng, khung pháp luật đã quy định tương đối đầy đủ nhưng ý thức của một bộ phận cán bộ lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương "chưa thực sự muốn phục vụ người dân, chưa thực sự ý thức được tầm quan trọng của việc phát triển nhà ở xã hội".

Đối với vấn đề quỹ đất cho nhà ở xã hội, luật pháp quy định phải dành 20% trong tổng quỹ đất dành cho các dự án phát triển nhà ở thương mại và đô thị để làm nhà ở xã hội. "Tuy nhiên, khi kiểm tra, rất nhiều doanh nghiệp không thực hiện việc này. Nhưng không thực hiện không phải lỗi của doanh nghiệp, mà do lỗi của chính quyền. Thực tế Hà Nội và TP.HCM  không phê duyệt 20% tổng quỹ đất này", ông Nam cho biết.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao phát triển nhà ở xã hội vẫn còn nhiều khó khăn?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...