Thứ tư, 24/04/2024 05:01 (GMT+7)

Vì sao Vicem xin bán trụ sở nghìn tỷ trên khu 'đất vàng' Hà Nội?

MTĐT -  Thứ hai, 10/06/2019 17:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mới đây, Tổng Công ty Xi măng (Vicem) xin bán trụ sở 31 tầng tại khu đất vàng 8.467m2 tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội để thu hồi vốn.

Theo báo Tiền Phong, Dự án văn phòng Vicem Tower được cấp phép năm 2011 và dự kiến hoàn thành 3 năm sau đó. Dự án được xây dựng theo quy mô hạng A trên diện tích 8.476m2, bao gồm tòa nhà cao 31 tầng nổi và bốn tầng hầm, với tổng diện tích sàn khoảng 78.270m2, trong đó phần nổi khoảng 54.000m2, đáp ứng 200 chỗ đỗ xe ngầm. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 1.952 tỷ đồng.

Thời điểm Vicem được giao làm chủ đầu tư dự án, nhiều người kỳ vọng công trình sẽ tạo ra bộ mặt, diện mạo mới cho hoạt động kinh doanh của khu vực này. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn “án binh bất động”, “đắp chiếu”, công trường không có bất kỳ hoạt động xây dựng nào, cỏ hoang mọc ở nhiều nơi, hàng rào bao quanh đã xuống cấp. Bên cạnh đó, số vốn đầu tư đã tăng lên 2.743 tỷ đồng, tăng thêm gần 800 tỷ đồng so với ban đầu.

Dự án bỏ hoang nhiều năm qua của Vicem tọa lạc trên đường Phạm Hùng, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Internet.

Trong báo cáo, Vicem cho biết từ năm 2016 đã có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về chủ trương tìm nhà đầu tư chuyển nhượng dự án nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về chủ trương thoái vốn lĩnh vực ngoài ngành. Chủ trương này cũng được cơ quan quản lý như Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng ý trên tinh thần bảo đảm nguyên tắc thị trường và thu lại lợi ích tối đa cho Nhà nước.

Ngày 10/3/2017, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 2243/VPCP-CN đề nghị Bộ Xây dựng tiếp thu ý kiến của các Bộ ngành có liên quan để chỉ đạo việc chuyển nhượng dự án Trung tâm Điều hành và giao dịch Vicem của Tổng công ty. Theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Xây dựng và UBND TP.Hà Nội, Tổng công ty đã gia hạn thời gian hoàn thành dự án tới ngày 31/12/2020.

Ngày 20/2/2019, Vicem có văn bản 272/Vicem-HĐTV trình Bộ Xây dựng đề xuất phương án chuyển nhượng toàn bộ dự án với giá chuyển nhượng không thấp hơn chi phí đầu tư, đảm bảo thu hồi vốn nhà nước.

Hiện Tổng công ty cho biết đã thuê Công ty cổ phần Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam đánh giá, đề xuất phương án xử lý dự án. Đến nay cơ bản các bộ, ngành liên quan đã đồng ý cho Vicem bán trụ sở, Vicem đã báo cáo Bộ Xây dựng việc tìm nhà đầu tư mua lại trụ sở.

Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 1.952 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), theo đó doanh thu thuần năm 2018 của Vicem đạt 27.867 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2017, lợi nhuận gộp của Vicem đạt 4.907 tỷ đồng, tăng 6,3%.

Năm 2018 Vicem ghi nhận 161 tỷ đồng doanh thu tài chính (phần lớn là lãi chênh lệch tỷ giá và lãi tiền gửi, tiền cho vay), tăng 67%; trong khi ghi nhận 985 tỷ đồng chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay), giảm 34%. Tổng công ty này cũng ghi nhận 1.080 tỷ đồng chi phí bán hàng và 1.096 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, tương đương năm 2017.

Kết thúc năm 2018, Vicem ghi nhận lợi nhuận trước thuế 2.389 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2017.

Mặc dù có kết quả kinh doanh khả quan như vậy, nhưng trong năm 2018, trong một báo kết quả tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2017 của Vicem được Bộ Tài chính công bố đã tiết lộ hàng loạt các công ty con của Vicem làm ăn thua lỗ.

Đáng nói, không chỉ công trình trên, theo VTCNews, Vicem cũng đầu tư và sa lầy ở loạt dự án khác. Trong đó đáng chú ý có: Dự án Khu đô thị xi măng Hải Phòng hơn 45 tỷ đồng, Dự án xây dựng khu tổng hợp Vĩnh Tuy hơn 60 tỷ đồng, Khu đô thị Xi măng Bình Phước…

Được biết, dự án xây dựng khu tổng hợp Vĩnh Tuy được triển khai từ tháng 7/2012. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2015, nhưng đến nay do dự án có tổng mức đầu tư quá lớn, giá thuê văn phòng ngày càng giảm, khối lượng thực hiện chỉ đạt giá trị khoảng trên 60 tỷ đồng, và Vicembuộc phải xem xét chủ trương dừng thực hiện dự án.

Tháng 1/2019, Vicem có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng cho phép tiếp tục quản lý, sử dụng khu đất 122 Vĩnh Tuy để đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như đảm bảo tiến độ cổ phần hóa. Vicem cho hay, sau cổ phần hóa, căn cứ yêu cầu sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, tái cấu trúc, Vicem sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền việc sử dụng diện tích đất trên.

Dự án Khu đô thị xi măng Hải Phòng có diện tích 78,5ha, tổng mức đầu tư 4.092 tỷ đồng. Được khởi công từ tháng 12/2009 với thiết kế tháp đôi 35 tầng, một số toà 20 tầng, khách sạn 5 sao, khu siêu thị, văn phòng cao cấp, biệt thự, công viên...

Tuy nhiên sau nhiều năm xây dựng, dự án chậm tiến độ và phát sinh nhiều hệ lụy. Dự án sau đó được chuyển cho Vingroup thực hiện. Theo báo cáo tài chính Vicem, số tiền hơn 45 tỷ đồng còn lại sẽ được hoàn trả khi Vingroup thanh toán.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao Vicem xin bán trụ sở nghìn tỷ trên khu 'đất vàng' Hà Nội?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới