Thứ tư, 24/04/2024 04:02 (GMT+7)

Xử lý nợ quỹ bảo trì chung cư: Cần giải pháp mạnh

MTĐT -  Thứ sáu, 07/12/2018 09:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc Sở Xây dựng Hà Nội công bố “danh tính” 9 chủ đầu tư “chây ỳ” không chịu trả quỹ bảo trì chung cư cho cư dân đã phần nào thể hiện được sự cứng rắn của cơ quan chức năng khi xử lý vấn đề này.

Đây cũng là cơ sở để cư dân có các biện pháp mạnh tay hơn nữa trong hành trình đòi quyền lợi của chính mình.

Khởi kiện chủ đầu tư “om” quỹ bảo trì

Cuối tháng 10 vừa qua, cư dân tại chung cư Star City (81 Lê Văn Lương) đã tạo ra tiền lệ chưa từng có khi khởi kiện hình sự chủ đầu tư (CĐT) “om” 30 tỷ đồng quỹ bảo trì 2%. Trước đó, chung cư này cũng nổi đình nổi đám về hành trình hơn 3 năm ròng rã đòi quỹ bảo trì (nhưng đến nay chưa có kết quả). Bà Đinh Thị Cẩm Vân, thành viên Ban quản trị chung cư Star City bức xúc: “Ước tính quỹ 2% (khoảng 30 tỷ đồng) liên tục bị đá bóng trách nhiệm. Cực chẳng đã, sau khi Thủ tướng Chính phủ ra Thông tư với nội dung được khởi tố hình sự cho hành vi chiếm dụng quỹ bảo trì, cư dân buộc phải thực hiện đơn tố giác gửi cơ quan công an” - Được biết, Star City được Cty CP Đầu tư & Thương mại Vneco (Vneco) quản lý, vận hành. Ocean Group đứng ra bán căn hộ thuộc dự án theo hợp đồng góp vốn giữa hai bên được ký ngày 07/11/2009. Tính từ thời điểm cư dân sinh sống ổn định, hồ sơ thiết kế, hoàn công, kinh phí bảo trì chưa được Vneco Hà Nội lẫn Ocen Group công khai.

Theo tính toán của những người trong nghề, 2% giá trị hợp đồng mua bán căn hộ, phí bảo trì chung cư một dự án trung bình thu được cả chục tỷ đồng. Riêng những chung cư cao cấp, quỹ bảo trì có khi lên đến hàng trăm tỷ đồng… Nhẩm nhanh, chỉ cần gửi tiết kiệm có kỳ hạn với lãi suất 6 - 7%/năm, với đơn vị chục tỷ đồng đã mang lại cho CĐT khoản tiền lãi chừng 2 - 5 tỷ đồng mỗi năm. Đây là số tiền không hề nhỏ nên CĐT cố tình phớt lờ quy định để "om" quỹ.

Miệt mài hành trình đi đòi tiền của chính mình là thực tế ngược đời của không ít dự án trên địa bàn Hà Nội. Mới đây nhất, vào ngày 24/11, cư dân chung cư cao cấp Hòa Bình Green City (Q.Hai Bà Trưng) tiếp tục “rồng rắn” căng băng rôn yêu cầu CĐT giải quyết nhiều cam kết. Trong đó, có việc chưa hoàn trả hàng chục tỷ đồng phí bảo trì. Việc quỹ bảo trì hiện gửi tại ngân hàng nào, tới dấu hỏi quản lý ra sao đã khiến dư luận nhớ lại không ít “hình mẫu” về chiếm dụng quỹ bảo trì trong quá khứ gần.

Cần giải quyết tận “gốc” vấn đề

Ông Đỗ Chí Dũng - Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, năm 2018 Sở Xây dựng đã có báo cáo UBND TP đề nghị ban hành văn bản yêu cầu các CĐT trên bàn giao đầy đủ kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư cho Ban quản trị. Nhưng đến thời điểm này, các CĐT vẫn chưa nghiêm túc thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định tại Luật Nhà ở. Từ thực tế đó, Sở Xây dựng đã công khai 9 chủ đầu tư công trình cao tầng trên địa bàn TP.

Hiện Sở Xây dựng Hà Nội đã trình TP phương án cưỡng chế qua tài khoản của 9 dự án chây ỳ không trả kinh phí bảo trì của người dân. Danh sách những Cty bị cưỡng chế đợt này phần lớn do bị cư dân tố cáo lên các cơ quan chức năng và TP Hà Nội. Cộng đồng cư dân các tòa nhà vì thế cần thông báo thông tin chây ỳ kinh phí bảo trì lên các cơ quan chức năng sớm, để các đơn vị này có sự can thiệp, công khai kịp thời, tránh việc CĐT sử dụng tiền vào việc khác khó thu hồi lại. Ngoài ra, cơ quan quản lý còn tính đến phương án không cấp phép dự án mới, cưỡng chế, ngừng thi công đối với dự án có dấu hiệu thiếu “khỏe mạnh” về tài chính, chây ỳ quỹ bảo trì của cư dân.

Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề này, theo ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cần phải có quy định chặt chẽ việc thu - nộp phí bảo trì ngay từ khi người dân mua nhà. Không thể chờ đến khi vào ở, tiền vào tay CĐT hết mới kéo nhau đi đòi số tiền này.

Các chuyên gia cho rằng, việc Bộ Xây dựng kiến nghị Bộ Công an tiến hành khởi tố các CĐT cố tình chây ỳ không bàn giao quỹ bảo trì chung cư là khả thi. Trường hợp CĐT có mục đích chiếm đoạt quỹ bảo trì nhà chung cư, sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư vào mục đích trái với hợp đồng mua, thuê mua nhà đã ký giữa hai bên, trái với các quy định pháp luật, thì hành vi này có thể sẽ bị truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 175, Bộ luật Hình sự 2015.

Các công trình còn “nợ” quỹ bảo trì 2% của cư dân gồm:

Cty CP Xây dựng số 3 (Vinaconex 3) - CĐT dự án xây dựng nhà chung cư CT1 khu nhà ở Trung Văn - P.Trung Văn, Q.Nam Từ Liêm; Cty CP Sông Đà - Thăng Long, Cty CP Đầu tư xây dựng Ba Đình số 1 là CĐT nhà chung cư CT5AB khu đô thị Văn Khê, P.La Khê, Q.Hà Đông; Cty CP Tập đoàn Bắc Hà - CĐT cụm nhà chung cư Bắc Hà C14, P.Trung Văn, Q.Nam Từ Liêm; Cty CP Cơ khí xây dựng số 18 (COMBA 18), CĐT nhà chung cư Westa, P.Mộ Lao, Q.Hà Đông; Liên danh Cty CP ĐT Kinh doanh và phát triển Hạ tầng Phúc Hà - Cty CP Đầu tư và xây dựng Việt Nam (Vinaconi), CĐT dự án chung cư Nam Xa La, P.Phúc La, Q.Hà Đông; Cty CP Xây dựng số 1 sông Hồng, CĐT dự án Nhà chung cư CT3 Trung Văn, P.Trung Văn, Q.Nam Từ Liêm; Cty CP Sông Đà 1.01, CĐT dự án chung cư Hemisco, P.Phúc La, Q.Hà Đông; Cty CP Xây dựng số 2 - Vinaconex, CĐT Tòa tháp C1 - VC2 Golden Silk khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, P.Đại Kim, Q.Hoàng Mai.

Theo Báo Xây dựng

Bạn đang đọc bài viết Xử lý nợ quỹ bảo trì chung cư: Cần giải pháp mạnh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới