Thứ tư, 24/04/2024 14:42 (GMT+7)

Cháy nổ chung cư làm 'nóng' nghị trường Quốc hội

MTĐT -  Thứ tư, 13/11/2019 16:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 13/11, Quốc hội họp phiên toàn thể thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014-2018.

Báo cáo giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014-2018 có nhiều con số giật mình.

Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người

Theo vov, trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462 ha rừng.

Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5 ha rừng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 09 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 01 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3 ha rừng.

Trong giai đoạn giám sát, toàn quốc đã thẩm duyệt PCCC đối với 58.504 dự án, công trình; tổ chức nghiệm thu về PCCC cho 29.230 dự án, công trình. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt. Ảnh: TTXVN.

Tính đến tháng 7/2018, còn 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo báo cáo của Chính phủ, chủ yếu là do chủ đầu tư tự ý điều chỉnh thiết kế, thi công sai so với thiết kế được duyệt, lựa chọn, lắp đặt các hệ thống, thiết bị phòng cháy và chữa cháy không đồng bộ, kém chất lượng dẫn đến hệ thống không hoạt động theo đúng chức năng nên chưa đủ điều kiện để được nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.

Mặt khác, do sức ép về thời hạn xây dựng công trình nên chủ đầu tư phải bàn giao nhà cho người dân vào ở, trong khi chưa hoàn thiện hệ thống kỹ thuật phòng cháy và chữa cháy. Việc xử lý đối với các công trình này còn gặp nhiều khó khăn do liên quan đến mặt bằng kết cấu xây dựng và kinh phí đầu tư khắc phục.

Buông lỏng trong quản lý

Theo TTXVN, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng cháy, chữa cháy thời gian qua, đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) cho rằng, công tác quản lý nhà nước còn có sự buông lỏng. Qua giám sát thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương, công tác quản lý đô thị xây dựng theo quy hoạch, thiết kế thiếu đồng bộ, thiếu kiểm tra, kiểm soát. Một số hộ chung cư cao tầng rào chắn ban công kiên cố, không có lối thoát hiểm, rất khó khăn cho việc cứu người. Khi có sự cố, lực lượng phòng cháy, chữa cháy rất khó khăn di chuyển phương tiện chữa cháy vào nơi có đám cháy, đặc biệt là khu chung cư cao tầng.

Theo đại biểu, phương tiện chữa cháy đến nay mới chỉ thiết kế đến tầng thứ 20; đường chữa cháy giữa các khu dân cư liền kề, các trung tâm thương mại, chợ lớn bị rào chắn do cơi nới các mái che. Tuy nhiên, chính quyền, ban quản lý chợ, ban quản lý chung cư làm ngơ, không xử lý. Các quán karaoke thường xây nhà ở, sau đó mới chuyển đổi, cải tạo công năng, ở xen kẽ dân cư. Các phòng hát không đảm bảo các chất chống cháy, phòng hát chỉ có một cửa độc đạo, trong khi đó chủ nhà hàng không được đào tạo về kiến thức phòng cháy, chữa cháy...

Từ những bất cập này, đại biểu kiến nghị, cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng, tập huấn diễn tập, chỉ dẫn kỹ năng cho người dân, đặc biệt là đội dân phòng, đội phòng cháy, chữa cháy tại các khu chung cư, khu công nghiệp, nhà hàng karaoke, các trung tâm chợ lớn, các điểm dịch vụ, xăng dầu, ga, khí đốt... Đồng thời, các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát tổ chức, cá nhân kinh doanh, đảm bảo cơ cấu lực lượng biên chế hợp lý, bố trí các cấp chính quyền địa bàn trọng điểm đảm bảo phòng cháy, chữa cháy tại chỗ; xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm; kiên quyết yêu cầu trang bị đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy mới cho phép hoạt động.

Phát biểu tại buổi thảo luận sáng nay, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm ban hành, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực PCCC, bởi còn nhiều văn bản không theo kịp thực tiễn đời sống. Đồng thời, có giải pháp chấn chỉnh tình trạng kiểm tra của cơ quan PCCC là “chỗ triệt, chỗ để” nếu công trình đó mua thiết bị đúng nơi cán bộ PCCC giới thiệu, nếu mua không đúng thì sẽ bị làm khó dễ.

Còn đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) dẫn nhận định của Báo cáo giám sát cho thấy, hiệu quả tuyên truyền đối với công tác PCCC chưa cao. Người dân ít được tham gia vào công tác này. Nhiều cơ quan, công ty chủ yếu làm đối phó, làm cho có. Như vậy sao có thể đạt hiệu quả như mong muốn.

“Đã có nhiều vụ cháy lớn, nhiều người chết, thiệt hại vật chất rất nghiêm trọng, nhưng xử lý trách nhiệm vấn đề này thời gian qua như thế nào?”, đại biểu Xuân đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhận trách nhiệm

Cũng tại phiên thảo luận, theo vov, khi giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm  về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018”, chiều 13/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, riêng về PCCC trong lĩnh vực xây dựng hiện nay 3 luật: Luật PCCC, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở; ít nhất 4 Nghị định và nhiều Thông tư của các Bộ điều chỉnh. Trong đó có quy định rất cụ thể trong các khâu từ thẩm định phê duyệt dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật, kiểm tra nghiệm thu công trình.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà báo cáo giải trình trước Quốc hội, chiều 13/11. Ảnh: VOV.

Hiện có 8 quy chuẩn và 26 tiêu chuẩn quy định cụ thể về quy hoạch đường giao thông phục vụ PCCC, các trạm bơm, bố trí trụ nước, phòng cháy báo cháy, ngăn cháy lan, chữa cháy... Cũng có quy định cụ thể về phòng chống cháy trong một số công trình chuyên ngành như chung cư cũng như quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản trị toà nhà, mua bảo hiểm cháy nổ...

Trong khâu tổ chức thực hiện, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho biết, có nhiều tiến bộ, cố gắng nhưng còn nhiều bất cập, đặc biệt là thực hiện quy định trong công tác quy hoạch, xây dựng, thẩm định, nghiệm thu công trình. Đây là những tiền đề quan trọng mà nếu làm tốt sẽ hạn chế tối đa vấn đề cháy cũng như giảm hậu quả do cháy nổ gây ra.

Ông Phạm Hồng Hà cũng thừa nhận việc kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm dẫn đến chủ đầu tư có biểu hiện “nhờn”.

“Tôi xin nhận trách nhiệm về hạn chế khuyết điểm trong thực hiện chức năng của Bộ. Thời gian, tới chúng tôi sẽ làm hết sức mình góp phần khắc phục hạn chế, bất cập trong PCCC” – Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.

Đề cập giải pháp, ông Phạm Hồng Hà cho biết sẽ tập trung cao cho bổ sung hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, nhất là quy chuẩn, tiêu chuẩn. Bởi hiện nay có những vật liệu xây dựng mới, cũng như quy mô, chiều cao công trình đã khác, hay công trình đa năng... cần có quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp về PCCC.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Cháy nổ chung cư làm 'nóng' nghị trường Quốc hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.