Thứ sáu, 19/04/2024 13:54 (GMT+7)

Chống ngập ở Sài Gòn: Người dân sẽ phải chi trả phí?

MTĐT -  Thứ tư, 10/06/2020 15:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo Phân viện kinh tế xây dựng Miền Nam xác định, mức giá dịch vụ chống ngập trên địa bàn TP.HCM là 3.668 đồng/m2/tháng. Tuy nhiên, mức giá này đang vướng phải nhiều ý kiến trái chiều.

Phân viện kinh tế xây dựng Miền Nam (Bộ Xây dựng) vừa hoàn thành phương án giá dịch vụ chống ngập trên địa bàn TP.HCM. Đây là chương trình được phân viện này thực hiện theo đơn đặt hàng của Sở Xây dựng TP.HCM.

Để cho ra con số này, Phân viện kinh tế xây dựng Miền Nam và Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP (Sở Xây dựng) đã thông nhất lấy công trình chống ngập của Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (về đặt hàng cung cấp dịch vụ chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh áp dụng công nghệ chống ngập kiểu mới) làm căn cứ, cơ sở để xây dựng định mức, đơn giá dịch vụ chống ngập theo m2.

Phân viện kinh tế xây dựng Miền Nam xác định, mức giá dịch vụ chống ngập trên địa bàn TP.HCM là 3.668 đồng/m2/tháng. Tuy nhiên, giá thuê này khi áp dụng công nghệ khác để chống ngập có thể căn cứ vận dụng điều chính, tính toán lại các mục chi phí cho phù hợp.

Phí chồng thuế, người dân chịu thiệt

Trao đổi với báo Thanh Niên về phương án này, KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch, không đồng tình với việc yêu cầu người dân phải đóng phí dịch vụ chống ngập vì 2 lý do: Thứ nhất, việc tính giá dịch vụ theo mét vuông là không hợp lý. Mỗi điểm ngập có những nguyên nhân khác nhau, không thể tính toán trên diện tích mét vuông, rồi áp dụng chung cho cả TP. Thứ hai, tác nhân gây ngập cho TP.HCM không phải người dân.

Chi phí chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh được sử dụng để đưa ra đơn giá đề xuất.

Ông Sơn phân tích: Tại Việt Nam mà đặc biệt là TP.HCM, nguyên nhân chính gây ngập là do phát triển thiếu bền vững, đô thị hóa tràn lan, nhà cao tầng bạ đâu “cắm” đấy, thiếu không gian dành cho nước và không nâng cấp hạ tầng. Bằng chứng là có rất nhiều khu vực như “rốn ngập” Nguyễn Hữu Cảnh, trước đây không ngập. Từ khi hàng loạt dự án, cao ốc mọc lên thì vừa mưa đã ngập. Mặt khác, việc các dự án được “cắm” vô tội vạ, bê tông hóa toàn TP gây ngập là hệ quả của việc buông lỏng quản lý trong cấp phép quy hoạch, xây dựng.

Theo ông Sơn, tại các nước phát triển, trước khi cấp phép quy hoạch và xây dựng cho 1 công trình, họ sẽ phải đánh giá tác động môi trường để tính toán phương án của chủ đầu tư đưa ra, với hạ tầng hiện hữu sẽ gây ngập, kẹt xe, ô nhiễm như thế nào. Chi phí này do chủ đầu tư bỏ tiền để nhà nước đứng ra thuê 1 đơn vị độc lập phân tích. Sau đó, cơ quan quản lý phải thương lượng, điều chỉnh quy hoạch để giảm tác động môi trường tới mức ít nhất. Nếu chủ đầu tư không muốn điều chỉnh phương án, gây ngập thì sẽ phải chịu trách nhiệm, đóng góp kinh phí cho nhà nước làm hạ tầng thoát nước. Trong khi đó tại Việt Nam, luật Đánh giá tác động môi trường có nhưng do chính nhà đầu tư tự thực hiện, thường đánh giá qua loa để được cấp phép. Như vậy, nguyên nhân gây ngập là do các nhà đầu tư hạ tầng, bất động sản và sự buông lỏng quy hoạch của chính quyền, không phải lỗi của người dân.

“Chống ngập là dịch vụ công. Người dân đã phải đóng thuế và nhà nước có trách nhiệm đảm bảo họ được sống ở nơi không có ngập lụt. Nay vì lỗi do chính quyền, do doanh nghiệp, người dân tự nhiên phải chịu ngập rồi còn phải trả tiền chống ngập nữa thì quá vô lý”, KTS Ngô Viết Nam Sơn nói thẳng và cho rằng thay vì chạy theo các dự án công trình tốn kém, thì TP trước tiên phải rà soát, thương lượng lại với các nhà đầu tư đã được cấp phép. Công trình nào đã xây rồi thì đánh giá lại tác động môi trường và yêu cầu góp chi phí xây dựng công trình chống ngập. Công trình nào chưa xây mà không đảm bảo phương án chống ngập thì tạm ngưng, không cho tiếp tục.

Còn theo TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM) lại cho rằng, việc thu giá dịch vụ chống ngập là điều hoàn toàn nên làm.

Cũng như các dịch vụ công khác, chúng ta vẫn đóng thuế nhưng khi đi bệnh viện phải đóng viện phí, đi học phải đóng học phí, di chuyển đóng phí đường bộ thì tại sao chống ngập phải giữ bao cấp? Đối với tất các lĩnh vực, phải dựa trên quy luật kinh tế chung: Thu đủ bù chi. Nếu ngân sách không đáp ứng được thì phải thu thêm”, ông Phi phân tích và cho rằng việc nói TP.HCM ngập do lỗi quy hoạch là đúng, nhưng đây chỉ là một phần nguyên nhân. Các hiện tượng thiên tai như nước biển dâng, mưa nhiều hơn, sụt lún... đều nằm ngoài các giải pháp quy hoạch.

Cơ sở tính giá dịch vụ không hợp lý?

Cũng trao đổi với Đất Việt về phương án này, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cho rằng, việc lấy dự án chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh bằng máy bơm để làm căn cứ, cơ sở tính giá dịch vụ chống ngập ở TP.HCM là không hợp lý.

Vì tình hình địa chất mỗi vùng trên địa bàn TP.HCM là khác nhau, chẳng hạn, quận Thủ Đức, quận 12 tương đối cao hơn các vùng khác, địa chất vững chắc hơn, còn Bình Chánh là vùng trũng, nền đất mềm... Vì lẽ đó, không thể "bình quân chủ nghĩa", áp dụng chung cho cả thành phố được.

"Phải nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân gốc vì sao ngập ở đoạn đó rồi tìm ra hướng khắc phục, không thể hoàn toàn trông chờ vào nhà thầu. Thành phố không thể thuê một đơn vị làm, họ thi công theo kiểu nào, khắc phục ra sao... không ai biết, cách làm đó thiếu chỉn chu, thiếu khoa học và không thuyết phục.

Chúng ta có các nhà khoa học, các chuyên gia địa chất, xây dựng, thủy lợi và phải tập hợp họ lại, lập một hội đồng chẩn đoán nguyên nhân ngập, cách khắc phục với sự tư vấn kỹ thuật của các nhà khoa học, nhà chuyên môn", PGS.TS Nguyễn Lê Ninh nói.

Đồng quan điểm, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (cũ) khẳng định: "Ngập úng không rõ như tưới, tưới có kênh mương, có máy bơm, còn ngập úng do trời mưa, triều cường... Ngày xưa, những công việc như tiêu úng, chống ngập hoàn toàn do Bộ Thủy lợi chịu trách nhiệm, chỉ có tưới mới làm định mức để tiết kiệm và ta có thể chủ động được"

Đối với TP.HCM, theo vị nguyên Thứ trưởng, TP vẫn có thể chuyển chống ngập thành dịch vụ nhưng không thể lấy dự án chống ngập bằng máy bơm ở đường Nguyễn Hữu Cảnh của Công ty Quang Trung làm cơ sở tính giá dịch vụ chống ngập của TP bởi lẽ giá của dự án này quá cao.

"Ở dự án chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Công ty Quang Trung không phải đấu thầu. Họ muốn thắng cho được và sau này có thể rộng cửa vào TP.HCM nên sẵn sàng chịu tất cả các chi phí. Trong khi thực tế, các chi phí không hề rẻ, đặc biệt nó có liên quan đến khấu hao hệ thống bơm, mà khấu hao thì rất đắt vì đầu tư hệ thống máy bơm hàng chục nghìn m3 rất nhiều tiền.

Dĩ nhiên, cũng phải lưu rằng việc chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh của Công ty Quang Trung sau đó không hiệu quả vì vướng ngập ở các nơi đổ về, không ngăn được.

Bây giờ, TP.HCM muốn chuyển chống ngập sang dịch vụ thì phải tính theo các phương án, mà ở mỗi phương án đó triều cường đạt đến cao độ nào. Trong tính toán này sẽ có rủi ro vì có những đường ngập ở phía dưới mà hiện nay khảo sát của ta không làm được, kể cả vệ tinh không chụp được.

Phần rủi ro này Nhà nước phải chịu, còn nếu giao cả rủi ro cho nhà thầu thì không bao giờ chống ngập được", GS.TS Vũ Trọng Hồng nói.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Chống ngập ở Sài Gòn: Người dân sẽ phải chi trả phí?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?