Thứ bảy, 20/04/2024 01:30 (GMT+7)

Chung cư mọc nhanh hơn cây xanh, đô thị biến thành “đảo nhiệt độ”

MTĐT -  Chủ nhật, 14/06/2020 17:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Biến đổi khí hậu, thiếu mảng xanh đã khiến nhiệt độ tại trung tâm thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM tăng cao hơn nhiều so với khu vực lân cận.

Biến đổi khí hậu đang khiến mùa hè trở nên khắc nghiệt hơn bao giờ hết. Miền Bắc vừa trải qua đợt nắng nóng kéo dài nhất trong vòng 27 năm qua.

Đặc biệt, do ảnh hưởng bởi hiệu ứng 'đảo nhiệt đô thị', nhiệt độ tại trung tâm thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM tăng cao hơn nhiều so với khu vực lân cận.

Hiện tượng này được gọi là hiệu ứng đảo nhiệt đô thị và đang gây ra tác động ngày càng lớn đến các đô thị nói chung.

Có thể hiểu đảo nhiệt đô thị là hiện tượng nóng lên ở khu vực trung tâm của thành phố hay sư chênh lệch giữa nhiệt độ của đô thị lõi và với khu vực ngoại ô, nông thôn xung quanh. Hiện tượng đảo nhiệt đô thị đã được nghiên cứu từ những năm 20 của thế kỷ trước tại thành phố London, Anh.

Hiện tượng “đảo nhiệt đô thị” – urban heat island (UHI), được định nghĩa là hiện tượng mà tại cùng thời điểm, nhiệt độ trung bình ở khu vực phát triển đô thị với nhiều công trình nhân tạo cao hơn ở khu vực công viên và nông thôn có môi trường tự nhiên xung quanh.

Nhiệt độ ở TP.HCM, Hà Nội cao hơn các tỉnh lân cận. Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia, thiếu mảng xanh chính là nguyên nhân khiến các thành phố lớn không tránh khỏi hiện tượng đảo nhiệt đô thị.

Thực tế tại các khu đô thị, chung cư mới tại Hà Nội và TP.HCM có rất ít khoảng không dành cho cây xanh, hồ nước.

Trên địa bàn TP. Hà Nội, tại những nơi tập trung dân cư đông đúc lại càng “hiếm” không gian xanh công cộng. Rõ ràng, những “lá phổi xanh” của đô thị đang bị đe doạ nghiêm trọng, khiến cho không gian sống của con người thêm bí bách, ngột ngạt, không được đảm bảo.

Báo cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố cho thấy, tại Hà Nội và TP.HCM, tỷ lệ trung bình diện tích cây xanh trên đầu người khoảng 2 m². Mật độ này không đạt quy chuẩn của đô thị (khoảng 7 đến 9 m²) và bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới.

Các đô thị lớn thiếu không gian xanh trầm trọng. 

Trao đổi với báo Chính phủ, GS, TS Phan Văn Tân - Khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, nắng nóng gay gắt tại Hà Nội những ngày qua, được cho có sự đóng góp một phần của hiệu ứng đảo nhiệt thành phố.

Do ảnh hưởng bởi hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, nhiệt độ tại trung tâm Hà Nội (tương tự như tại các thành phố lớn, như TP .HCM) tăng cao hơn nhiều so với khu vực lân cận.

“Đối với những khu vực thành phố, quá trình đô thị hoá tăng nhanh là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tính khắc nghiệt của thời tiết, đặc biệt trong những ngày hè oi ả. Đô thị hoá với hàng loạt toà nhà cao ốc mọc lên san sát, mặt đất bị bê tông hoá, diện tích mặt thoáng bị thu hẹp, thiếu bốc hơi nước,... làm tăng cường hiệu ứng đốt nóng bức xạ, cả bức xạ mặt trời và bức xạ nhiệt. Hệ quả là các khu vực thành phố thường có nhiệt độ cao hơn những vùng nông thôn chung quanh. Người ta gọi đó là hiệu ứng đảo nhiệt thành phố, hay đảo nhiệt đô thị”, giáo sư Tân nói.

Với hiệu ứng này, về ban ngày có thể làm cho nhiệt độ trong thành phố cao hơn các vùng chung quanh tới 1-3 độ C đối với những thành phố chỉ khoảng 1 triệu dân. Với những thành phố đông dân, nhiều nhà cao tầng, mật độ cây xanh và diện tích ao hồ ngày càng giảm, lưu lượng giao thông lớn, luôn xảy ra ùn tắc như Hà Nội (cũng như tại một số đô thị lớn như TP.HCM) thì mức chênh lệch này còn lớn hơn nhiều.

Hiệu ứng đảo nhiệt thành phố cộng với sự nóng lên toàn cầu đã trở thành mối lo của người dân ở những khu đô thị trong những ngày hè nóng bức. Không những thế, hệ quả của sự bê tông hoá bề mặt cộng với khả năng thoát nước hạn chế còn là nguyên nhân gây nên ngập lụt thành phố khi có mưa lớn.

Để giảm nhẹ hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, GS, TS Phan Văn Tân cho rằng, giải pháp quan trọng nhất là phải có quy hoạch thành phố một cách hợp lý. Một thành phố quy hoạch hợp lý phải bố trí mật độ dân cư, hệ thống giao thông, diện tích mặt nước thoáng, diện tích cây xanh có quy chuẩn.

“Cây xanh ngoài vai trò điều tiết thành phần khí quyển còn làm giảm sự đốt nóng trực tiếp của bức xạ mặt trời đối với nền bê tông. Cây xanh không chỉ trồng trên bề mặt đất mà có thể cả trên mái nhà, dọc các bức tường, hành lang, sân thượng... Nếu không thể tăng diện tích ao, hồ thì ít nhất cũng đừng thu hẹp nữa và có thể tăng diện tích mặt nước thoáng bằng các bồn nước, đài phun nước. Đó sẽ là giải pháp làm tăng lượng bốc hơi, làm dịu bớt cái nóng mùa hè”, giáo sư Tân đề nghị.

Các khu dân cư đông đúc thường rất ít mảng xanh. Ảnh: Zing.

Ông cũng cho biết thêm, “Mật độ giao thông lớn và nạn ùn tắc giao thông cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng làm gia tăng hiệu ứng đảo nhiệt thành phố (và ô nhiễm không khí). Hãy làm một phép tính đơn giản: Giả sử mỗi ngày có khoảng 2 triệu lượt người đi trên đường trong thành phố, mỗi người phải lãng phí mất 30 phút do ùn tắc giao thông, sơ bộ có khoảng 2 triệu lít xăng bị đốt do phải chờ. Lượng khí thải cộng với sự toả nhiệt của động cơ sẽ làm gia tăng đáng kể nhiệt độ môi trường”.

Bởi vậy, ông Tân đề xuất: Việc tính toán quy hoạch giao thông là hết sức cấp bách. Theo đó cần giảm lượng xe máy trong đô thị, tăng phương tiện giao thông công cộng. Vấn đề khai thác không gian ngầm trong lòng thành phố, như xây dựng tuyến tàu điện ngầm cũng sẽ góp phần giảm hiệu ứng đốt nóng của đô thị. Tuy nhiên những vấn đề này không thể một sớm một chiều giải quyết được, giải pháp trước mắt mà chính quyền các đô thị cần làm là không cho xây dựng tiếp những khu chung cư khu vực đã quá đông dân cư. Cần chấm dứt những hiện trạng quy hoạch kiểu như chặt cây xanh mở đường, lấp ao hồ, đầm lầy để xây dựng các khu đô thị hay công trình công cộng.

Minh Tuệ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Chung cư mọc nhanh hơn cây xanh, đô thị biến thành “đảo nhiệt độ”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...