Thứ sáu, 29/03/2024 04:06 (GMT+7)

Dịch vụ công trực tuyến của Hà Nội còn nhiều tồn tại và bất cập

PV -  Thứ hai, 20/05/2019 16:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù chi nhiều tiền cho việc ứng dụng CNTT, với hy vọng hỗ trợ đắc lực cho cơ quan nhà nước cũng như người dân nhưng phần mềm dịch vụ công trực tuyến của Hà Nội lại đang gặp nhiều tồn tại.

Hà Nội đặt mục tiêu đến 2020 trở thành thủ đô thông minh, phấn đấu đứng đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin. Doanh nghiệp Nhật Cường Software được thành phố “chọn” để thực hiện nhiều dự án quan trọng về ứng dụng CNTT.

Để triển khai nhiệm vụ này, UBND TP.Hà Nội ban hành Quyết định 6699/QĐ-UBND ngày 6/12/2016 về thuê dịch vụ cung cấp phần mềm khai thác cơ sở dữ liệu dân cư, triển khai dịch vụ công trực tuyến và ứng dụng điều hành, phục vụ công dân, doanh nghiệp. Thuộc chương trình Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP.Hà Nội năm 2016 (đợt 2). Tổng giá trị phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu gồm 1 gói thầu trị giá 10,7 tỉ đồng. Theo Văn bản số 2847/UBND-KGVX, ngày 12.6.2017 của Hà Nội, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường chính là đơn vị được Hà Nội lựa chọn.

Đầu năm 2017, Công ty Nhật Cường Software đã triển khai phần mềm Dịch vụ công trực tuyến (eSAM). Đây là dịch vụ hành chính công của Hà Nội được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân khắp các xã, phường trên môi trường mạng và được chia thành 4 cấp độ.

Phần mềm Dịch vụ công trực tuyến (eSAM) còn rất nhiều bất cập

Việc triển khai phầm mềm eSAM hứa hẹn sẽ trợ giúp các cơ quan chính quyền, đoàn thể tiếp cận xử lý hồ sơ của người dân và doanh nghiệp một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất… Giúp ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giảm tải công việc cho cán bộ nhà nước đồng thời giảm việc đi lại gửi công văn qua bằng đường bộ cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên ở nhiều cơ quan đơn vị nhà nước, nhất là cán bộ một cửa cấp xã, phường, quận huyện lại phản ánh tình trạng lỗi và "khổ sở" khi sử dụng phầm mềm dịch vụ công trực tuyến eSAM. Đánh giá về phần mềm dịch vụ công trực tuyến một cán bộ huyện Chương Mỹ cho rằng phầm mềm còn rất nhiều bất cập. “Đầu tiên việc cập nhật phần mềm, mỗi lần đăng nhập lại yêu cầu cập nhật một lần, mỗi lần đó phải mất 20 đến 25 phút để cập nhật", theo cán bộ này "đó là riêng việc cập nhật phầm mềm chứ chưa nói đến việc khác… tất cả làm mất quá nhiều thời gian, vì chúng tôi còn rất nhiều việc khác phải làm, đặc biệt là cán bộ một cửa ở cấp xã còn nhiều việc hơn chúng tôi".

Bên cạnh đó, một số cán bộ phản ánh tình trạng "Phần mềm hoàn toàn không hiểm thị hồ sơ đến, thông thường có hồ sơ mới phải có thông báo, đằng này chúng tôi hoàn toàn phải tự seach lại xem có hồ sơ xem là có hồ sơ mới không, đây cũng là bất cập".

"Nhiều cán bộ ở xã có lượng hồ sơ lớn việc tìm kiếm mất thời gian và đồng thời dễ bị bỏ sót hồ sơ mà không kiểm soát được… các biểu mẫu đều không theo một quy chuẩn nào" cán bộ này cũng mong muốn phía công ty Nhật Cường điều chỉnh sớm.

Trong hệ thống dịch vụ về cấp phép xây dựng có phần là “nội dung điều chỉnh” chỗ này có nhiều thông tin về như là “diện tích xây dựng, số tầng, hệ số sử dụng đất… trong khi đó phần mềm chỉ để có 1 dòng là không đủ để ghi”.

Ngoài ra, mẫu của giấy phép xây dựng cũng gặp nhiều bật cập về ngày được cài đặt mặc định trong mẫu…đặc biệt trong mẫu giấy phép xây dựng các ký tự chữ còn gặp lỗi về văn bản, chỗ cần viết hoa lại không viết hoa….“khi chúng tôi in ra các chữ đều viết hoa” cán bộ này chia sẻ.

Còn lỗi phát sinh trong quá trình tác nghiệp

Tương tự tại thị xã Sơn Tây, theo báo cáo số 764-BC/TU ngày 8 tháng 4 năm 2019 của địa phương này về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về "đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu bền vững và hội nhập quốc tế”.

Báo cáo nêu rõ, hiện nay "kết quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến của thị xã còn có mặt còn hạn chế, khả năng ứng dụng CNTT của một bộ phận người dân còn hạn chế, khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ công mức độ 3,4. Việc nhập hồ sơ hành chính qua mạng ở cấp xã hiện nay chủ yếu do công chức hướng dẫn hỗ trợ người dân thực hiện nên mất nhiều thời gian, nhân lực'.

Thông thường việc lựa chọn sản phẩm, phầm mềm phải đảm bảo tiêu chí về thực hiện đầy đủ, chính xác, đồng bộ, thống nhất, minh bạch và kịp thời các quy định thủ tục hành chính. Tạo ra sự liên thông giữa nhiều đơn vị. Tuy nhiên theo báo cáo của huyện ủy Sơn Tây “hiện nay mới có phần mềm xử lý văn bản dùng chung cho khối chính quyền, trong khi khối Đảng, đoàn thể mới chỉ có hòm thư công vụ và phần mềm Lotusnot. Chưa có phần mềm xử lý văn bản dùng chung cho khối Đảng, đoàn thể”. Đây là nguyên nhân khó khăn trong việc xử lý, lưu trữ và khai thác thông tin.

Theo báo cáo của thị ủy này, hiện địa phương “chưa có đường truyền trực tuyến từ Thành ủy đến các xã, phường do đó khi tổ chức học tập các nghị quyết, chỉ thị từ Thành ủy đến cơ sở phải tổ chức nhiều lớp gây tốn kém”. Những nguyên nhân được thị ủy Sơn Tây chỉ là ra là việc "ứng dụng dùng chung liên quan đến dịch vụ công trực tuyến đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nên còn lỗi phát sinh trong quá trình tác nghiệp".

Bên cạnh đó, thời gian mở lớp đào tạo, bồi dưỡng các nội dung liên quan đến công nghệ thông tin của thành phố còn chưa kịp thời, thường tập trung vào các tháng cuối năm, gây khó khăn cho cán bộ, công chức sắp xếp công việc để đi học.

Mục tiêu đến năm 2020 đi đầu trong cả nước về phát triển CNTT còn xa vời?

Việc ứng dụng CNTT nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Bên cạnh đó nó giúp cho thành phố thực hiện các mục tiêu về cải cách hành chính, hướng đến đơn giản hóa các thủ tục... tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội cũng như hội nhập quốc tế.
Ở chiều ngược lại hệ thống hạ tầng CNTT và các dịch vụ công nói riêng nếu hoạt động không mang lại hiệu quả sẽ kéo theo là sự thụt lùi, kìm hãm sự phát triển... gây là lãng phí tiền của ngân sách và cũng như thời gian công sức của cán bộ và nhân dân.

Có thể nói việc sử dụng phầm mềm dịch vụ công trực tuyến của thành phố hiện nay vẫn tồn tại nhiều bất cập. Trong đó việc rà soát, thống nhất quy trình, biểu mẫu của các thủ tục hành chính còn chậm so với yêu cầu. Tỷ lệ hồ sơ giao dịch trực tuyến cao, nhưng phần lớn do cán bộ, công chức hỗ trợ người dân và tổ chức để họ thực hiện. Cán bộ phải sử dụng nhiều phần mềm giải quyết TTHC cùng lúc làm tăng khối lượng công việc của cán bộ thụ lý...trong khi đó phần mềm được đánh giá là còn chậm và phát sinh lỗi.

Được biết ngày 26/12/2012 thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định số 6109/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển Công nghệ thông tin thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó đến năm 2020, thành phố phấn "Phát triển công nghệ thông tin thành phố Hà Nội đi đầu trong cả nước, hướng tới xây dựng xã hội thông tin. Xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến, hiện đại đáp ứng yêu cầu trao đổi thông tin".

Thành phố phấn đấu mục tiêu "Xây dựng và phát triển Thành phố điện tử với công dân điện tử, chính quyền điện tử, doanh nghiệp điện tử, giao dịch và thương mại điện tử. Ứng dụng rộng rãi và sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Đảng, đoàn thể, cơ quan nhà nước; trong các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục, y tế và các ngành kinh tế trọng điểm của Thủ đô....Công dân được sử dụng cơ sở dữ liệu dùng chung của Thành phố, được cung cấp thông tin minh bạch, thuận lợi, kịp thời và các dịch vụ trên mạng ở các cấp độ khác nhau...."

Tuy nhiên so với những gì đang diễn ra thì mục tiêu đi đầu cả nước về phát triển CNTT còn xa vời!

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Dịch vụ công trực tuyến của Hà Nội còn nhiều tồn tại và bất cập. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.