Thứ sáu, 29/03/2024 03:12 (GMT+7)

Đô thị thông minh: Sự lạc quan có điều kiện

MTĐT -  Thứ sáu, 10/07/2020 09:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong 20 năm tới, có 70% dân số sẽ sống trong các đô thị. Cuốn sách "Đô thị thông minh, Tương lai xán lạn" khẳng định rằng, thế giới ngày mai sẽ là một thế giới của đô thị. Bạn tin hay không thì tùy.

Nhưng “đô thị thông minh” là gì? Một cách nói “thời trang”, “hợp trend” của những nhà hoạch định chính sách đô thị khi muốn tỏ ra có hiểu biết hay muốn rót tiền trang bị một hệ thống máy móc làm việc mới, chuyển từ thô sơ sổ sách sang dữ liệu số hóa? Hơn thế, đó còn là một cách nói đi cùng trào lưu nhất nhất cái gì cũng phải “bốn chấm không” mà hỏi đến cùng thì hóa ra chỉ là một khu phố được lắp đặt modem phát wifi miễn phí? Hay có khi là khẩu hiệu “chính phủ điện tử” nghe ra to tát với tham vọng chế ngự những đám mây từ trời nọ bay vù vù sang trời kia?

Có lẽ mọi diễn ngôn mà chúng ta đã nghe về “đô thị thông minh” thời gian qua sẽ cần được minh định lại bằng một cuốn sách cung cấp một hình dung căn bản như thế này. Một cuốn sách không chỉ truyền đến chúng ta nguồn cảm hứng về việc xây dựng mô hình đô thị thông minh, mà còn từ trên cơ sở những hiểu biết về cơ hội lẫn rủi ro, nhắc ta những điều kiện cơ sở cần thiết và cứu cánh của đô thị thông minh là gì.

Bằng phương pháp kết hợp giữa nghiên cứu và báo chí, hai tác giả cuốn sách này đưa người đọc đi vào “bản trình diễn về tương lai” của mình bằng những tri thức thiết thực, xóa tan những ảo tưởng hay thói quen trào lưu, nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc, thận trọng hơn.

Một trong những ý quan trọng mà cuốn sách đề cập đó là tư duy đô thị thông minh chỉ xoay quanh công nghệ và khoa học dữ liệu (đây là cách nghĩ phổ biến) thì thật thiển cận.

Nói như ý kiến của nhà nghiên cứu, doanh nhân Boyd Cohen được dẫn trong cuốn sách này, thì có ba cấp độ của trào lưu đô thị thông minh: công nghệ làm động lực; công nghệ tạo điều kiện, đô thị dẫn đầu; và người dân đồng kiến tạo. Ở đó, mỗi đô thị, cùng với những điều kiện đặc thù, sẽ có một sự tiến triển khác nhau. Điều cốt yếu nhất là các chương trình phải hướng đến con người làm trung tâm: “Một đô thị thông minh phải cung cấp cho cư dân những năng lực và chất liệu họ cần có để tìm thấy hạnh phúc, thành đạt và phồn vinh”.

Tác giả dẫn dắt người đọc đi một vòng qua các mô hình đô thị thông minh ở châu Mỹ (New York, Kansas City, Portland, Palo Alto...) và châu Âu (Amsterdam, Nice, Vienna, Barcelona, Copenhagen...), Trung Đông và châu Á (Melbourne, Singapore, Tel Aviv...) gặp gỡ những nhà tiên phong kiến tạo, giới nghiên cứu và cung cấp dịch vụ, trao đổi với họ những quan điểm đúc kết từ quá trình thực hành hiệu quả. Ngoài ra, cuốn sách còn mở ra đường dẫn của trang Bee Smart City để giúp độc giả khảo sát về các chỉ số hiệu suất của việc triển khai các đô thị thông minh toàn cầu.

Đô thị, bản thân nó, đã là một giấc mơ bất tận hướng về tương lai của con người. Đó là bản trình bày không cùng của những nỗ lực hướng đến một đời sống thịnh vượng, tốt đẹp hơn.

Một trong những vấn đề được các chuyên gia trong cuốn sách này thảo luận khi đề cập tới đô thị thông minh, đó là xây dựng hệ thống dữ liệu mở và xây dựng hệ thống hợp tác công - tư (PPP) mang ý nghĩa thiết yếu. Hệ thống dữ liệu mở đi vào đời sống dân sinh, giải quyết các vấn đề an toàn cho con người.

Ví dụ một dự án toàn cầu như Vision Zero đã được các nước Âu, Bắc Mỹ dùng để quản lý luồng giao thông, giúp giảm tai nạn trên đường và tắc nghẽn lưu thông. Hệ thống Cary thuộc Bắc California quản lý việc đọc đồng hồ nước mà người dân sử dụng thật chính xác, thu thập 1 tỉ điểm dữ liệu về sử dụng, tiết kiệm 10 triệu USD chi phí nâng cấp hệ thống đồng hồ nước...

Cuốn sách này còn cung cấp những ý tưởng cải thiện chất lượng sống trong mỗi khu dân cư cho đến vận chuyển trong các đô thị di động. Đôi khi, việc xây dựng một hệ thống điều hướng giúp người ta tìm thấy chỗ đỗ xe hợp lý, một không gian làm việc chung giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mặt bằng và nhân viên văn phòng có nguồn cảm hứng mới... Có những dự án chỉ hướng đến những nhóm dân cư thuần nhất, đủ năng lực kiểm soát và vận hành với mức độ hiệu quả cao.

Nhưng, đô thị thông minh rõ ràng không chỉ vẽ ra một viễn kiến tốt đẹp, mà theo đó là những nghi ngại, tranh cãi: liệu sự tự do, quyền cá nhân có bị đem ra đặt cược vào dữ liệu lớn? Các chính phủ có biết đâu là điểm dừng trong việc quản trị xã hội và theo dõi, do thám thông tin cá nhân? Quyền riêng tư và sự ẩn danh sẽ bị hy sinh vì những tiện ích?

Với thị dân trong các đô thị lớn của Việt Nam, niềm lạc quan sẽ giúp chúng ta... Ảnh minh hoạ. Nguồn: Alex Thiện

Nhà nghiên cứu Andrew Guthie Ferguson từ Đại học Columbia, tác giả cuốn The Rise of Big Data Policing cho rằng: “Bạn có thể xây dựng một kiến trúc bảo vệ quyền riêng tư vào các hệ thống giám sát đô thị thông minh của mình. Nhưng bạn phải xây dựng nó ngay từ đầu chứ không đợi đến khi quá muộn”.

Các tác giả cuốn sách này thì đưa ra 6 chương trình hành động mang tính chỉ báo về đô thị thông minh: nền kinh tế thông minh, môi trường thông minh, chính quyền thông minh, lối sống thông minh, vận chuyển thông minh và con người thông minh. Họ cũng đưa ra bảng danh sách các tổ chức cung cấp thông tin, dịch vụ, hỗ trợ các sáng kiến đô thị thông minh để tham khảo.

Suy cho cùng, như một ý kiến được trích dẫn trong cuốn sách này, đô thị thông minh được xây dựng để giúp nâng cao giá trị chất lượng sống của thị dân. Và nó là một hành trình có tính vị lai. Bởi, đô thị, bản thân nó, đã là một giấc mơ bất tận hướng về tương lai của con người. Đó là bản trình bày không cùng của những nỗ lực hướng đến một đời sống thịnh vượng, tốt đẹp hơn. Tác giả sách, một là nhà báo và một là chuyên gia truyền thông nên tác phẩm có nhiều dấu ấn của hiệu ứng truyền thông, nhưng điều thú vị là nó mang đến cho người đọc sự lạc quan.

Với thị dân trong các đô thị lớn của Việt Nam, niềm lạc quan sẽ giúp chúng ta ít ra cũng nuôi hy vọng rằng con cái mình sẽ có những Shangri-La, Atlantis, Shambhala... ở nơi chúng sống chứ không đâu xa. Nơi đó, một ngày sẽ thoát khỏi bụi mịn, kẹt xe, ngập nước và mất an toàn khi ra đường mà không can thiệp thêm vào quyền riêng tư!

Theo Nguyễn Tường/nguoidothi

Bạn đang đọc bài viết Đô thị thông minh: Sự lạc quan có điều kiện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.