Thứ sáu, 29/03/2024 01:19 (GMT+7)

Dự thảo nghị quyết chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế

Diệp Anh -  Thứ năm, 04/03/2021 08:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý Tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp Chính phủ để khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở đó, giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua theo quy định; thời hạn gửi hồ sơ tài liệu đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 5/3/2021.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung nội dung dự thảo Nghị quyết nêu trên vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, soạn thảo theo trình tự thủ tục rút gọn và thông qua tại một kỳ họp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương gửi các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến Bộ Tư pháp theo quy định. 

Sau 10 năm Thừa Thiên Huế thực hiện Kết luận 48-KL/TW ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”. Do đó, với cách tiếp cận, cách nhìn và quan điểm mới để phát triển Thừa Thiên Huế lên một tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của một thành phố có đặc thù về di sản, bề dày lịch sử văn hóa, thành phố xanh, thông minh và hiện đại, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế khác so với quy định của luật hiện hành đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế đi đôi với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế; phù hợp với quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội - văn hóa. Mô hình đô thị đối với Thừa Thiên Huế là cần thiết để tạo điều kiện cho tỉnh có thêm cơ hội huy động nguồn lực, tập trung đầu tư, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như mục tiêu tại Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.

Đây là quyết sách, công cụ quan trọng nhất để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trong đó cho phép áp dụng các tiêu chí đặc thù về quy mô, mật độ dân số, cân đối thu chi ngân sách, thu nhập bình quân đầu người… trong đánh giá phân loại đô thị và phân loại đơn vị hành chính đô thị; thí điểm mô hình đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc trung ương; và xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm góp phần giúp Thừa Thiên Huế phát huy nội lực, huy động được tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa; tạo nguồn thu ngân sách bền vững, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, thân thiện, hiệu quả, minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kêu gọi, thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Một góc đô thị Huế. Ảnh: internet

Trong những năm qua, dù còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những phát triển vượt bậc. Nổi bật là kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá, bình quân ước đạt 6,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người ở mức cao so với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Ðã kiên trì thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; trong đó, dịch vụ và công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, dịch vụ phát triển đa dạng, du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; kinh tế biển và đầm phá đang dần trở thành động lực phát triển. Nhiều dự án đầu tư lớn được cấp phép, triển khai, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Khẳng định và phát huy vai trò là trung tâm văn hóa, du lịch có thương hiệu quốc gia và khu vực. Công nghiệp - xây dựng tăng khá, các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề được quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Hình thành các khu đô thị mới, khu nhà ở cao cấp thuộc khu đô thị mới An Vân Dương, làm thay đổi bộ mặt đô thị. Nông nghiệp phát triển ổn định; thị xã Hương Thủy, huyện Quảng Ðiền là hai đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Ðã chú trọng phát triển kinh tế gắn bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Nhiều phong trào và hoạt động bảo vệ môi trường được phát động, lan tỏa ngày càng sâu rộng và có hiệu quả thiết thực.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch, phát triển đô thị đạt những kết quả tích cực. Kết cấu hạ tầng, bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại. Toàn tỉnh có 14 đô thị; tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 54%. Nhiều công trình, dự án quan trọng về giao thông, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, đê chắn sóng được tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ðề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế được triển khai quyết liệt. Ðặc biệt, đã phát huy hiệu quả bốn trung tâm: văn hóa, du lịch; y tế chuyên sâu; khoa học - công nghệ; giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước. Trong đó, nổi bật là công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Văn hóa Huế, con người Huế, bản sắc, đặc trưng Huế được quan tâm, chú trọng gìn giữ, phát huy và hội nhập tích cực. /.

Bạn đang đọc bài viết Dự thảo nghị quyết chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.