Thứ năm, 25/04/2024 12:05 (GMT+7)

Bộ Giao thông vận tải “bỏ rơi” cầu vượt Dầu Giây!

Nguyên Lộc – Thiên Sách -  Thứ tư, 25/11/2020 13:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

3 năm “ôm” dự án cầu vượt Dầu Giây, Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị trực thuộc đã khiến cho người dân và chính quyền sở tại điêu đứng!

Không chỉ vậy, các phương tiện đi lại qua khu vực này cũng hết sức ngán ngẩm, kêu trời...

Ám ảnh đại công trường

Dự án nút giao thông ngã tư Dầu Giây kết nối quốc lộ 20 với quốc lộ 1 đoạn qua Đồng Nai khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ giải quyết “điểm đen” giao thông trên quốc lộ 1. Dự án gồm có các hạng mục chính là xây dựng cầu vượt Dầu Giây dọc theo quốc lộ 1, mặt cắt ngang cầu 16m với 4 làn xe cơ giới. Phần nút giao được mở rộng cả trên quốc lộ 1 và quốc lộ 20; mở rộng một đoạn quốc lộ 20 dài khoảng 1,5km từ nút giao Dầu Giây về hướng TP.Đà Lạt... Dự án được đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng bằng nguồn vốn dư thuộc dự án khôi phục, cải tạo quốc lộ 20 đoạn Dầu Giây - Bảo Lộc.

 Bảng thông tin dự án

Ngày 12/2/2017, nút giao Dầu Giây khởi công xây dựng, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào tháng 3/2018. Thế nhưng, đến nay gần hết tháng 11/2020, tức 3 năm sau ngày khởi công mà dự án mới chỉ đạt tiến độ khoảng 60% về xây dựng. Trên thực tế, việc thi công phần cầu vượt đã dừng từ tháng 1/2019. Theo tính toán sơ bộ, do thời gian thi công kéo dài, tổng vốn đầu tư cho toàn bộ dự án buộc phải “đội” lên thêm khoảng 150 tỷ đồng.

Việc đại công trình đang thi công bỗng dừng lại khiến mọi thứ đảo lộn. Đầu tiên là giao thông khu vực xung quanh ngã tư Dầu Giây tồi tệ hơn bao giờ hết. Nút giao Dầu Giây từ lâu là tên gọi khá quen thuộc với giới xe tải xe khách vì là ngã ba (hiện đã là ngã tư) cắt qua quốc lộ 1A lên thành phố sương mù Đà Lạt, giờ đây trở thành nỗi ám ảnh đáng sợ khi đi qua. “Ùn tắc, kẹt xe hàng cây số, kéo dài hàng giờ là cảnh quen thuộc ở đây 2 năm nay” một cán bộ huyện Thống Nhất mô tả. Còn theo những cư dân tại Dầu Giây, cảnh kẹt xe hàng ngày, cộng với không khí nóng bức, bụi khói đã đe dọa nghiêm trọng cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của họ.

 Tai nạn chết người thương tâm

Theo ghi nhận của phóng viên, sáng ngày 20/11, đại công trường đã ngừng thi công nhiều tháng nay. Trên công trường chỉ còn lại duy nhất một người bảo vệ hai tháng nay chưa trả lương. Máy móc, phương tiện thi công đã chuyển đi nơi khác, bê tông, sắt thép ngổn ngang hoen rỉ…

Nhiều tảng bê tông, tôn che chắn để thi công phân luồng đã trở thành vật cản khuất tằm nhìn. Tai nạn thường xảy ra cho người đi xe máy tại bốn trụ cột cầu vượt ngay ngã tư. Các trụ cột này như bức tường che khuất tầm nhìn người qua lại, chỉ cần xe máy cua qua, gặp lúc ô tô hay đầu kéo trờ tới là gây tai nạn thương tâm…

“Từ khi thi công đến nay, đã có hàng chục nạn nhân tử vong cùng vô số vụ tai nạn gây thương tâm tại công trình này. Nguyên nhân chính là do khi lưu thông qua đoạn cua để vào đường cong tránh cầu vượt có đoạn rất tối, có đoạn thì bị bóng đèn chói mắt vì bị treo cẩu thả. Đến nay, các vấn đề này vẫn không xử lý hay khắc phục, bỏ mặc cho người tham gia giao thông sống chết ra sao!”- người chạy xe ôm tại nút giao Dầu Giây phản ánh.

Một chủ quán nước tại đây còn cho biết: “Chỉ riêng trong tháng 7/2020, đã có 4 vụ tai nạn giao thông do xe tải nặng tông nhau. Nguyên nhân là do thi công cẩu thả, mặt đường có nhiều ổ voi ổ gà, phân luồng bị che chắn tầm nhìn nên gây ra tai nạn. Đến rạng sáng 1/8 có thêm 2 vụ tai nạn liên tục nữa khiến dư luận vô cùng bức xúc, phải có người chịu trách nhiệm chứ ???”.

 Sắt thép đã hoen rỉ, xuống cấp khi công trình dừng lại quá lâu

Con số chính thức mà chính quyền huyện Thống Nhất cho biết là tính từ ngày khởi động công trình đến tháng 11/2020, số người chết vì tai nạn giao thông liên quan đến công trình rất giật mình: 14 người chết, hàng chục người bị thương, xe cộ hư hỏng rất nhiều.

Trước thực trạng công trình ngổn ngang như giăng bẫy người tham gia giao thông, nơi mà hàng ngày lưu lượng giao thông theo hồ sơ thống kê năm 2017 là 25.000 lượt ô tô và 30.000 xe máy/ ngày. Con số này ngày càng lớn, song sự bất động của công trình đã dẫn đến hậu quả ngày càng khó lường.

Chính quyền cũng ...khóc!

Chính quyền huyện Thống Nhất, nơi hứng trọn dự án nút giao Dầu Giây, đã như kiến bò chảo nóng khi tình hình càng lúc càng tồi tệ. Họ cũng đã làm hết sức mình. Theo ông Trần QuangTuấn, Trưởng Phòng Kinh tế & Hạ tầng, UBND huyện Thống Nhất: “Đến nay, đã có ít nhất 4 văn bản gửi đơn vị thi công đôn đốc việc thực hiện đảm bảo an toàn và đẩy nhanh tiến độ. Thanh tra Giao thông Cục Quản lý đường bộ cũng nhiều lần lập biên bản phạt hành chính vì thi công mất an toàn rồi nhưng tình hình vẫn vậy”.

 Sắt thép đã hoen rỉ, xuống cấp khi công trình dừng lại quá lâu

Cũng theo ông Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT làm việc với các đơn vị liên quan bố trí nguồn vốn nhằm thi công hoàn chỉnh cầu vượt nút giao Dầu Giây. Tuy nhiên, đến nay, dự án đã chậm tiến độ nhiều năm, việc thi công dở dang khiến tình hình giao thông tại khu vực này rất phức tạp, thường xuyên xảy ra ùn tắc, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông làm chết người thương tâm.

Dự án xây dựng cầu vượt nút giao Dầu Giây do Công ty cổ phần BT 20 – Cửu Long làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ tháng 3/2017, theo kế hoạch, tháng 3/2018, công trình sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, trong năm 2017 và 2018, chủ đầu tư và đơn vị thi công lấy lý do vướng giải phóng mặt bằng nên dự án thi công cầm chừng. Từ năm 2019 đến nay, mặt bằng phục vụ dự án đã được bàn giao xong, thì viện lý do thiếu vốn, một năm qua làm đình trệ, rồi ngưng thi công…

(Còn tiếp kỳ sau: Lại những lời hứa mới!)

Bạn đang đọc bài viết Bộ Giao thông vận tải “bỏ rơi” cầu vượt Dầu Giây!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới